Lớp trẻ ít biết tiếng mẹ đẻ
Đồng bào dân tộc Dao đông thứ 9 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Dao ở Việt Nam có trên 751.067 người, cư trú chủ yếu ở vùng rẻo cao của các tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa…
Cộng đồng dân tộc Dao tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, từ việc canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang đến kiến trúc làng bản, ẩm thực, trang phục truyền thống, tín ngưỡng. Trong đó nổi bật là chữ viết Nôm Dao, chữ Dao.
Đặc biệt ngôn ngữ người Dao thuộc hai phương ngữ chính là phương ngữ Miền vả (của người Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Tiền) và phương ngữ Mùn vả (của người Dao Quần Trắng, Dao Làn Tẻn). Hai phương ngữ này đều sử dụng chữ Nôm Dao.
Ở Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em, trong đó có 3 dân tộc có chữ viết, người Dao là một trong số đó. Hiện toàn tỉnh có khoảng 6.000 người Dao sinh sống ở ba huyện chủ yếu là Mường Lát, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc và còn bảo lưu được chữ viết cùng nhiều văn tự quý. Tuy nhiên, trên thực tế, đồng bào Dao đang ngày càng ít biết tiếng dân tộc mình, nhất là lớp trẻ gần như không có khái niệm gì về tiếng mẹ đẻ.
Nỗ lực bảo tồn chữ Nôm Dao
Đứng trước thực trạng chữ Nôm Dao có nguy cơ mai một, tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao, sưu tầm, biên soạn bộ chữ và chương trình giảng dạy chữ Nôm Dao. Đồng thời, phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị với các sở, ban, ngành liên quan để đóng góp hoàn thiện bộ chữ và chương trình dạy chữ Nôm Dao.
Ông Trần Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sau khi Hội hoàn thành nhiệm vụ sưu tầm, biên soạn bộ chữ và chương trình giảng dạy chữ Nôm Dao được tỉnh phê chuẩn vào tháng 3 năm 2015. Đây là bộ chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước được phê chuẩn. Bộ chữ đã được đưa vào giảng dạy trong cộng đồng người Dao tại huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy.
Để thu hút được đồng bào tham gia học, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh, phòng VHTT các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát xây dựng đề án, chính sách thiết thực, động viên nghệ nhân mở các lớp truyền dạy do tỉnh, huyện tổ chức.
Năm 2015, được sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa, lớp dạy chữ Dao đầu tiên được tổ chức tại thôn Sơn Lập, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy đã thu hút được đông đảo người Dao theo học. Việc mở lớp không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa người Dao mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc này.
Qua đó, phong trào học chữ Dao trong cộng đồng Dao ở Cẩm Châu đã có bước đột phá tích cực. Điển hình như thôn Sơn Lập có 160 hộ là đồng bào dân tộc Dao, khi mở lớp học, bà con đều chủ động đi đăng ký tham gia học.
Ngoài việc mở lớp tại các địa phương nêu trên, năm 2016, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa còn phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức mở lớp học chữ Nôm Dao nâng cao cho 44 nghệ nhân dân tộc Dao để làm giáo viên giảng dạy. Năm 2017, Hội mở thêm 9 lớp dạy chữ Nôm Dao cho 350 học viên người dân tộc Dao đến từ 7 thôn, bản trên địa bàn các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy. Tính đến nay có gần 400 học viên tham gia học chữ Nôm Dao.
Trước những tín hiệu đáng mừng trên, ông Trần Văn Thịnh phấn khởi cho biết: “Từ những lớp học này, chúng tôi hy vọng chữ Nôm Dao ở Thanh Hóa ngày một hồi sinh trong cộng đồng người Dao. Từ đó, những tri thức, bản sắc giá trị văn hoá của cha ông sẽ được tiếp thu, lưu giữ, bảo tồn và ngày càng phát triển mạnh mẽ”.