Ngày con trai thông báo lấy vợ người Mỹ, bà Nguyễn Thị Hòa, 60 tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An mắt tròn, mắt dẹt: "Việt Nam hơn 90 triệu dân, chả nhẽ không tìm được cô nào mà phải cưới vợ Tây?".
Anh Nguyễn Huy Hoàng, 32 tuổi, con trai bà là du học sinh ở Mỹ, yêu cô gái bằng tuổi học chung trường. Anh bảo mẹ: "Tây hay ta cũng là phụ nữ. Chỉ cần mẹ nhờ lấy chai nước mắm mà cô ấy đưa lọ muối cũng được rồi".
Bà Hòa bật cười trước câu trả lời đầy tính chống chế của con nhưng sau đó nghĩ "nó sống với vợ, chẳng ở với mình", nên vẫn đồng ý cho cưới. Năm 2018, đôi trẻ tổ chức hai đám cưới, một ở Nghệ An - quê người chồng và một ở Mỹ.
Hôn lễ của cặp dâu Tây - rể Việt xôn xao cả xã miền biển. "Có người khen nhà tôi tốt phước có con dâu Tây, sau cháu nói tiếng Anh như gió, khỏi phải học", bà tặc lưỡi.
Trong hôn lễ, được bố mẹ tặng vòng vàng, cô dâu ôm chầm lấy hai người, hôn má. Ba cô em gái của bà Hòa động viên: "Đấy, chị cứ kêu không có con gái, giờ con dâu tình cảm thế là nhất đấy". Bà kể, nửa cười, nửa mếu, không quen "ôm kiểu Mỹ".
Xong đám cưới, các con lên Hà Nội làm việc. Cuộc sống của người phụ nữ tuổi 60 vẫn trôi qua yên bình cho đến khi con dâu về quê sau sinh. Cháu đích tôn chào đời mới được vài ngày nên bà Hòa đi khắp xóm xin vỏ con sam biển về đốt trước cửa phòng để chống "gió độc". Cô con dâu tên Jenny thấy khói nghi ngút, bế đứa trẻ lao vút ra ngoài, miệng kêu hốt hoảng vì tưởng cháy nhà.
Đợi mẹ chồng đi khỏi, Jenny múc nước dội tắt cái chậu vỏ sam. "Vợ con sợ cháy, với lại mùi khói làm cô ấy khó chịu", anh Hoàng giải thích hộ vợ. Nghĩ thương con dâu bị một phen hú vía, bà Hòa cho qua.
Ba ngày sau, bà thấy Jenny mặc váy sát nách, bế cháu ra cánh đồng sau nhà chơi. Hốt hoảng, bà Hòa không cả kịp xỏ dép, chạy ra ruộng gọi: "Con ơi đi về, thằng bé mới sinh sao ra gió được". Cô gái Mỹ bật cười nói "No, No". Bất lực vì không biết tiếng để giải thích cho con dâu, bà Hòa gọi con trai nhờ "thông ngôn". Anh Hoàng giải thích với mẹ, trẻ con bên Mỹ vừa sinh đã ra ngoài tắm nắng, phụ nữ sau sinh không ăn uống kiêng khem như người Việt.
"Mẹ đừng buồn, chúng con nuôi cháu sẽ khác với người Việt mình. Mẹ cứ để Jenny tự quyết định", anh thẳng thắn. Xót cháu, hai đêm liền bà Hòa mất ngủ. Đến ngày thứ ba, bà tuyên bố: "Chúng mày muốn làm gì mặc kệ".
Nói vậy nhưng bà không thể bỏ mặc con cháu. Vợ chồng Hoàng trở lại Hà Nội đi làm sau kỳ nghỉ thai sản, bà Hòa vẫn đồng ý đi cùng để chăm sóc đỡ con dâu.
Vợ chồng con trai ở một căn hộ trên tầng 12 của chung cư. Con trai đi làm cả ngày, chỉ bà cùng con dâu ngoại và đứa cháu chưa biết nói ở cùng nhau. Mỗi ngày, bà chỉ mong chiều đến. Lúc đó, các bà trong chung cư bế cháu xuống sảnh chơi, sẽ được thỏa thuê trò chuyện. "Tôi nói thì con dâu cũng hiểu, nhưng nó không biết tiếng Việt. Cả ngày hai mẹ con cứ im lặng nhìn nhau. Sống thế này mãi chắc tôi chết", bà Hòa than.
Bây giờ, niềm mong mỏi lớn nhất của người mẹ là nhanh hết ba tháng. Lúc đó, cháu nội sẽ đủ một tuổi rưỡi, có thể đi nhà trẻ. Bà sẽ về cùng chồng nuôi lại đàn gà, trồng rau, chuyện trò với hàng xóm láng giềng.
Không có con "dâu Tây", nhưng bà Đào Hạnh, 70 tuổi, ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội lại "đau đầu" vì chàng rể ngoại quốc. Năm 2018, khi chị Thu Hà, 44 tuổi, quyết định kết hôn với anh Jonathan J. Springer, quốc tịch Mỹ, bà mẹ khuyên con nên suy nghĩ lại. Con gái từng một lần ly hôn, giờ lại lấy chồng xa, khác biệt văn hóa khiến bà lo lắng.
Tuy nhiên, đầu năm nay, anh Jonathan đã quyết định về Việt Nam định cư hẳn theo ý bà xã. Thời gian đầu, họ ở căn hộ cùng khu chung cư với bà Hạnh. Lúc này, những rắc rối do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, khiến bà mẹ vợ và chàng rể nhiều phen dở khóc, dở cười.
Cô con gái là bác sĩ nha khoa và con rể làm giáo viên tiếng Anh đều bận rộn nên buổi chiều, bà Hạnh đón cháu ngoại về cho ăn uống. Sau giờ làm, Jonathan đến đón con về phòng mình. Nhưng những hôm bận công việc đột xuất, bà phải giục con rể đến đón cháu sớm. Nhưng cả hai không biết ngôn ngữ của nhau. Đang vội, nữ bác sĩ về hưu vẫn phải gọi con gái làm phiên dịch.
Chàng rể cao 1m8 gõ cửa, thấy mẹ vợ liền cười rạng rỡ: "Mẹ, mẹ!", rồi cúi xuống ôm, hôn lên tóc bà. Đang vội ra ngoài, bà đặt bát cơm vào tay anh, chỉ vào miệng cháu ngoại, ý là cho con ăn. Jonathan hiểu nên làm theo. Nhưng cứ đút một thìa, con gái lắc đầu, anh lại ăn thay. "Tôi nhìn chẳng biết nên cười hay mếu. Ở Tây, họ không kiên nhẫn ép cho trẻ ăn như mình, mà con bé cháu thì lười ăn", bà Hạnh kể.
Sang nhà con gái chơi, dù đang mùa hè nóng như đổ lửa, bà mẹ vợ vẫn phải cầm theo áo khoác. Jonathan vốn ở xứ lạnh nên anh luôn đặt điều hòa 20 độ C. Còn khi sang nhà mẹ vợ, Jonathan giữ thói quen đi giày dép vào nhà như khi còn ở quê nhà. Biết tính mẹ sạch sẽ, chị Hà đã phải dặn trước chồng. Nhưng chục lần như một, Jonathan đều quên. Đến khi anh nhớ thì dép đi trong nhà lại không vừa chân. Hôm đó, bà Hạnh vừa lau nhà, sàn còn ướt. Chân trần, chàng rể Mỹ ngã nhào ra đất khiến cả nhà được một phen hú vía.
Bất đồng ngôn ngữ mới thật sự làm khó bà mẹ Việt và con rể ngoại quốc. Bà Hạnh nóng tính, lại nghiêm khắc. Có lần, cháu ngoại không ăn cơm, bà quát mắng. Jonathan sợ xanh mặt, tưởng mẹ tức giận. Anh về thắc mắc với vợ "Anh không làm gì sai sao mẹ lại nổi giận?".
Để hóa giải những tình huống như vậy, anh Jonathan đang nhờ người nhà dạy thêm tiếng Việt. Vợ dạy "I love you" tiếng Việt là "anh yêu em", anh lẩm nhẩm học thuộc. Chị Thu Hà kể, đầu năm nay, nhà chị có tiệc cưới em gái út. Trước đông đủ mọi người, thấy mẹ vợ, Jonathan lại gần ôm hôn. Muốn nói "con yêu mẹ", nhưng nghĩ tiếng Việt cũng giống tiếng Anh, anh con rể dõng dạc: "Anh yêu em".
Đám đông cười như pháo nổ. Chàng rể người Mỹ không hiểu gì, mặt đỏ bừng, cứ gãi đầu, gãi tai.
Điều bà Hạnh buồn hơn cả là không có cơ hội chia sẻ với bố mẹ Jonathan nhiều như hai gia đình thông gia khác. Tháng 3 năm nay, nhà chồng Thu Hà từ Mỹ sang Việt Nam thăm gia đình chị. Muốn nói chuyện với nhau, các bà phải nhờ cháu gái phiên dịch. Có những điều bà nói, cháu ngoại chưa thể truyền tải hết cho người nghe và ngược lại.
Tuy nhiên, trong mắt bà Hạnh, con rể thật ra rất dễ thương và ấm áp. Sau màn bày tỏ tình cảm nhầm ở tiệc cưới, anh được vợ "đào tạo" lại. Cứ mỗi lần bà Hạnh gọi cho chị Thu Hà, anh Jonathan lại ghé vào điện thoại reo "Mẹ ơi, con yêu mẹ". Thấy bà buồn, anh hỏi mẹ muốn mua gì để mua tặng, dù thu nhập ở Việt Nam chưa tốt như khi ở quê nhà.
"Trên hết, Jonathan yêu thương con gái tôi nên tôi cũng rất thương con rể", người mẹ nói.
Bà vẫn nhớ, hôm chia tay thông gia về nước, mẹ Jonathan cứ nắm lấy tay mình, mắt rưng rưng. Qua lời cháu gái, người phụ nữ Mỹ nói: "Tôi nhờ chị thay tôi chăm sóc Jonathan". Nghe xong, tim bà Hạnh thắt lại: "Đồng ý cho con trai vì tình yêu mà đến một đất nước xa lạ, không cùng ngôn ngữ, văn hóa, hẳn bà ấy rất lo lắng".
Bà hứa với mẹ Jonathan sẽ yêu thương, kiên nhẫn với anh như một người mẹ. Mỗi khi nói chuyện với con gái, bà lại dặn phải chăm chồng cho tốt. Vì anh đã quá hi sinh khi rời bỏ quê hương để ở bên mình.
Về phần bà Hòa, tuy bất đồng ngôn ngữ và văn hóa, nhưng cũng không thể phủ nhận, con dâu cũng có những điểm tốt.
Năm đầu tiên về ăn Tết Việt Nam, theo phong tục, vợ chồng Jenny bế con đi khắp xóm chào hỏi họ hàng. Mùng Một, cả gia đình đi chúc Tết, đến nhà ai cô dâu Mỹ cũng chào lớn "Chúc mừng năm mới! Chúc mừng năm mới". Thấy hàng xóm xuýt xoa khen Jenny nhanh miệng, khen cháu trai trắng trẻo, bà cũng vui trong lòng.
Từng phản đối ngầm nuôi con kiểu Tây, nhưng bà nhận thấy so với những đứa trẻ ở chung cư, cháu bà ít ốm vặt hơn hẳn. Cháu càng lớn, bà càng nhàn vì không phải chạy theo ép ăn như các bà hàng xóm.
Người mẹ vẫn nhớ, hồi đầu tháng 7, mình bị cảm nhẹ. Con trai đi làm không về được. Jenny cuống quýt gọi chồng rồi một tay bế con, một tay giặt khăn ấm đặt lên trán mẹ. Buổi chiều, vợ chồng cô ra chợ mua lá sả, ngải cứu, hương nhu về cho bà xông.
"Sao các anh chị bảo sống kiểu Mỹ mà lại cho tôi giải cảm thế này", bà giọng hờn dỗi. Anh Hoàng nhẹ nhàng tiếp lời "Cái gì tốt thì vẫn phải tiếp thu chứ ạ". Jenny ngồi bên cũng giơ ngón tay "Đúng, đúng!", làm mẹ chồng bật cười.
Tên một số nhân vật đã thay đổi.