Ngay từ sáng sớm, 12 đội dự thi đại diện cho 12 đơn vị thi hành án dân sự (THADS) các tỉnh thành Đông Nam bộ (gồm Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu) đã có mặt tại Nhà thiếu nhi quận 2 (TP Hồ Chí Minh) sẵn sàng cho cuộc thi. Mỗi đội tham dự sẽ trải qua lần lượt 4 phần thi: Tự giới thiệu; Trả lời câu hỏi; Xử lý tình huống và Năng khiếu.
Ngay từ ở những tiết mục mở màn, Hội trường đã trở nên sôi động bởi những màn “chào hỏi” hết sức sinh động, vui nhộn của các đội. Không hề khô cứng, các đội thi đều lồng ghép vào phần “tự giới thiệu” của mình về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng hay những đặc trưng vùng đất, con người …của địa phương.
Trong khi đội Đắk Nông mang đến cho hội thi những bộ đồng phục chấp hành viên (CHV) kết hợp những nét chấm phá của trang phục đồng bào Ê Đê thì đội Lâm Đồng khiến hội thi dịu mát hơn bởi những hình ảnh đẹp về một Đà Lạt cỏ hoa. Đội Khánh Hòa hay Bà Rịa - Vũng Tàu có hơi thở cuộc sống miền biển thì đội Đồng Nai và TPHồ Chí Minh lại mang đến Hội thi những cảm nhận tươi mới về những vùng đất hiện đại, năng động và cởi mở…
Kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của các CHV được thể hiện rõ nét nhất ở vòng thi Trả lời câu hỏi và Xử lý tình huống. Có đến trên 80% số câu hỏi trắc nghiệm đều được các đội trả lời đúng trong 30 giây. Nhiều câu hỏi khó, có tính chất lịch sử về ngành hoặc các câu hỏi “bẫy” về nghiệp vụ đều được trả lời chính xác chứng tỏ các đơn vị đều có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về chuyên môn cho CHV.
Phần thi Xử lý tình huống chính là “điểm nhấn” đặc sắc của hội thi. Chỉ thông qua một tiểu phẩm, các đội thi vừa lồng ghép được đặc thù của địa bàn hoạt động, vừa thể hiện được năng khiếu và sự khéo léo, nhuần nhuyễn tinh thông nghiệp vụ của mình. Các tình huống rất đa dạng, lấy chất liệu từ những vụ việc quen thuộc trong công tác THA như: Xử lý tài sản; tổ chức vận động giao nhà cho người được thi hành án; cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; phân chia tiền đấu giá kê biên…
Các tình huống đa dạng ấy, người xem đã có thể cảm nhận được sự vất vả và phức tạp của công tác THADS nhưng cũng thấy được phương pháp làm việc, tư duy, năng lực ứng xử, sự kết hợp giữa luật pháp và tình người của CHV…
Ở nhiều tiết mục, người xem ngỡ như đang được xem những chương trình của các hội diễn văn nghệ chuyên nghiệp. Sự nghiêm túc, năng lực của thí sinh được minh chứng từ việc đầu tư công phu về trang phục, về cách dàn dựng tiết mục cũng như sự am hiểu về pháp luật, kiến thức nghiệp vụ… Nhiều người đã tỏ ra bất ngờ bởi sau vẻ ngoài nghiêm túc của các CHV lại là một người cán bộ vui vẻ, đa tài về khả năng hát, múa, làm thơ, ứng đối, diễn xuất…
Đó là diễn xuất của nữ CHV đội Đắk Nông trong vai người phụ nữ dân tộc đau đớn vì sắp mất nhà; đó là những CHV đội Đồng Nai trong vai hai ông bà cụ đòi tẩm xăng tự sát khi sắp bị thu hồi ngôi nhà thân thuộc… Rồi những câu vè rất đỗi mộc mạc của đội Phú Yên đã làm cả hội trường vỗ tay vì “nói hộ cõi lòng”: Ai ơi thi hành án phải rõ ràng/ Công tâm ngay thẳng thì bà con mới thương mình.
Không chỉ là một cuộc tranh đua, Hội thi đã thực sự trở thành một ngày hội giao lưu mà qua đó người CHV có cơ hội giao lưu, trau dồi, học hỏi kiến thức chuyên môn của nhau…Vì các đội tham gia đều là những đội đã được lựa chọn từ các vòng thi địa phương và hết sức nỗ lực nên Ban giám khảo khá khó khăn để lựa chọn ra đội chiến thắng.
Kết thúc hội thi, giải Nhất thuộc về đội TPHCM, giải Nhì được trao cho đội Bà Rịa – Vũng Tàu, hai giải Ba thuộc về Khánh Hòa và Ninh Thuận, giải Khuyến khích trao cho ba đội Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng. Bên cạnh đó là các giải Ấn tượng (đội Phú Yên), Phong cách (đội Bình Phước), Triển vọng (Tây Ninh, Đắk Nông) và Tiềm năng (Bình Thuận).