Cổ tự nghìn năm đất Thăng Long
Tên gọi ban đầu của chùa Vạn Niên là Vạn Tuế, chùa được xây dựng từ năm Thuận Thiên thứ hai (1011) sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long. Chùa nằm ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, là vị trí rất đắc địa, thuận tiện cho người dân đến chiêm bái và vãn cảnh.
Chùa Vạn Niên là công trình nghệ thuật bằng gỗ với các hoa văn, họa tiết đậm nét văn hóa phương Đông. Các nếp nhà được xây dựng hướng Đông theo bố cục mặt bằng gồm tam quan, chùa chính, điện mẫu, nhà tăng, nhà phụ. Bao quanh kiến trúc là vườn cây cổ thụ càng làm tôn thêm vẻ đẹp và sự tĩnh lặng nơi cửa thiền, làm nên một tổng thể di tích văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Trên nóc chùa có ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên Tự”. Hiện chùa còn giữ bộ di vật cổ gồm: Hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn; Có Bài ký trên chuông đồng “Vạn Niên Tự Chuông” đúc vào thời Gia Long.
Trải qua hơn 1000 năm lịch sử với những biến thiên của thời cuộc, chùa đã nhiều lần được tu sửa, đặc biệt từ năm 1992 đến nay chùa được trùng tu tôn tạo lớn, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ thâm nghiêm truyền thống, cổ xưa. Sự nổi tiếng và phát triển của ngôi chùa một phần nhờ vào tâm huyết và bàn tay vun đắp của các nhà sư danh tiếng của Việt Nam như: Lâm Tuệ Sinh; Lý Thảo Đường; Thích Viên Thành, và hiện nay là Đại đức Thích Minh Tuệ.
Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chùa Vạn Niên làm lễ an vị, khánh thành Điện Phật Ngọc. Tượng Phật được tạc bằng khối ngọc tự nhiên quý hiếm từ Myanmar có chiều cao 1.3m, nặng 600kg. Pho tượng Phật bằng ngọc quý thiêng liêng “có một không hai” ở Việt Nam này càng làm tăng thêm sự tôn nghiêm của ngôi chùa cổ kính của đất Thăng Long – Hà Nội.
Sự tôn nghiêm của chùa Vạn Niên không chỉ thể hiện ở cung cách ứng xử lễ độ, đầy phép tắc mà mọi người trong chùa thể hiện với nhau, mà nó còn hiển hiện qua việc tổ chức các nghi lễ, bài trí trong chùa. Đặc biệt, cảnh du khách thập phương hay những người đi lễ nhộn nhạo, lăng xăng trong khu vực chùa chụp ảnh phổ biến ở các danh thắng, chùa chiền không hề thấy tại ngôi chùa ngàn năm tuổi này!
Với những sự đặc biệt kể trên, năm 1996, chùa Vạn Niên được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích nghệ thuật quốc gia. Tròn một thiên niên kỷ qua, ngôi chùa luôn là điểm đến của khách thập phương, nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, từ thiện nhân đạo, đem lại sự tĩnh tại về tinh thần và giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cho các thế hệ…
Nơi hồi hướng những mảnh đời lầm lạc
Không chỉ mang những giá trị độc đáo về kiến trúc, chùa Vạn Niên còn là nơi cưu mang nhiều mảnh đời lầm đường lạc lối. Thành “Râu” là một trong số đó. Cũng như nhiều “tay anh chị” khác của đất Hà Thành, Thành “Râu” từng một thời “có số má” nhưng dòng đời xoay vần anh trở về tay trắng. Trong lúc bế tắc nhất, anh đã nghĩ đến chuyện vào chùa nương nhờ cửa Phật để kiếm tìm sự tĩnh tại trong tâm hồn. Và cơ duyên đã đến khi anh đến chùa Vạn Niên, gặp Đại đức Thích Minh Tuệ - trụ trì nhà chùa. Sự thông tuệ và lòng nhân ái, bao dung của của vị sư đã thức tỉnh anh quy y, hồi hướng, quyết tâm làm lại cuộc đời…
Đại đức Thích Minh Tuệ cho biết, theo chân Thành “Râu”, số lượng người đến đây nương nhờ cửa Phật và tu tập ngày càng nhiều thêm. Trước kia họ từng là dân xã hội, khi vào chùa họ muốn hồi quang phản tỉnh nên nhà chùa luôn rộng mở đón nhận. Bản thân sư trụ trì nhận thấy họ cũng tận tụy, sau khi tu tập tại chùa đã bỏ được cái xấu, học tập được những điều tốt đẹp nên ai cũng mừng. Không những vậy, người thân của họ thấy con mình thay tâm đổi tính cũng vui mừng.
Cũng giống như Thành “Râu”, H (nhà ở quận Tây Hồ) là một thanh niên ngỗ nghịch. H chia sẻ: “Trước kia, em cũng làm nhiều việc phi pháp ngoài xã hội. Cũng do quá chơi bời nên mất tất cả. Trong lúc chán đời, em đã gặp anh Thành và được vận động vào chùa Vạn Niên tu tập, đến này đã hơn 3 tháng”.
H thú thực, thời gian đầu vào chùa cũng có lúc chán nản vì mọi sinh hoạt bị đảo lộn: “4 rưỡi sáng đã phải dậy quét dọn, nhặt lá, tưới cây. Sau khi ăn sáng lại lên chùa nhang khói. 3h chiều lại tiếp tục những công việc đó. Sau khi ăn tối thì vào chùa tụng kinh… Ngày nào cũng như ngày nào, em thấy sốt ruột muốn ra, nhưng một thời gian sau quen dần, quên hết mọi chuyện ngoài đời, thậm chí cảm thấy thích thú cuộc sống nơi đây. Quan trọng hơn, em thấy tâm mình rất thanh thản khi suy nghĩ tích cực và làm những công việc có ích cho đời…!”, H chia sẻ đồng thời tự tin rằng sắp tới sẽ về nhà khởi nghiệp kinh doanh, tích lũy một số vốn nho nhỏ lấy vợ, sinh con trở thành người có ích cho xã hội. Đó cũng là tâm nguyện của Đại đức Thích Minh Tuệ, bố mẹ H…
“Chốn thiền môn cũng như một cái cầu, con đò, còn nhà chùa là người lái đò, hay bệ đỡ cho cầu thôi… Bản thân tôi không có ý định, cũng như không nghĩ mình lại có thể làm được những việc như thế. Tất cả đến một cách rất tự nhiên… Những quá khứ lầm lỡ dần khép lại, hy vọng cuộc sống mới sẽ đến với họ”, Đại đức Thích Minh Tuệ bộc bạch.