Mỗi khi Tết đến Xuân về, nhận những lá thư, cánh thiệp tri ân của độc giả cảm ơn Báo Pháp luật Việt Nam đã đồng hành trong suốt năm qua tìm lại công bằng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân, lòng chúng tôi lại trào dâng niềm xúc động cùng biết bao tâm sự vui buồn...
Xuân sớm ở Cát Đằng…
Gần hai năm kể từ ngày xảy ra vụ án oan đối với anh Phạm Văn Sơn (SN 1972, trú tại xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định) nhưng khi chúng tôi về phố Cát Đằng hỏi thăm, nhiều người dân vẫn còn kể vanh vách nội dung vụ án. Anh Phạm Văn Sơn là công dân đã được VKSND huyện Ý Yên xin lỗi, bồi thường oan sai về về tội “Cố ý gây thương tích” hồi tháng 2/2011.
Oan khiên đã lùi xa khỏi gia đình anh Phạm Văn Sơn. |
Trong ngôi nhà hai tầng khang trang với khuôn viên rộng tập kết rất nhiều hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp chuẩn bị xuất xưởng, “ông chủ” Phạm Văn Sơn rạng rỡ bên cô vợ trẻ đẹp đang thoăn thoắt kiểm hàng. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi bỗng bùi ngùi nhớ lại một ngày giáp Tết năm trước, anh Sơn lặn lội hơn trăm cây số từ quê lên Tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam để kêu oan.
Bữa ấy, người đàn ông cứ lóng ngóng mãi mới tìm ra bản Kết luận điều tra trong túi hồ sơ đơn từ để trình bày với phóng viên. Nỗi uất ức vì bị vô cớ đẩy vào lao lý khiến người đàn ông nhiều nghẹn ngào nước mắt. Từ một xô xát nhỏ, do thiếu kiềm chế, anh Sơn đã tát vào mặt ông Bùi Văn La cùng thôn gây chảy máu mũi. Hành vi và vết thương chỉ có thế, vậy mà ông La đi khám thương xác định tổn hại những 31% sức khỏe. Với thương tật trên, anh Sơn bị VKSND huyện Ý Yên truy tố về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Từ lá đơn kêu oan của công dân, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cùng với luật sư của VPLS Hằng Nga (Hà Nội) đã về huyện Ý Yên gặp gỡ các nhân chứng, rồi đến Bệnh viện Quân y 5 (Ninh Bình) nơi nạn nhân điều trị để thu thập chứng cứ.
Từ bản trích sao giấy chứng thương và bệnh án của nạn nhân Bùi Văn La, chúng tôi đã tìm ra “chìa khóa” của vụ án oan. Bệnh án thể hiện nạn nhân chỉ có một vết thư¬ơng duy nhất gây xước da nông, cánh mũi chảy máu đã cầm với tỉ lệ xác định từ 1- 4%. Thế nhưng, khi công an trưng cầu giám định thương tích của nạn nhân Bùi Văn La thì “đẻ” thêm nhiều vết thương với tổng tỉ lệ thương tật là 31 %!
Trong bài báo “Kết tội bằng chứng cứ… từ trên trời rơi xuống!” chúng tôi khẳng định anh Phạm Văn Sơn đã bị hàm oan, đề nghị VKSND huyện Ý Yên rút truy tố. Tuy nhiên, cáo trạng vụ án vẫn được chuyển sang TAND huyện Ý Yên, tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Dù không thu thập thêm được chứng cứ làm rõ các yêu cầu của Toà án nhưng VKSND huyện Ý Yên vẫn có Công văn gửi Toà án với nội dung “chốt hạ” như sau: “VKSND huyện Ý Yên thấy có đủ căn cứ để kết luận hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn Sơn, đề nghị xét xử theo quy định của pháp luật”. Báo Pháp luật Việt Nam lại tiếp tục đồng hành với anh Sơn đi tìm công lý.
Cuối năm 2010, VKSND huyện Ý Yên đã ra quyết định đình chỉ truy tố, đình chỉ vụ án đối với anh Sơn. Đến ngày 1/2/2011, VKSND huyện Ý Yên tiến hành xin lỗi anh Sơn và bồi thường cho anh 45 triệu đồng.
Ngay sau khi được minh oan, Báo Pháp luật Việt Nam chính là nơi đầu tiên được anh Sơn điện thoại báo tin vui. Mừng quá, người đàn ông nói tiếng nọ lấp tiếng kia, cười sảng khoái rồi lại nghẹn lời… Chia sẻ niềm vui công lý với anh, chúng tôi rưng rưng cảm động trước tình yêu vô bờ bến và sự tin yêu của công dân với tờ báo thân yêu của mình.
Anh Sơn tâm sự: “Oan khiên đã lùi về quá khứ, giờ đây gia đình tôi đã ổn định lại cuộc sống, xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình tôi làm ăn ngày càng phát đạt. Đặc biệt, năm ngoái gia đình tôi đã chào đón thêm thành viên mới là cậu con trai kháu khỉnh sau nhiều năm chờ đợi (cô chị hiện đã học lớp 3- PV).”
Cậu bé được bố mẹ đặt cho nick-name là Cát Đằng- tên của miền quê, cái tên của sự may mắn, niềm vui và hạnh phúc. Giữa cái lạnh se sắt cuối năm, tôi vẫn cảm nhận rất rõ mùa Xuân ấm áp tràn ngập trong ngôi nhà nhỏ của họ ở thị trấn nhỏ Cát Đằng.
Hạnh phúc đoàn viên
Với gia đình ông Nguyễn Quyết Chiến (56 tuổi, thương binh mất 65% sức khỏe, trú tại phường Hiến Nam, TP Hưng Yên), mùa Xuân này thật đặc biệt vì toàn gia được hạnh phúc đoàn tụ sau ba năm người chồng, người cha, người ông nội của gia đình bị sa vào lao lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do cơ quan tố tụng đã hình sự hóa một tranh chấp dân sự.
Năm 2004, UBND tỉnh Hưng Yên tiến hành giải phóng mặt bằng mở rộng, nâng cấp quốc lộ 39A đoạn qua TX Hưng Yên. Theo đó, gia đình ông Chiến bị thu hồi toàn bộ diện tích đất ở thuộc thửa số 13 tờ bản đồ 70. Nhận tiền đền bù xong thì ông Chiến bị người chủ cũ thửa đất số 13 tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt một phần đất chưa bán để “ăn” tiền đền bù, đồng thời ông Chiến cũng bị điều tra về hành vi khai báo gian dối đất ao thành đất ở để chiếm đoạt của Nhà nước trên 1,6 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Tháng 10/2007, ông Chiến vẫn bị khởi tố, bắt giam theo phê chuẩn của VKSNDTC về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 139 BLHS có mức hình phạt từ 12 đến 20 năm đến tù chung thân hoặc tử hình, cùng vụ án còn có 7 bị can khác.
Mặc cho ông Chiến và gia đình ròng rã kêu oan nhưng VKSNDTC vẫn hoàn tất Cáo trạng truy tố ra trước tòa. TAND tỉnh Hưng Yên 4 lần ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng đều phải trả hồ sơ điều tra bổ sung trước khi mở phiên tòa, vì không đủ căn cứ buộc tội các bị cáo. Hơn ba năm trời ông Chiến bị bắt giam oan, tháng 11/2010 ông Chiến đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại.
Đến ngày 11/5/2011 ông Chiến mới được nhận quyết định miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án theo điều 25 BLHS. Điều cảm động nhất là, sau khi nhận được Quyết định đình chỉ điều tra, ông Chiến đã từ trụ sở VKSNDTC đến thẳng Tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam để báo tin vui.
Ngay sau khi nhận được Quyết định đình chỉ truy tố bị can, ông Chiến từ trụ sở VKSNDTC đã tới thẳng Tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam để báo tin vui, cảm ơn quý Báo đã đồng hành tìm lại công lý cho mình. “Nếu không có báo…”- Ông Chiến bỗng nghẹn lời.
Trong 3 năm ấy, gia đình ông đã phải bán đất cùng những tài sản có giá trị trong nhà để có tiền thuốc thang, tiếp tế vào trại giam. Cậu con trai lớn phải nghỉ học để đi làm phụ mẹ nuôi em và thăm nuôi bố. Đã có lúc tưởng như nỗi đau đớn, mặc cảm khiến họ gục ngã… Trong nỗi tuyệt vọng cùng cực đó, họ đã tìm đến chỗ dựa tin cậy là Báo Pháp luật Việt Nam, như một cứu cánh giúp họ tìm thấy ánh sáng niềm tin công lý để vượt qua chuối ngày bất hạnh.
Tin vào công lý
Mùa Xuân là khởi đầu một năm mới, thực sự chúng tôi không muốn nhắc lại những nỗi oan khiên của công dân cũng như sai phạm của cơ quan tố tụng. Dẫu biết, trong các thao tác tố tụng rất khó tránh khỏi sự sơ suất, sai lầm nhưng mong sao trong giai đoạn chúng ta đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách tư pháp hiện nay, sự sai sót sẽ ngày càng được đẩy lùi, giảm thiểu. Để Xuân về sẽ xóa hết nỗi oan khiên phiền muộn, bắt đầu một năm mới nhiều cơ hội, mở ra một trang đời mới nhiều niềm vui.
Trong số những công dân được Báo Pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền lợi hợp pháp, nhiều người chúng tôi mới chỉ gặp qua những lá thư, qua hồ sơ đơn từ, qua số điện thoại đường dây nóng 0982 559 911. Dẫu chưa một lần gặp mặt, nhưng tờ báo đã thực sự là chỗ dựa tin cậy, là người bạn tinh thần thân thiết luôn sát cánh bên độc giả trong những khó khăn vướng mắc về pháp lý, vào những thời khắc tưởng chừng như họ đang tuyệt vọng cùng cực nhất.
Chính niềm tin của những người dân vào sự công bằng pháp luật, vào lẽ phải ở đời đã khiến các cơ quan pháp luật và chúng tôi vững vàng hơn, thận trọng và có trách nhiệm hơn trong công việc để niềm tin công lý vào tinh thần thượng tôn pháp luật ấy ngày càng được nhân lên, để sau mỗi vụ án sẽ là những nụ cười.
Quỳnh Lưu