Bớt gian nan trên bước đường đời
“Cặp lá yêu thương” lấy hình ảnh chiếc lá bồ đề - biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo làm hình tượng xuyên suốt. Theo đó, mỗi em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được gọi là một “lá chưa lành”, mỗi nhà hảo tâm hỗ trợ các em được gọi là “lá lành”. Bằng mô hình hỗ trợ ghép cặp, với tối thiểu 200 nghìn đồng/ tháng, mỗi tấm lòng hảo tâm có thể giúp cho con đường đến trường của “lá chưa lành” bớt gian nan.
Nhiều em nhỏ đã được những “lá lành” nâng bước đến trường dệt nên những ước mơ. Ba anh em Đậu Minh Phú, Đậu Thị Mỹ Yên và Đậu Quốc Khánh (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) khiến nhiều người rưng rưng khi biết các em mồ côi cha; kinh tế gia đình trông cả vào tiền công rửa bát 2 triệu đồng/tháng của mẹ.
Nhưng để có số tiền này, mẹ của các em phải xa con cả tháng trời. Đã vậy, ít ngày trước, khi đi làm về, mẹ các em bị tai nạn giao thông, phải nhập viện. Phú không nhớ nổi đã bao lần khóc năn nỉ mẹ để được học đến lớp 12 như hiện nay, rồi mong mỏi được vào đại học. Còn Khánh, cậu út học lớp 3 chỉ có mong ước nhỏ nhoi là được có mẹ ở nhà hàng ngày và nấu cho 3 anh em bữa cơm ngon, nhiều thịt!
Câu chuyện của em Hà Thị Hương Mơ tại xã Minh Hoà, huyện Yên Lập (Phú Thọ) cũng gây sự xúc động. Sinh ra đã không có bố nhưng cuộc sống của Hương Mơ luôn đầy ắp tình yêu thương của mẹ. Từ ngày mẹ bị bệnh khớp, phải nằm điều trị xa nhà, Mơ chỉ còn chỗ dựa duy nhất là bà ngoại.
Dưới mái nhà tranh vách nứa, tuy đơn sơ giản dị nhưng luôn đong đầy tình yêu thương của hai bà cháu. Dáng người nhỏ nhắn mà lúc nào cũng thoăn thoắt, mọi công việc trong nhà đều do một tay Mơ làm. Em là chỗ dựa cho bà và mẹ. Cuộc sống càng khó khăn, em càng hiểu rằng, mình phải cố gắng học tập thật tốt. Cặm cụi bên bàn học, Hương Mơ cũng viết nên những ước mơ của riêng mình.
Gia đình của hai chị em Như Ý và Ngọc Yến (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) đầy khó khăn. Bố mẹ các em từng mắc bệnh hiểm nghèo và chi phí chữa bệnh khiến kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ. Khi căn bệnh đã khỏi cũng là lúc bố mẹ phải kiếm tiền trả nợ. Rời xa quê hương, rời xa các con để đi làm xa, giờ đây, hai chị em được gửi gắm cho bà bà ngoại đã ngoài 70 tiếp tục nuôi dưỡng và chăm sóc.
Vì tuổi cao mà sức khỏe của bà cũng yếu đi qua thời gian, không lao động được nặng nhọc, thứ mà duy nhất bà có thể dành cho các cháu là sự quan tâm động viên. Sự vất vả của bà, sự nhọc nhằn của cha, của mẹ để đổi lấy những ước mơ cho các con.
Trong kỳ tuyển sinh Đại học vừa qua, nhiều em là đối tượng thụ hưởng của “Cặp lá yêu thương” đã thi đỗ vào các Trường Đại học uy tín ở 3 miền đất nước. Hiện chương trình cũng ghi nhận các cá nhân xuất sắc đang là du học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga. Bên cạnh sự hỗ trợ học bổng cho các em đi học, “Cặp lá yêu thương” còn kết nối với các nhà hảo tâm xây dựng hàng chục ngôi nhà mới, tặng các phòng học vi tính và xây dựng các điểm trường mới cho các địa chỉ khó khăn.
Các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được tặng những phần quà rất ý nghĩa, như: Em Pờ Mỳ Xa, ở xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, gia đình rất khó khăn, được tặng sổ tiền tiết kiệm trị giá 80 triệu đồng; em Vàng A Chua, dân tộc Mông, ở xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cũng có hoàn cảnh khó khăn được chương trình trao tặng số tiền 50 triệu đồng để em có thể nuôi dưỡng ước mơ đến trường;
Em Vừ A Di, ở xã Nậm Manh, huyện Nâm Nhùn, tỉnh Lai Châu, nhà có 7 anh chị em mà chỉ một mình mẹ nuôi nấng nên không có điều kiện để đến trường đã được chương trình trao tặng số tiền 100 triệu đồng để giúp các em có điều kiện cải thiện đời sống. Hoàn cảnh em Lù Văn Cường ở xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được tài trợ xây dựng cho một căn nhà nhằm thay thế căn nhà dột nát mà gia đình em đang ở.
Từ những em nhỏ mồ côi, cuộc sống khó khăn, thậm chí phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải việc học… Thì nay, với sự hỗ trợ của chương trình, các em đã có được những thành quả đầu tiên. Có thể kể tới các tấm gương điển hình như em Vũ Đình Khải (Hải Phòng) đỗ Đại học Công nghiệp Hà Nội, Bùi Công Dân (Phú Yên) đỗ Đại học Luật TP.HCM…
Tất cả đã có cái kết xúc động khi được chứng kiến hình ảnh những “lá lành” âu yếm bao bọc các “lá chưa lành”.
Những “chiếc lá” dệt nên ước mơ. |
Hành trình trao gửi yêu thương
Nhân kỷ niệm 5 năm thực hiện dự án thiện nguyện “Cặp lá yêu thương”, 10/10/2015 - 10/10/2020, Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Tin tức VTV24) phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện chương trình Gala 5 năm Cặp lá yêu thương mang tên “5 mùa gieo hạt” .
“Cặp lá yêu thương” là chương trình thiện nguyện nổi bật của VTV, từng được tổ chức Kỷ lục Việt Nam bầu chọn là một trong những chương trình cộng đồng được yêu thích nhất; giành giải thưởng VTV Awards hạng mục Chương trình Văn hóa - Xã hội - Giáo dục ấn tượng ngay từ năm đầu triển khai. Trong 5 năm qua, chương trình đã và đang hỗ trợ thường xuyên cho hơn 3.600 lá chưa lành, với tổng số tiền đã chuyển là hơn 50 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của hơn 11 nghìn “lá lành”.
Gala 5 năm “Cặp lá yêu thương- 5 mùa gieo hạt” với mục đích trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời và viết tiếp những hành trình.
Tại Gala 5 năm “Cặp lá yêu thương: 5 mùa gieo hạt”, nhiều phần quà, học bổng lớn tiếp tục được trao cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đó là ngôi nhà mới được xây ở vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đó là cam kết xây dựng 3 điểm trường mới tại 3 miền đất nước với giá trị 1,5 tỷ đồng của đơn vị đồng hành cùng chương trình.
5 năm còn là hành trình gắn kết, hành trình trao gửi yêu thương của các "lá lành" khắp đất nước mang đến những niềm vui hay những sự sẻ chia, những mái nhà mới cho các "lá chưa lành" và nhận lại là những trải nghiệm không thể nào quên.
Không dừng lại ở đó, những chuyến hành trình tiếp theo của “Cặp lá yêu thương” vẫn sẽ được tiếp tục để mang đến nhiều hơn nữa những sự chắp nối yêu thương thực hiện sứ mệnh "Trao cơ hội đi học - Cho cơ hội đổi đời".
Không kể tuổi tác, địa vị hay tầng lớp xã hội, ai cũng có thể trở thành một "lá lành" của trong suốt 5 năm hành trình của “Cặp lá yêu thương”. Tất cả đã góp phần tạo nên một cộng đồng yêu thương, chắp cánh ước mơ cho những chiếc “lá chưa lành”.
Nhà báo Lê Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số cho biết: “Càng làm, chúng tôi càng nhận thấy những giá trị mà “Cặp lá yêu thương” mang lại cho những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Mặc dù có rất nhiều chương trình thiện nguyện rồi, nhưng ở nông thôn còn rất nhiều trường hợp thương tâm, nhiều người cần sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội.
Chương trình không thể đi theo chiều rộng, dàn trải, quy mô lớn. Chúng tôi muốn đi vào chiều sâu nhiều hơn. Nghĩa là đã hỗ trợ thì hỗ trợ đến tận cùng, đi vào những câu chuyện, nhân vật thực sự cảm động, khơi gợi lương tri, tính thiện của người xem. Từ năm 2019, chúng tôi thực hiện theo kiểu chương trình truyền hình thực tế để đưa những hình ảnh chân thực nhất về cuộc sống sinh hoạt của các nhân vật đến với khán giả.
Tôi nghĩ chúng ta phải xem, phải chứng kiến niềm vui của những người được hỗ trợ, được trao cơ hội đổi đời, mới có thể thấy hết được ý nghĩa, giá trị của những công việc mình làm. Những việc chúng ta làm mặc dù rất nhỏ, nhưng khi đưa lên sóng truyền hình, tiếp cận với khán giả thì có thể thôi thúc sự thiện lương, đánh thức hành động của rất nhiều người”.