Đá “sát thủ”, xe ngược chiều
Mới đây, dư luận sôi sục lên án hành vi ném đá trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên làm một lái xe suýt gây tai nạn nghiêm trọng. Theo đó, hôm 26/3, tại cầu vượt gần nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, TP Thái Nguyên), anh Trần Trung Ngọc (38 tuổi) đang lái xe chở vợ và con nhỏ thì bất ngờ bị một số đối tượng ném gạch trúng xe khiến anh hoảng sợ phanh gấp giữa lúc xe đang di chuyển với tốc độ 80 km/h.
May mắn cho gia đình anh Ngọc, viên gạch xuyên qua kính nhưng rơi xuống cạnh ghế phụ không có ai ngồi và phía sau không có xe đang di chuyển nên không dẫn đến tai nạn.
Ngược dòng thời gian, tháng 5/2016 trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đoạn qua huyện Bình Giang, hàng loạt vụ ném đá vào xe ô tô khiến các tài xế run sợ. Trước đó, chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ (từ 20 giờ 30 phút đến 22 giờ) đã xảy ra 5 vụ ném đá vào ô tô đang lưu thông với tốc độ cao khiến các xe bị vỡ kính, vỡ gương, méo thành xe...
Đầu tháng 2/2016 trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, hàng loạt ôtô bất ngờ bị ném đá vỡ kính khiến nhiều tài xế không dám lưu thông.
Nạn ném đá trên cao tốc khiến nhiều lái xe “kinh hồn bạt vía” khi lưu thông vào ban đêm. |
Hành vi lái xe chạy ngược chiều của một số lái xe cũng gây nên hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mới đây (6/4), một clip ghi lại một tài xế hoảng hồn khi đang chạy với tốc độ 80 km/h hướng cao tốc Hà Nội - Nội Bài suýt va chạm với chiếc Toyota Innova đi ngược chiều với tốc độ cao trên cầu Nhật Tân. Đáng sợ hơn, khi tài xế ô tô vừa tránh được xe này thì 4 chiếc xe khác đi ngược chiều chạy tới, trong đó có 1 chiếc Toyota Prado biển xanh.
Đánh giá về hành vi nguy hiểm này, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CA TP Hà Nội cho biết: “Hành vi chạy ngược chiều trên cao tốc không chỉ vi phạm Luật An toàn giao thông mà còn là hành vi cố ý vi phạm pháp luật trật tự, thể hiện thái độ coi thường pháp luật và là một trong những hành vi gây nguy cơ cao nhất xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường cao tốc.
Trong bối cảnh giao thông phức tạp, tiềm ẩn đầy rẫy những yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, hành động đi ngược chiều của lái xe chẳng khác nào một mồi lửa để thổi bùng lên những cái chết đang chực chờ”.
Chiếc xe của anh Trần Trung Ngọc bị thủng một lỗ lớn trên kính chắn gió do bị ném đá trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. |
Giải pháp nào xử lý “nỗi ám ảnh”?
Tối 26/3, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên có Công văn 1134/UBND-CNN gửi Công an tỉnh Thái Nguyên, Sở Giao thông Vận tải; UBND thị xã Phổ Yên về việc điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vụ việc ô tô bị ném gạch trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Thừa nhận về tình trạng ném đá trên cao tốc đã tồn tại khá lâu và chưa có giải pháp cụ thể, ông Lại Huy Xuân, Phó Giám đốc Công ty 238, đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cho biết: “Trong mấy năm gần đây, tình trạng một số đối tượng dùng gạch, đá ném vào ô tô đang lưu thông trên các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng làm vỡ kính chắn gió, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý triệt để không dễ vì đây là những hành động mang tính bột phát, không có tính tổ chức. Nên cứ xử lý được trường hợp này thì trường hợp khác diễn ra…”.
Để hạn chế tình trạng ném đá, đi ngược chiều, Ban quản lý các tuyến đường cao tốc đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, giám sát hoạt động lưu thông xe như lắp camera giám sát. Tuy nhiên, việc này chưa thật sự hiệu quả trong việc đẩy lùi, ngăn chặn các mối họa tiềm ẩn trên cao tốc. Bởi, camera chỉ có chức năng giám sát, ghi hình từ xa, trong khi đó các đối tượng ném đá thường trốn ẩn dật trong các bụi cây ven đường và hành động vào ban đêm. Ngoài ra, số lượng camera có giới hạn nên không thể giám sát toàn tuyến…
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên do tài xế Ngô Văn Sơn điều khiển ôtô 7 chỗ chở 10 người chạy lùi trên cao tốc khiến 4 người tử vong, 6 người bị thương nặng. |
Luật sư Trần Hậu Thìn – Trưởng Văn phòng Luật sư An Việt – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện tại, hành vi ném đá phương tiện giao thông chỉ bị phạt tiền từ 500.000 đến 2 triệu đồng là rất bất hợp lý. Chỉ trường hợp gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng mà cố ý gây hậu quả nghiêm trọng, người ném đá mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt hành vi ném đá này có thể lên tới 15 năm tù.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ - CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt tiền từ 7.000.000đ - 8.000.000đ và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng đối với hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc. “Mức xử phạt trên đối với hành vi này là khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Giữa mức phạt 7 - 8 triệu đồng cũng như tước giấy phép lái xe 5 tháng với hàng loạt mạng người tử vong là vô cùng khập khiễng. Phải điều chỉnh, nâng cao mức xử phạt cũng như áp dụng tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với các trường hợp này”, Luật sư Thìn nói.
Cần chế tài xử lý mạnh hơn nữa
lTheo ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị Diễn đàn Otofun: “Trên nhiều tuyến cao tốc như: Hà Nội - Lào Cai, hệ thống biển báo nhỏ và chưa đầy đủ ở các lối ra dẫn đến nhiều lái xe chạy vượt qua và phải lùi lại. Để hạn chế đi ngược chiều, tôi cho rằng các ban quản lý tuyến cao tốc cần rà soát lại biển báo, vạch sơn kẻ đường trên tất cả các tuyến đường cao tốc để người dân có môi trường thực hành giao thông an toàn”.
lAnh Nguyễn Huy Phương, tài xế xe khách tuyến Hà Nội – Thanh Hóa nhấn mạnh: “Muốn ngăn chặn việc này thì phải nâng cao ý thức của họ, chỉ khi ý thức tham gia giao thông nghiêm chỉnh thì sẽ không ai chạy như vậy. Chỉ khi họ hiểu được rằng hành vi tùy tiện ấy sẽ khiến họ phải trả giá bằng tính mạng thì sẽ không còn tình trạng chạy xe ngược chiều nữa. Vì thế, tôi ủng hộ việc gia tăng hình phạt đối với tài xế đi ngược chiều trên cao tốc”.