Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trên địa bàn Thủ đô dọc theo các tuyến có đường sắt chạy qua có 580 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Trong số này chỉ có 184 điểm giao cắt hợp pháp phòng vệ bằng người gác. Còn lại có tới 396 điểm dân sinh tự phát và không có phòng vệ cảnh báo.
Vi phạm tràn lan
Chính vì những điểm giao cắt bất hợp pháp trên mà nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt luôn tiềm ẩn rất lớn. Dù lực lượng chức năng đã huy động tối đa nhân lực, thực hiện tuần tra tuyến và cắt cử cán bộ trực chốt tại các điểm giao cắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao nhưng nhiều vụ TNGT đường sắt đáng tiếc vẫn xảy ra.
Đáng nói, trên địa bàn Hà Nội, tại các điểm giao cắt hầu hết đều có trạm gác chắn của ngành Đường sắt, nhưng những vi phạm như: cố tình lách vào các khe hở hay tự ý đẩy rào chắn ra để băng qua đường sắt dù tàu đang đến gần vẫn xảy ra.
Minh chứng dễ thấy, ở các điểm giao với đường sắt như trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, nút giao Trường Chinh - Giải Phóng hay Ngọc Hồi… không khó để bắt gặp cảnh đèn tín hiệu, còi hú, chuông reo… đã phát tín hiệu cảnh báo nhưng các phương tiện tham gia giao thông vẫn cố đi qua đường ngang.
Hệ lụy là những vụ tai nạn do va chạm với tàu hỏa xảy ra ở những “điểm đen” giao cắt với đường ngang dân sinh. Không ít vụ xảy ra do ý thức chủ quan, coi thường sự an toàn bản thân của chính các nạn nhân. Đơn cử, vụ tai nạn xảy ra tại Hà Nội ngày 26/2.
Vào thời điểm trên, tàu hỏa mang số hiệu SE05 chạy từ Ga Hà Nội đi Ga Vinh (tỉnh Nghệ An), khi đi đến nút giao thông Xã Đàn – Đại Cồ Việt – Lê Duẩn thì bất ngờ có một người đàn ông băng qua đường sắt và bị tàu đâm trúng phải nhập viện cấp cứu.
Điều đáng trách đối với nạn nhân là vào thời điểm trước khi tai nạn xảy ra, nhân viên gác tàu đã báo hiệu có tàu sắp đi qua và kéo rào chắn tàu hỏa lại. Trong khi tất cả các phương tiện khác đều đứng chờ thì nạn nhân này vẫn cố tình băng qua rào chắn với ý định vượt đường sắt nên đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc trên.
Theo những nhân viên làm nhiệm vụ gác chắn, mỗi khi tàu qua, để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, họ đều kiên quyết ngăn cản, cảnh báo. Tuy nhiên, không ít lần họ vấp phải sự phản ứng của người tham gia giao thông, qua các hành động chửi bới, mạt sát.
Nâng cao ý thức người dân
Theo tìm hiểu, Hà Nội là một trong những địa phương có mạng lưới đường sắt lớn nhất cả nước với chiều dài khoảng 160km. Trong đó, có 5 tuyến đường sắt hướng tâm, 1 tuyến vành đai phía Tây. Tuy nhiên, hiện hầu hết các tuyến đều chưa có hành lang riêng, thậm chí nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến đường sắt còn đùa giỡn, hóng mát, sửa xe máy, làm đồ gỗ… ngay trên đường ray, vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Trong khi hạ tầng giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô chưa đồng bộ, việc một bộ phận người dân ý thức chưa cao, tự ý sinh hoạt, mở đường ngang cạnh đường sắt là hết sức lo ngại.
Chỉ ra tồn tại cố hữu của các vụ TNGT đường sắt, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hiện nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí; nguồn vốn do Nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang.
Ngoài ra, theo ông Hùng, ý thức của người dân chưa cao cũng là “rào cản” khiến các vụ tai nạn gia tăng. Cụ thể, theo báo cáo, lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường dân sinh chiếm tới gần 42%; cùng đó, lỗi do người điều khiển phương tiện vi phạm khoảng giới hạn đường sắt và người đi bộ đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt chiếm gần 9% và lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường ngang có biển báo chiếm trên 11%...
Để giảm thiểu tình trạng TNGT đường sắt trong thời gian tới, ngoài việc xóa các “điểm đen” giao cắt với đường ngang dân sinh, người dân sống ven các tuyến đường sắt và người tham gia giao thông cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về giao thông, tuân thủ hiệu lệnh của lực lượng chức năng và tín hiệu đèn cảnh báo giao thông đường sắt để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.