Hãy để con “phá phách”
Chị Nguyễn Thị Kim Nhung, ngụ đường Lê Văn Việt, quận 9 thường than phiền với bạn bè rằng con mình sao mà quậy phá, nghịch ngợm đến thế. Thằng bé thường có tính tò mò, thường lục tung tóe mọi thứ trong nhà ra để khám phá khiến mẹ phải dọn dẹp đến bở hơi tai.
Đồ chơi mua về, chỉ được một lúc là tan tành vì thằng bé tháo tung, không còn nguyên vẹn. Tính khí này của con khiến chị Nhung rất phiền lòng và đi đâu cũng than thở, hỏi chuyện các phụ huynh khác để tìm cách uốn nắn con mình.
Quả thật, trong những cuộc nói chuyện giữa các bà mẹ với nhau, chủ đề lớn nhất luôn là con cái. Chuyện đứa trẻ có ngoan hay không ngoan, so sánh con nhà này với con nhà khác, chia sẻ với nhau cách dạy làm sao cho con trở nên ngoan ngoãn là đề tài thường xuyên của những người mẹ.
Bà mẹ nào có con ngoan ngoãn, hiền lành, nghe lời, dễ bảo thường tự hào là mình nuôi con đúng, dạy con chuẩn mực. Và ngược lại, những bà mẹ có con nghịch ngợm quậy phá cũng thường rất đau đầu, tìm mọi phương cách để giáo dục con ngoan ngoãn hơn. Ở trường học, các giáo viên cũng thường hướng đến việc giáo dục, uốn nắn cho trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô, cha mẹ.
Nguyễn Ngọc Long và Nguyễn Ngọc Linh là anh em ruột sinh cách năm, mẹ là giáo viên dạy môn Vật lý, cha là giáo viên dạy Toán ở Cửa Lò, Nghệ An. Từ nhỏ, hai anh em đã cực kì mê khám phá. Với bản tính hay mày mò, tìm hiểu, hai anh em đã tháo tung những đồ vật trong nhà, những đồ dùng thí nghiệm của mẹ ra để “xem có gì trong ấy”, hay lớn lên một chút là “xem cơ chế hoạt động như thế nào”.
Hai anh em tháo ra và không biết lắp vào, thế nên đã phá hư không biết bao nhiêu đồ đạc, bao chiếc đồng hồ đo nhiệt kế trở thành “đồ bỏ”. Nhưng cái sự “phá phách” ấy không gặp phải sự cấm cản, la mắng của cha mẹ mà còn được động viên, khuyến khích. Dần dà, sự mê khám phá ấy thành niềm đam mê lớn đối với vật lý.
Càng lớn, hai em càng ham học hỏi, trở thành những đứa trẻ mê học và tự lập, kiên trì. Cùng nhau học hành, anh dạy em, em hỗ trợ anh, hai em cùng nhau đạt được những kết quả cao trong học tập, là một cặp anh em giỏi giang, xuất sắc ở môn vật lý mà các thầy cô ở trường hết sức yêu mến, kì vọng.
Với kết quả tốt, hai em đã được chọn vào kì thi quốc gia môn Vật lý, giành luôn hai giải cao nhất, giải Nhất và Nhì vòng thi chọn, để rồi tiếp tục bước vào vòng 2 để chọn đội tuyển quốc gia tham dự các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Ngay cả thần đồng Đỗ Nhật Nam, trong những chia sẻ của mình, mẹ Đỗ Nhật Nam kể, tuổi thơ của Đỗ Nhật Nam cũng có hiếu động, nghịch ngợm, ham chơi. Cậu bé là một thiên tài về ngoại ngữ, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ, tự nhiên, thế nhưng, ở ngưỡng cửa bước vào tuổi trưởng thành, Đỗ Nhật Nam lại chọn ngành âm nhạc để đeo đuổi cho tương lai chứ không phải các ngành kinh tế hay khoa học như gia đình dự đoán.
Thế nhưng, cha mẹ Đỗ Nhật Nam vẫn là những người ủng hộ và đồng hành với mọi quyết định của em. Có lẽ, sự động viên, khuyến khích, luôn thấu hiểu và nhìn nhận của cha mẹ cũng chính là nguyên nhân lớn để đem đến một Đỗ Nhật Nam thần đồng và Đỗ Nhật Nam thành công.
Đừng gọi con là “cá biệt”
Trong gia đình, tại nhà trường vẫn có những đứa trẻ được coi là “cá biệt”. Đó là những đứa trẻ không hiền, không ngoan, khác hẳn những đứa trẻ khác ở cách hành xử, ở sự nghịch phá, ở phản ứng trái chiều với những lời dạy của thầy cô, cha mẹ. Tuy nhiên việc dán nhãn trẻ là “cá biệt” từ lâu đã được coi là một sai lầm mà các nhà giáo dục khuyên phụ huynh lẫn giáo viên tránh vấp phải.
Một đứa trẻ, khi bị người lớn xem là “cá biệt”, dù bằng lời nói hay hành động, thì cũng khiến trẻ dễ tổn thương và càng xa rời hơn sự giáo dục của người lớn, càng thêm tâm lý nổi loạn và chống đối, từ đó dễ đi vào con đường xấu. Cần nhìn nhận những phản ứng của trẻ như việc thể hiện chính kiến, cá tính mạnh mẽ chứ không phải là “cá biệt”.
Trên thực tế, nhiều thầy cô giáo đã chia sẻ kinh nghiệm, không ít trẻ trong trường lớp bị coi là “cá biệt”, nhưng rút cục lớn lên lại thành đạt trong nhiều lĩnh vực, thậm chí, có thầy cô còn chia sẻ, khi ra trường, chính những đứa trẻ bị coi là “cá biệt” lại thường quay trở lại thăm nom, bày tỏ tình cảm với thầy cô nhiều hơn.
Nhiều khán giả của chương trình Đường lên đỉnh Olympia hẳn còn nhớ cậu bé Vương Thiện Huy, thí sinh có trí nhớ cực kì “siêu”, dù chỉ dừng chân ở một cuộc thi tháng vào năm 2012. Những năm sau đó, cậu bé này liên tục gặt hái thành công khi nhận học bổng du học Nhật, sau đó sang Mỹ du học và tham gia nghiên cứu khoa học tại trường Đại học ở Mỹ.
Vương Thiện Huy từ học sinh “đội sổ”, quậy phá trở thành nhà khoa học tại Trung tâm NASA Mỹ |
Với những nỗ lực của mình, Huy đã trở thành thực tập sinh dài hạn của NASA, tại phòng thí nghiệm tên lửa đẩy. Tiếp sau đó, Huy công bố phần mở rộng của thuật toán giải phương trình vi phân nhanh và hiệu quả ở một trong những hội thảo toán lớn nhất nước Mỹ - Joint Mathematics Meeting (JMM). Và giờ đây, Huy vẫn tiếp tục hành trình trở thành nhà khoa học tại Mỹ.
Nhiều người đã cực kì ngạc nhiên khi biết Huy lại từng là một học sinh bị xem là “cá biệt” ở trường, nghịch ngợm và quậy phá khiến cha mẹ “đau đầu”. Vì niềm đam mê với lập trình, từ thuở cấp 2, Huy đã giành rất nhiều thời gian để mày mò, nghiên cứu những kiến thức về môn học này. Bỏ bê hầu hết các môn học khác, cậu bé có thành tích xếp hạng hết sức thảm hại, “đội sổ” trong lớp.
Huy còn hay gây gổ đánh nhau, làm việc riêng trong lớp nên thầy cô liên tục mời phụ huynh lên gặp mặt. Cậu bé cũng từng rớt hàng loạt trường đã chọn khi thi chuyển cấp và bị xem là “ảo tưởng”. Thế nhưng, Huy cũng luôn được cha mẹ động viên, nhiều thầy cô khuyến khích.
Năm cấp 3, học ở Trường TH Thực hành, thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM, các thầy cô nhận ra tố chất của cậu bé nên theo sát, quan tâm. Đặc biệt là người thầy dạy Toán đã tận tâm giúp Huy thay đổi phương pháp học tập để hiệu quả hơn. Cuối cấp 3, Huy nộp đơn dự thi Đường lên đỉnh Olympia, không ai bảo cậu là “ảo tưởng” mà cả cha mẹ, thầy cô, thầy hiệu trưởng đều ủng hộ hết mình.
Tất cả những điều này đã khiến cậu bé “cá biệt” năm nào quyết tâm điều chỉnh lại chính mình, nỗ lực học tập, khẳng định bản thân, không khiến cha mẹ, thầy cô phiền lòng nữa và trở thành một Vương Thiện Huy góp phần đem lại tự hào cho Tổ quốc sau này.
Những đứa trẻ không chịu ngồi yên thường khiến cha mẹ lo lắng, gán cho cái mác “tăng động”, hoặc trẻ hư. Tuy nhiên, cần phần biệt giữa trẻ có triệu chứng rối loạn tăng động, nghịch phá quá mức, không giới hạn với sự nghịch ngợm, hiếu động, tò mò khám phá thế giới của trẻ con.
Nhận diện được đâu là bệnh, đâu là cá tính của trẻ, cha mẹ mới có thể kịp thời điều chỉnh, quyết định con mình cần chữa trị hay động viên. Tuy nhiên, dù ở trường hợp nào, thì con trẻ cũng cần có sự cảm thông, thấu hiểu và đồng hành hơn là sự bực tức, phản ứng khó chịu từ cha mẹ.
Trong một buổi hội thảo về nuôi dạy con cái, bà Julia Grenda, một chuyên gia tâm lý người Mỹ đã chia sẻ, sai lầm của nhiều phụ huynh là thường đưa ra một chuẩn mực chung nhất cho việc dạy con. Trong khi đó, mỗi đứa trẻ một tính cách, sở trường khác nhau.
Tại Mỹ các bậc phụ huynh có hiểu biết thường không lo lắng khi con mình quậy phá, hiếu động. Đôi khi, họ lại khá lo lắng khi thấy con mình quá ngoan ngoãn và vâng lời, vì sợ con lớn lên sẽ thụ động, ít có chính kiến. Khi con mình ngoan ngoãn, họ khéo léo hướng dẫn để đứa trẻ ngoan ấy thêm phần năng động, ưa khám phá.
Khi đứa trẻ quá hiếu động, họ để yên cho con khám phá thế giới chung quanh sau khi đặt ra cho con giới hạn an toàn. Đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm sẽ được khuyến khích, bảo vệ và khéo léo điều chỉnh, thay vì nhận sự la mắng, bực dọc, phủ nhận của cha mẹ. Các bậc phụ huynh ấy hiểu rằng, đứa trẻ hiếu động, thích khám phá là đứa trẻ nhiều sức sống, có trong mình nhiều năng lượng và say mê.
Con trẻ, mỗi đứa có một tố chất khác nhau, hãy biết chấp nhận, hiểu con và giúp con hoàn thiện tính cách, phát huy sở trường, có như thế, mới có thể biến cái sự phá phách nghịch ngợm ấy thành những mầm mống tuyệt vời của tài năng.