“Nó đuổi tôi, tôi thưa nó”
Phòng xử dân sự của TAND TP.HCM một ngày đầu tháng 9/2016:
Một người con gái khác ghé vào tai mẹ nói lớn:
- Tòa hỏi có rút đơn thưa nó không?
- Hả?
- Có – rút – đơn – thưa – nó - không? (Nhắc lại to và chậm hơn).
- Nó đuổi tôi, tôi thưa nó.
“Nó” ở đây là người con gái khác, ngồi ở vị trí bị đơn. Bà cụ 90 tuổi, tai điếc, mắt mờ… đang ngồi trên xe lăn là nguyên đơn. Khoảng 4 - 5 người ngồi xung quanh cũng đều đã “tóc bạc da mồi”, là con và người thân bà cụ, ở vị trí người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bà mẹ tai nghễnh ngãng nên một cô con gái phải ngồi phía sau để nhắc lại những câu hỏi của HĐXX.
Dường như bị dồn nén quá mức, nên không chờ HĐXX cho phép, bà cụ ở tuổi gần đất xa trời kể một mạch “tội lỗi” của con gái. Bà trình bày không được rõ ràng khúc chiết, nhưng tóm tắt lại có thể hiểu sự việc như sau:
Căn nhà trên đường Dương Bá Trạc (quận 8, TP HCM) là của vợ chồng bà tạo lập từ lâu. Trước đây vợ chồng bà ở với vợ chồng người con gái thứ 6. Thời gian này tình cảm gia đình còn êm ấm nên ông bà đã lập tờ di chúc để lại một phần ngôi nhà cho cô con gái này. Ông bà mong muốn con gái sẽ dùng căn nhà làm nơi thờ cúng cho gia đình.
Cũng theo bà kể lại: Do bà không biết chữ nên sau khi cha chết, người con gái đã tự soạn hợp đồng tặng cho. Hợp đồng thể hiện việc bà đồng ý tặng cho con gái một phần ngôi nhà trên. Bà cụ phân trần: “Do tôi già cả không biết chữ, nên nó bảo cần làm sổ đỏ rồi cầm tay tôi lăn vào tờ giấy, chứ tôi đã viết di chúc rồi, đâu cần làm hợp đồng tặng cho làm chi nữa”.
Bà kể tiếp: Sau khi chồng mất, bà bị tai biến phải vài viện điều trị hàng tháng trời. Khi xuất viện về nhà thì con gái không chăm sóc và đuổi bà ra khỏi nhà. Do đó hiện giờ bà phải ở với người con gái thứ tư.
Trước đó bà đã kiện lên TAND quận 8 yêu cầu: Hủy hợp đồng tặng cho nhà. Yêu cầu của bà không được TAND quận 8 chấp nhận. Không đồng ý, bà quyết kháng cáo lên TAND TP HCM yêu cầu hủy phần hợp đồng tặng cho của bà. Đồng thời bà yêu cầu vợ chồng con gái trả 1/2 giá trị tài sản là phần bà đã tặng cho.
Bị đơn phát biểu: “Trước đây cha mẹ sống với tôi, do một tay tôi chăm sóc. Năm 2006 cha mẹ đã viết di chúc để lại một phần ngôi nhà cho vợ chồng tôi. Năm 2010, cha mẹ có ý định làm thủ tục tặng cho phần nhà nói trên nên đã tự nguyện yêu cầu Công chứng viên đến tận nhà để thực hiện việc công chứng. Việc công chứng đã thực hiện theo trình tự thủ tục luật định và có người làm chứng”.
Mặc khác, bị đơn cũng cho rằng không hề ngược đãi mẹ. Theo phía bị đơn: Do gần đây tôi bị ung thư vú nên không thể làm những công việc nặng nhọc nên việc chăm sóc mẹ bị hạn chế. Mẹ và các anh chị em khác cho rằng tôi ngược đãi bà là không đúng sự thật vì đó chỉ là những mâu thuẫn trong gia đình.
Do vậy, bị đơn không đồng ý hủy phần hợp đồng tặng cho nhà.
Nỗ lực hòa giải bất thành
Sau khi nghe hai bên trình bày, chủ tọa phiên tòa chân thành chia sẻ: “Mẹ con phải đưa nhau ra tòa là việc chẳng ai muốn. Hơn nữa ai cũng thấy bà cụ đã quá lớn tuổi rồi, chẳng còn sống được bao lâu nữa. Phải xử những vụ như vậy, bản thân chúng tôi cũng thấy rất buồn”.
Đại diện viện kiểm sát ôn tồn hỏi: Bà có mấy người con?
Sau khi nghe con gái “dịch” lại, bà trả lời: Bảy đứa, tôi đẻ chúng nó ra tôi phải biết chứ.
Đại diện viện kiểm sát:
- Mấy người con khác bà có cho tài sản không?
- Có, mỗi đứa tôi đều cho một ít. Nhưng tôi cho nó (bị đơn) là nhiều nhất, cả đất cả nhà, cả vòng vàng nữa, thế mà nó lại đuổi tôi - Bà quệt nước mắt, khóc vì tủi thân.
Đại diện Viện kiểm sát hỏi người “phiên dịch”: Hiện giờ ngôi nhà ấy được định giá là bao nhiêu?
- Khoảng 2 tỷ đồng.
Đại diện Viện kiểm sát quay sang bà cụ: Thế bà muốn đòi con gái bao nhiêu?
Bà khẳng định: Tôi đòi nó 500 triệu.
- Bà cần số tiền đó làm gì?
- Tôi để dưỡng già, ma chay sau này.
Kiểm sát viên lại quay sang phía bị đơn: Chị nghĩ sao về đề nghị của bà cụ?
- Tôi không có khả năng.Tôi giờ bệnh tật, các con còn nhỏ không có khả năng trả cho mẹ tôi số tiền lớn thế.
Chủ tọa phiên tòa nhẹ nhàng: “Chị nghĩ đến con mình, sao không nghĩ đến người mẹ gần đất xa trời đang ngồi bên cạnh. Hơn nữa tài sản trên là do chị được cha mẹ cho tặng chứ không phải do vợ chồng chị tạo lập, chị thử nghĩ xem có thể đáp ứng được phần nào yêu cầu của bà cụ hay không?”
Bị đơn vẻ bực bội: Chỉ là mâu thuẫn trong gia đình nhưng mẹ và các anh chị kiện tụng tôi khắp nơi.
Vị Kiểm sát viên động viên: Đấy chị xem, bà cụ ngồi đây, chân không đi được, tai không nghe được. Bà cần một số tiền để lo về sau. Đây cũng là cơ hội cuối cùng để chị thể hiện chữ hiếu, coi như món quà tinh thần để tặng mẹ. Chị nghĩ xem chị có thể tự nguyện cho mẹ mình bao nhiêu?”.
Bị đơn kiên quyết: “Không, tôi không có khả năng”.
Không khí trong phòng xử như như đóng băng, mọi người ngồi bất động.
Hai bên đều bảo vệ cái “lý” của mình, kiên quyết không chịu hòa giải, cuối cùng đành trông chờ vào phán quyết của HĐXX. Trong lúc chờ tuyên án, không khí trong phòng xử ngột ngạt đến nỗi mọi người đều vội vàng bước ra ngoài hành lang, đứng cách nhau thật xa và quay mặt về hai hướng.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định: Về ý chí, khi lập di chúc, vợ chồng nguyên đơn đã xác định việc cho người con gái phần nhà đất thuộc sở hữu của ông bà. Sau đó ông bà ký hợp đồng tặng cho nhà là phù hợp với ý chí nguyện vọng ban đầu. Tuy nhiên từ khi người chồng chết, hai bên có bất đồng, mâu thuẫn phát sinh.
Hơn nữa bà mẹ không chứng minh được tại thời điểm ký hợp đồng có sự lừa dối,ép buộc nên yêu cầu hủy bỏ hợp đồng tặng cho và đòi lại 1/2 giá trị phần tài sản tặng cho là một phần ngôi nhà là không có cơ sở để chấp nhận. Từ đó, TAND bác đơn kháng cáo của nguyên đơn, tuyên y án sơ thẩm.
Bà cụ nghễnh ngãng chẳng nghe được Tòa tuyên gì, nhưng nhìn mặt vợ chồng một người con gái khác đang đứng bên cạnh, dường như bà có thể hiểu được bà“ lại thua”.
Mặc cho mấy người con còn lại bàn tán, bức xúc, bất mãn về phán quyết của tòa, người mẹ ngồi trên xe lăn tuyệt nhiên không nói một lời. Chẳng ai để ý, bà cụ 90 tuổi vừa lấy khăn tay chấm nước mắt…