Đây không phải là lần đầu tiên các em thiếu niên ném đá, phá hoại tài sản người dân chỉ để vui đùa. Lại một lần nữa, vấn đề giáo dục được nhắc tới, như căn nguyên của nhiều hành vi sai lệch của thanh, thiếu niên gần đây. Khi bị bắt, nhóm thiếu niên này khai nhận đã ném đá hàng chục chiếc ô tô ở khu vực chung quanh vì “không có việc gì làm”.
Trước đó, chuyện các nhóm thiếu niên tụ tập để ném đá vào các phương tiện di chuyển trên đường không phải là chuyện hiếm. Giữa năm 2016, một nhóm thiếu niên, học chưa quá trung học cơ sở cũng đã bị bắt vì tội liên tục ném đá làm vỡ kính, xước sơn các ô tô lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội, Hải Dương. Tại Kon Tum, cũng từng xảy ra vụ việc nhóm các trẻ chỉ từ 11-13 tuổi ném đá gây hư hại cho xe tải, ô tô trong một thời gian dài.
Chuyện bị trẻ em sống ven đường ném đá làm vỡ cửa kính đã là một “vấn nạn” của ngành Đường sắt Việt Nam trong nhiều năm, gây nhức nhối. Có năm, ngành Đường sắt đối mặt với hàng ngàn vụ ném đá làm vở cửa kính, móp thân tàu, gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Không chỉ với phương tiện vận chuyển, nhiều trẻ em ở nông thôn còn có thú vui ném đá vào… bất cứ thứ gì chung quanh, như ném đá vào cửa kính nhà, ném đá vào nhà kính trồng rau, vào vườn cây trái, thậm chí còn ném cả vào… tổ ong.
Những vụ ném đá, phá hoại này không chỉ gây thiệt hại nặng nề về tài sản mà không ít trường hợp đã gây ra những tai nạn thương tâm, như những vụ tài xế bị ném đá mù mắt, vỡ đầu, hành khách xe khách bị thương đến mức sợ bỏ chuyến. Có những vụ trẻ ném đá vào tổ ong, bị ong đốt suýt tử vong…
Có một sự khác biệt trong hành xử của trẻ em nông thôn Việt và trẻ em ở nhiều đất nước khác mà những người đi du lịch nhiều thường thấy, đó là trong khi trẻ em ở nhiều đất nước thường chào đón khách du lịch và hành khách lạ với những cái vẫy tay và nụ cười thân thiện, thì ở một số địa phương của Việt Nam,thay vào đó lại là những… hòn đá.
Không thể đổ lỗi cho dân trí, bởi với một số đất nước như Ấn Độ, Campuchia, Myanma…, ở nhiều vùng nông thôn còn đói nghèo, lạc hậu hơn cả Việt Nam, nhưng hành vi ném đá vào người đi đường cũng hiếm khi xảy ra, thay vào đó là sự niềm nở, tươi cười với khách lạ.
Romelie Ladao, một du khách người Mỹ chia sẻ, chị đã từng là nạn nhân của trò ném đá ở trẻ em nông thôn Việt, khi lái chiếc Jeep đi qua một làng quê ở miền Trung. “Với trẻ em các nước tôi đi qua, tôi ít khi gặp chuyện này, hầu hết các em đều rất thân thiện, chào đón. Có lẽ đây chỉ là một sự việc cá biệt, vì các em chưa ý thức được việc mình làm”.
Lý giải về điều này, chuyên viên tâm lý tâm lý Nguyễn Thị Thanh Thảo, chuyên viên tư vấn của tổng đài 1080, thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này. Một trong số đó là do trẻ em nông thôn thiếu thốn các thú vui giải trí. Các em không có công viên, rạp hát, không có chốn vui đùa… Từ đó, nảy sinh ra việc tụ tập nhau “nghịch dại”. Cộng với sự thiếu giáo dục, uốn nắn để phân biệt phải trái, đúng sai từ gia đình, dẫn đến những hành vi lệch lạc ở các em.
Đối với các hành vi nói trên, có lẽ, ngoài việc bắt được và xử lý, quan trọng là phải tăng cường hợp tác giáo dục giữa nhà trường, gia đình và địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho các em có chốn sinh hoạt, vui chơi ngay tại địa phương mình, làm phong phú đời sống tinh thần của các em, thì có lẽ sẽ phần nào giúp các em tránh xa các trò “nghịch dại” hậu quả khôn lường như thế.