Tuy nhiên với sự chung sức, đồng lòng của bà con nông dân toàn tỉnh, sự chủ động và linh hoạt của Ngành nông nghiệp trong việc kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, phương án sát, đúng với tình hình thực tế sản xuất cũng như phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả nên đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan.
Sau lũ, Ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo nông dân gieo cấy các loại cây trồng chủ yếu đảm bảo diện tích, thời vụ, đẩy mạnh cơ cấu trồng trọt theo hướng chất lượng, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết, thị trường; chỉ đạo tốt các phương án tưới tiêu, hướng dẫn, kiểm tra phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên vụ Đông xuân 2020-2021 được mùa toàn diện; giá nông sản cao, nhất là giá lúa; bà con nông dân nhiều nơi, nhất là các vùng bị thiệt hại sau lũ rất phấn khởi; sản lượng lương thực 21,6 vạn tấn, tăng 4,4% cùng kỳ, đảm bảo cung cấp lương thực cho nhân dân trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Dự kiến sản lượng lương thực cả năm của tỉnh Quảng Bình đạt trên 31 vạn tấn, tăng 4,8% cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay. |
Với tinh thần thu hoạch vụ mùa Đông xuân đến đâu triển khai vụ Hè thu đến đó, hiện nay sản xuất Hè thu tiếp tục khả quan, diện tích tăng khá so với cùng kỳ (tăng 1.156ha/15.715ha), mực nước các hồ đảm bảo, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi. Ngành nông nghiệp dự kiến sản lượng lương thực năm nay trên 31 vạn tấn, tăng 4,8%CK (cao nhất từ trước đến nay), là năm đầy khó khăn, vất vả nhưng thành quả mang lại có thể nói là ngoài mong đợi.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, mặc dù bị thiệt hại sau lũ, dịch bệnh gia súc diễn biến phức tạp làm tổng đàn giảm, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo phòng chống quyết liệt, sớm phát hiện, khống chế dịch bệnh ở diện hẹp để hạn chế thấp nhất thiệt hại, đặc biệt là tiêm phòng sớm, nên đã khống chế được bệnh viêm da nổi cục; với tinh thần vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi có điều kiện; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình VietGAHP, vì vậy chăn nuôi đã có sự phục hồi, điển hình là đàn lợn tăng 8,3% so với thời điểm sau lũ; sản lượng thịt hơi trên 45.000 tấn.
Cán bộ thú y tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy |
Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 194 trang trại chăn nuôi và hơn 20 Công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi; một số trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi: Áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, chăn nuôi theo VietGAP, sử dụng hệ thống làm mát tự động, thức ăn ủ men vi sinh, đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng bioga.
Bên cạnh đó lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng xa bờ, sản lượng khai thác 6 tháng đạt 37.500tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ; bên cạnh đó Quảng Bình là một trong những tỉnh thực hiện tốt chống khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác trái phép thông qua trên 1.070 thiết bị giám sát hành trình đã từng bước thực hiện các cam kết với EC.
Hơn 1.070 thiết bị giám sát hành trình đã được cấp, từng bước thực hiện các cam kết với EC. |
Ngoài ra, Ngành đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch trồng mới 10,1 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn; xây dựng phương án quản lý rừng trồng bền vững và đã cấp chứng chỉ FSC cho gần 4.000 ha rừng trồng; đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT cho biết: “Ngành nông nghiệp luôn xác định dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn phải duy trì các hoạt động sản xuất, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhân dân, nhất là các khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội.
Vì vậy trước mắt, Sở đã hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát kế hoạch, đề án, phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với các kịch bản, diễn biến của dịch bệnh covid-19; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất.
Về lâu dài phải xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ… Đây chính là điều kiện quan trọng để phát triển vùng chuyên canh gắn với hệ thống nhà máy chế biến, tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Quảng Bình trong thời gian tới”.
Các sản phẩm OCOP được người dân địa phương và các tỉnh tin dùng. |
Bên cạnh sự chủ động, thích ứng của người dân, doanh nghiệp thì rất cần sự phối hợp vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các ngành giao thông, công thương… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm, tránh hiện tượng tồn đọng, đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Trong điều kiện nguồn lực đầu tư cho Ngành nông nghiệp còn khá khiêm tốn (mỗi năm chưa đến 18 tỷ đồng), nhưng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, toàn ngành đã thu được kết quả khá toàn diện; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,54% cùng kỳ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả tỉnh.
Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, song Ngành nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trụ đỡ để duy trì an ninh lương thực và ổn định xã hội trong lúc chờ cơ hội phục hồi kinh tế, giúp tỉnh nhà vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.