“Thân cò” lặn lội
Chẳng ai ở cảng cá Quy Nhơn còn nhớ những chiếc đò ngang xuất hiện lúc nào, chỉ biết, bao năm qua, giữa sóng, gió, những con đò bé tí teo vẫn lặng lẽ đưa người lên tàu, vào bờ. Mấy chục con đò tập trung lại với nhau tạo nên một xóm đò, một bến đò nhỏ giữa cảng cá tấp nập, sầm uất.
Không đẹp và lãng mạn như trong thơ, nhạc, hơn 30 người phụ nữ chèo đò nơi này vất vả giữa ngược xuôi đầu con sóng. Giấu đi vẻ mềm yếu, các bà, các mẹ, các cô khoác lên mình lớp quần áo dày cộp, phơi người trong nắng gió để có được khoản thu nhập, chăm lo cho gia đình.
Ngồi trò chuyện, chị Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1981) cho biết: “Ở đây, dân chèo đò phân chia rõ ràng để khỏi mất lòng nhau. Giống như xếp hàng mua vé vậy, đò của ai đến bến trước thì sẽ được đón khách trước. Cứ theo thứ tự lượt về bến mà xoay vòng”.
Một lượt chèo, người lái đò được trả 5.000 đồng/người. Người nào đến lượt chèo đò mà có nhiều khách thì khoản thu có phần kha khá hơn. Trung bình mỗi người chèo đò kiếm được từ 70 đến 100 ngàn đồng/ngày. Những ngày mở biển, số người ra vào nhiều, người chèo đò kiếm được khoản thu nhập cao hơn đôi chút.
Những lúc thời tiết bình thường là thế nhưng khi bão lớn, ghe thuyền đều phải chạy vào vịnh để tránh bão, sức đàn bà cũng phải chèo đò chạy đi và nằm giữ đò luôn trong đó. Những lúc chân vịt vướng rác, họ cũng phải nhảy xuống nước gỡ ra, đò hư hỏng cũng phải biết sửa.
Chị Loan cho biết: “Có những lần đang chèo chưa được nửa đoạn đường thì trời mưa tầm tã, sóng gió ù ù, người lạnh buốt, tê cóng nhưng cũng phải cố gắng mà chèo. Chưa hết, những lúc trời mưa gió, đò lại dở chứng hư hỏng, chị em chúng tôi cũng phải đội mưa để sửa chữa. Vì hoàn cảnh, vì công việc nên nhiều lúc 1, 2 giờ sáng mới về đến nhà”.
Hơn 20 năm đưa đò, bà Nguyễn Thị Phương (SN 1963) đặc tả công việc của mình bằng một chữ khổ. Tựa tay lên mái chèo, bà tâm sự:
“Nhà có 4 đứa con. Mỗi ngày đi chèo đò về, đứa thì xin mẹ tiền mua bút, thước, đứa lại xin tiền học. Rồi thì bữa cơm hàng ngày, thuốc thang khi chồng con đau ốm, tiền lễ nghĩa, rồi dựng vợ gả chồng cho con đều nhờ cái bến đò này mà ra. Vậy nên, nhiều lúc, chị em tôi tặc lưỡi: Khổ thì kệ! Xấu cũng kệ! Miễn sao lo cho gia đình được no cái bụng, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.
Số đông các bà, các cô, các chị lái đò ở đây đều ở Hải Minh (khu vực 9, phường Hải Cảng). Mỗi ngày, họ giọng đò vượt gần một cây số để về với cảng Quy Nhơn bằng chính sức của đôi tay. Rồi cũng bằng đôi tay ấy, cô lái đò tiếp tục hành trình đưa khách ra, vào bờ. Đến tối mịt, những “thân cò” này lại dốc hết sức cho những nhịp chèo cuối ngày, trở về nhà.
Đêm về, họ rệu rã, đau nhức. Tất cả những dấu hiệu ấy lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi tháng. Để rồi bây giờ, đơn vị đo đếm hành trình của họ đã là năm. Cô lái đò ít tuổi nghề nhất ở cảng cá là 10 năm. Người dày dặn gió sương hơn đã lên đến 30 năm.
Không chỉ hoạt động ban ngày, đêm đến, bến đò vẫn không thiếu tay chèo. Nhưng số người làm việc tại buổi đêm có phần ít hơn. Bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1965, quê ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), người có nhà ở xa cảng nhất, cũng là người thường xuyên chèo đò đêm ở nơi này. Không thuê nhà trọ, bà chọn ngủ tại đò. Bao nhiêu năm qua, giấc ngủ của bà chòng chành trên sóng nước.
“Tôi ngủ trên thuyền với một cái mền khi không có người gọi đò. Nếu trời mưa hoặc hôm nào sương đêm lạnh quá, tôi sẽ lên ghe đang đậu ở cảng mà trú nhờ. Những chủ ghe này biết được hoàn cảnh của mình nên họ lúc nào cũng vui vẻ cho ngủ cả. Nhờ trời và cũng nhờ biển, tôi hầu như chẳng mấy đau ốm để có thể làm việc mỗi ngày và nuôi gia đình”, bà Cúc lạc quan kể về công việc gắn liền với sóng, gió của mình.
Phút thảnh thơi của những “thân cò” làm nghề chèo đò. |
Tuổi tác qua nhanh
Nói về những vất vả, hiểm nguy của nghề, chị Loan hóm hỉnh đúc kết: “Chị em tôi ngày nào cũng tập thể dục bằng bơi, bằng chèo đò cả. Giờ, đôi tay khỏe là niềm tự hào của chúng tôi. Nhiều khi nghĩ mình chẳng còn là người đàn bà chân yếu tay mềm như người ta nói, mà đã dạn dày sương gió, đối mặt với bão táp như những người đàn ông đi biển ngoài khơi kia. Nắng gió trên biển luyện con người trở nên cứng cáp nhưng cũng lấy đi nhan sắc và tuổi xuân. Mình khỏe đấy nhưng cằn cỗi, khô ráp lắm”.
Nhìn làn da cháy đen vì nắng, bàn tay, bàn chân thô ráp bởi cầm chèo, ghì đò của những “thân cò” nơi đây, chúng tôi không khỏi ái ngại. Thật khó giữ gìn được vẻ đẹp bởi đôi bàn tay phải thường xuyên kéo ghì chèo ngấm nước biển, nước cá và bùn đất. Rồi đôi bàn chân của những “thần cò” này phải bỏ dép vì bươn trên bến cảng ngập bùn và những thứ tanh hôi mà chúng tôi, mỗi lần bước qua, phải nhón chân đi cẩn thận từng bước, sợ vấy giày.
Bà Cúc vốn là dân chèo đò từ cách đây hơn 20, đến nay bà đã đổi mấy chiếc đò. Bà cho biết, 100 đến 150 ngàn đồng mỗi ngày bà kiếm được trở thành thu nhập chính trong nhà gia đình nghèo có chồng bệnh tật, hai con nhỏ đang tuổi ăn học.
“Nghề chèo đò thì lấy đâu ra thời gian mà làm đẹp như bao người khác. Tôi còn đỡ, chứ nhiều phụ nữ sức yếu, không chèo nổi cả ngày nên tranh thủ chèo đò rước khách buổi sáng rồi chiều tìm công việc đan lưới, bán cá kiếm thêm. Mình nghèo mà, tranh thủ kiếm được đồng nào hay đồng đó. Đồng tiền mình kiếm được là mồ hôi nước mắt của mình nên khổ thì khổ nhưng cũng có niềm vui”, bà Cúc tâm sự.
Ngồi trò chuyện, chúng tôi nghe các bà, các cô, các chị chèo đò tiếp lời tán chuyện, rằng ai cũng có một bệnh kinh niên như đau nhức xương khớp, cột sống, nhức đầu… Tuy nhiên, khi vào việc họ cố chịu cho qua, song khi nghỉ ngơi lại thấy người đau nhức, bệnh phát ra nặng hơn. Có những phụ nữ trẻ chèo đò, chúng tôi gọi chị vì họ chỉ hơn chúng tôi vài tuổi nhưng nắng nôi, mưa gió làm họ già không kém gì những người mẹ đã ngoài 40 tuổi.
Bà Phương tâm sự: “Ở đây, nhiều người lái đò khoảng hai lăm, hai bảy tuổi nhưng trông già lắm. Tất cả cũng vì gió sương trên những chuyến đò chòng chành xuôi ngược này. Nhiều đứa kể với tôi, nhiều khách đò lạ, chỉ tầm tuổi tụi nó nhưng lại gọi tụi nó là cô với vẻ kính trọng dành cho người lớn tuổi. Những lần như thế, tụi nó cũng ái ngại lắm. Đôi lúc cũng chạnh buồn vì biết tuổi tác mình qua nhanh quá”.
Ở cảng cá này, chúng tôi được nghe, được cảm nhận về những chuyến chèo đò thấm đẫm mồ hôi của những “thân cò” lặn lội này. Làn da sạm nắng, lam lũ, vất vả nhưng nụ cười của họ lại rạng ngời, hào sảng như chính con người họ vậy. Thấy trong đó có niềm tin vào cuộc sống và chăm chút những hi vọng cho tương lai của con cái.
“Khổ mấy tôi cũng chịu được, miễn cho con học hành đến nơi đến chốn. Nhìn con cái lớn lên, học hành đàng hoàng, sau này có công ăn việc làm ổn định, tôi thấy không uổng phí những tháng ngày cực nhọc chèo đò. Biết đâu sau này còn cái nên người, mình lại sướng thì sao”, bà Phương cho biết.
Rời cảng Quy Nhơn trong cái nắng như thiêu như đốt, ngoảnh đầu nhìn lại biển, những chiếc nón lá của những “thân cò” lấp lóa trong nắng chói chang. Chúng tôi ám ảnh mãi câu nói của bà Cúc: “Người xưa nói về người phụ nữ rằng, thân cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Còn bây giờ, chị em chúng tôi đúng là thân cò lặn lội ngày đêm, tuổi xuân qua sớm mà không thấy buồn”.