9 năm nay, anh Công an Vũ Công Bằng (36 tuổi - trú thôn 10, xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, Thanh Hoá) nằm mê man bất tỉnh trên giường sau vụ tai nạn giao thông. Bệnh của anh ngày một nặng, người cha ngoài 60 tuổi phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho con.
Sinh ra trong một gia đình có 3 anh em, là anh cả nên anh Vũ Công Bằng luôn ý thức được mình phải làm gì để giúp đỡ bố mẹ, là tấm gương để các em noi theo. Vì vậy, suốt 12 năm học, anh Bằng luôn đạt học sinh giỏi, và nhiều danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, huyện.
Từ nhỏ anh Bằng luôn được bố là ông Vũ Công Lương, vốn là một quân nhân, dạy rất nghiêm. Bằng nuôi ước mơ trở thành người cảnh sát, được khoác bộ quân phục, cầm súng để bắt tội phạm, trừ hại cho dân, bảo vệ an ninh...
Khó khăn lắm vợ chồng ông Lương mới cho anh Bằng uống được ngụm nước, ăn được thìa cháo. |
Tốt nghiệp xong lớp 12, Bằng nộp hồ sơ thi vào trường Trung học cảnh sát nhân dân II – TPHCM và đỗ điểm cao
Trong suốt thời gian học ở trường, Bằng luôn là sinh viên giỏi, được thầy cô và bạn bè quý mến. Tốt nghiệp, Bằng được mời về công tác tại Trại giam An Phước – Cục V26 – Bộ Công an. Tưởng rồi cuộc sống sẽ mỉm cười với chàng trai trẻ đầy nghị lực này, oái oăm thay, công tác chưa được bao lâu thì Trung uý Vũ Công Bằng gặp tai nạn giao thông vào ngày 4/1/2004.
Bà Nguyễn Thị Linh – mẹ anh Bằng cho biết: “Nó được cơ quan cho nghỉ phép đi thăm bà con bằng xe máy, đến một trạm xăng chiếc xe máy đi trước đột ngột băng nhanh qua đường mà không xin nhan, Bằng không tránh kịp. Chiếc xe trên đã trông thẳng vào xe của Bằng. Nó bị chấn thương sọ não rất nặng, phải phẫu thuật ở bệnh viện Chợ Rẫy”.
Thấy gia cảnh của người gây ra tai nạn cho con trai mình cũng khốn khổ, gia đình ông Lương không nỡ yêu cầu họ bồi thường.
9 năm trôi qua, gia đình vẫn còn giữ lá thư anh Bằng gửi trước khi bị tai nạn: “Con ở trong này vẫn khoẻ, công tác như cũ, đã kết nạp Đảng hồi tháng 10. Còn về chuyện riêng tư, con đã có bạn gái tên Hường… Tết này con không về được, đành hẹn gia đình vào dịp khác”.
Đọc lá thư cứ như Bằng viết mới hôm qua. Cụ Vũ Công Lợi, ông nội của Bằng nghẹn ngào: “Mong sao tôi có thể gánh đỡ bớt đi nổi đau mà cháu đang chịu đựng. Tôi già rồi, chết cũng được chứ cháu nó tội lắm. Vợ con thì chẳng có, ba mẹ nó cũng đã ngoài lục tuần, nay đau mai ốm, nuôi nó đã đành lại còn nuôi thêm thân già tôi nữa”.
Thời gian điều trị 8 tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện 30/4, Bộ Công an, bệnh của Bằng vẫn không thuyên giảm. Cũng từ đây, anh Bằng vĩnh viễn bị liệt. Sờ vào phần đầu bên trái của anh, lấy ngón tay ấn nhẹ cũng đã lún sâu, chỉ là một khối thịt.
Ngày cũng như đêm, anh Bằng nằm mê man bất tỉnh. Bên cạnh anh luôn có cha mẹ và người thân chăm sóc. Mỗi khi cho anh Bằng ăn, bà Linh phải cố gắng hết sức mới banh được miệng con ra được đút từng miếng cháo, cha thì xoa bóp khắp người với ý nghĩ con sẽ bớt đau và dễ ăn hơn. Đêm ngủ, mẹ nằm trong, cha nằm ngoài, bao bọc che chở cho đứa con xấu số.
Thời gian đi bệnh viện tốn hơn 100 triệu đồng, rồi điều trị tại nhà đã làm cho kinh tế của gia đình ông Lương cạn kiện. Hằng tháng, anh nhận được tiền hỗ trợ người tàn tật là 360.000 đồng. Số tiền lương hưu của ông Lương phải chi tiêu một cách tằn tiệm lắm mới nuôi sống gia đình.
Ông Lương sụt sùi cho biết: “Thời hạn nuôi ghép phần xương sọ của cháu đã hết hạn nên bệnh viện và gia đình đã hủy không nuôi nữa. Sau này cháu có khỏe lại thì cũng ghép bằng xương sọ nhân tạo thôi. Nếu có ngày đó, thì gia đình tôi cũng không biết đào đâu ra tiền để làm phẫu thuật cho con”.
Vợ chồng ông Lương đều bị hành hạ bởi bệnh tim, thường xuyên phải đi điều trị tại bệnh viện, bây giờ cả nhà chỉ trông chờ vào vài ba sào ruộng, và đồng lương hưu ít ỏi của ông.
Ông Lương trăn trở: “Bây giờ hai vợ chồng tôi đang còn chút sức khỏe, mai này già yếu, bệnh tim của hai vợ chồng ngày một nặng. Không biết sau này ai sẽ thay chúng tôi chăm sóc cháu nữa”.
Nuôi con bệnh tật, gánh nặng cơm áo ngày càng đè nặng vai đôi vợ chồng già. Mọi sự giúp đỡ cho anh Bằng và gia đình, xin gửi về địa chỉ trên.
Thạch Thành