Ảnh minh họa |
Chỉ có 0,2% GDP đầu tư cho nghiên cứu ngành nông nghiệp
Tại Diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái: Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) diễn ra mới đây, PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi đó ở Braxin là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%.
“Mức độ phát triển như của Việt Nam, đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) trong nông nghiệp lẽ ra nên ở mức 0,86% GDP nông nghiệp, tức là cần gấp 4 lần so với hiện nay. Ứng dụng công nghệ tăng giá trị sản xuất trở thành vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam...”- Chuyên gia này khẳng định.
Theo PGS.TS Đào Thế Anh, để có nền nông nghiệp UDCNC, trước hết cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường đầu tư kinh phí cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam đạt mức tương đương với các nước trong khu vực (0,5% GDP nông nghiệp). Hoặc có thể đầu tư cho KHCN nông nghiệp bằng cách, đề xuất với Chính phủ trích 0,5% kim ngạch xuất khẩu để đầu tư lại cho KHCN.
70% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Trong rất nhiều rào cản được liệt kê như: cơ chế chính sách, nguồn vốn, nhân lực, đất đai, thị trường, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ..., ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng DN Nông nghiệp Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh rào cản về vốn khi dẫn kết quả điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, có tới 70% DN kêu khó khăn khi tiếp cận tín dụng.
“Chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển với các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp cùng với việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp UDCNC dựa trên các tiêu chí theo định tính, thiếu định lượng... khiến DN khó tiếp cận được nguồn vốn này!”- ông Thắng phản ánh.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn khoảng 2,16 triệu tỷ đồng; trong đó có 27.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 5.000 tỷ đồng cho những DN tham gia vào chuỗi liên kết giá trị.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (NHNN) thừa nhận, việc cho vay phát triển nông nghiệp UDCNC của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, là việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các tài sản từ dự án như nhà kính, nhà lưới...) tại các địa phương theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT còn chậm.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (NHNN) cũng nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.“Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, ngành nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng kép: vừa bị ảnh hưởng xấu do dịch Covid-19 vừa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch tả lợn Châu Phi. Trong khi đó, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn chậm triển khai”- bà Giang chia sẻ.
Cùng với đó là những thách thức từ việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực như: hàng hóa thị trường nội địa chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu; các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu; những rủi ro về thị trường, giá cả thế giới cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới thị trường trong nước. Trong khi đó, nhiều DN chưa thích ứng kịp với xu thế hội nhập, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả nên TCTD chưa có cơ sở để xem xét quyết định cho vay.
Đa dạng hóa các nguồn vốn
Đây là lời giải cho bài toán vốn nói chung không riêng gì vốn cho các dự án nông nghiệp UDCNC. Về phía ngân hàng, đại diện Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất NNUDCNC, liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn.
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các TCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng. Thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) khuyến khích các TCTD đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung, nông nghiệp UDCNC nói riêng.
Theo các chuyên gia, để giải bài toán vốn đòi hỏi Nhà nước phải đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình DN đầu tư vào NNUDCNC. Bên cạnh đó, từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục cho vay; hoàn thiện tiêu chí DN nông nghiệp UDCNC theo hướng định lượng rõ ràng, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp UDCNC;
“Đề nghị các DN, người dân cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường khu vực và quốc tế, nhu cầu mới của người tiêu dùng trong nước trên cơ sở tận dụng các lợi thế sẵn có của nông sản Việt Nam”- Đại diện NHNN nhấn mạnh.
“Để KHCN thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển NNCNC; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI