Ngày 4/6, tại TP Tuyên Quang đã diễn ra Hội thi Chấp hành viên giỏi khu vực miền núi phía Bắc với sự tranh tài của 13 tỉnh, thành. Qua đây là cơ hội tốt để xây dựng hình ảnh đẹp về người chấp hành viên (CHV) không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn gắn bó, gần gũi với người dân, nâng cao hơn nữa lòng tin của nhân dân vào công cuộc cải cách tư pháp trên tinh thần bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp mới.
Công tâm, khách quan và công bằng
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, đối với hệ thống tổ chức THADS, 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội về công tác tư pháp, trong đó có công tác THADS, Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại, đồng thời cũng là năm cả hệ thống THADS ra sức thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng 70 năm xây dựng và phát triển của ngành.
Hội thi là dịp quan trọng để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác THADS cả nước ôn lại truyền thống vẻ vang, động viên khích lệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tiếp thu, kế thừa và phát huy thành tựu đã đạt được, đề ra những phương hướng, giải pháp mới, sáng tạo, hiệu quả nhằm tiếp tục xây dựng ngành THADS, nhất là đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để hội thi đạt kết quả tốt nhất, Ban Giám khảo cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, vô tư, khách quan, thận trọng, công bằng; các đội thi cần chấp hành nghiêm kỷ luật, quy chế và cống hiến hết mình.
Cuộc thi diễn ra với sự góp mặt của những CHV giỏi đã đạt giải nhất, nhì, ba của 13 tỉnh, thành bao gồm: Lào Cai, Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Hòa Bình. Mỗi đội phải trải qua 4 phần thi với những hình thức thi vô cùng đa dạng: thi chào hỏi, hỏi nhanh đáp gọn, xử lý tình huống và thi năng khiếu.
Ở phần thi chào hỏi, tuy chỉ có 5 phút ngắn ngủi nhưng mỗi đội đều đã khéo léo quảng bá được hình ảnh con người, vùng đất quê hương mình thông qua các câu thơ, bài hát, điệu múa uyển chuyển. Thông qua hoạt cảnh trò chơi dân gian ngắn, đội Tuyên Quang đã đem đến cho khán giả một không khí đầy vui tươi, sôi động mà vẫn đầy đủ các thông tin về lĩnh vực THA của địa phương.
Quê hương Hà Giang lại được giới thiệu nhờ các bức tranh, ảnh gắn với đặc sản, cảnh đẹp đặc trưng của vùng đất địa đầu Tổ quốc. đội Yên Bái lại dựng lên bối cảnh trèo đèo, lội suối để diễn tả những gian nan, vất vả của người làm công tác THADS ở những vùng còn nhiều khó khăn…
Tiếp đến là phần thi trả lời câu hỏi. Trên tinh thần hỏi nhanh, đáp gọn, 13 đội được chia thành 3 nhóm (4-4-5) trả lời bộ câu hỏi 10 câu bằng cách đưa ra đáp án đúng hoặc sai. Nội dung các câu hỏi xoay quanh 3 mảng lớn, bao gồm: truyền thống THADS như tên gọi qua các thời kỳ, dấu mốc quan trọng gắn với ngành tư pháp; chức năng, nhiệm vụ của CHV; câu hỏi về pháp luật chung chủ yếu liên quan đến các Luật Cán bộ công chức, Bộ luật Dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; câu hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ công tác THADS đề cập tới vấn đề cưỡng chế, kê biên tài sản, xử lý tài sản thế chấp, việc lập hồ sơ và thu phí THA…
Đây là phần thi diễn ra vô cùng gay cấn với nhiều phương án khác nhau được đưa ra nên mang tính phân loại đội thi khá cao bởi để trả lời tốt, ngoài việc nắm chắc các kiến thức về nghiệp vụ riêng, các thí sinh còn phải bao quát được các kiến thức tổng quát về pháp luật.
Pháp luật phải gắn với thực tiễn
Ở phần thi xử lý tình huống, tình huống thuyết phục người chồng giao con cho người vợ được đa số các đội lựa chon như Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La…Tuy bối cảnh khác nhau nhưng điểm chung trong việc xử lý tình huống của các đội đều là giải thích một số quy định của Luật THADS, Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó nhấn mạnh tới vai trò, trách nhiệm của cha, mẹ cũng như đề cao quyền lợi của đứa trẻ để người chồng hiểu và tự nguyện giao con cho người vợ.
Nhiều tình huống khác cũng được các đội lựa chọn và xử lý đầy khéo léo như: Cùng là thuyết phục người phải THA thực hiện nghĩa vụ THA, nếu Lào Cai chú trọng công tác giải thích pháp luật, đề cao công tác dân vận thì Lạng Sơn lại tập trung cụ thể về các vấn đề như án phí, bồi thường để người dân hiểu và tự nguyện thi hành…
Hấp dẫn, độc đáo và sôi động nhất là phần thi năng khiếu với các màn biểu diễn đầy công phu, kỹ lưỡng. Một trong những phần thi gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là tiểu phẩm mang tựa đề “Điều không có trong bản án” của các thí sinh đến từ đội Yên Bái.
Từ trang phục, lời thoại, cách thức dàn dựng sân khấu với nét đặc trưng đậm chất vùng miền, đội thi như đã giúp khán giả được sống trong không gian của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Thông qua giải quyết thành công việc tranh chấp trâu giữa hai gia đình, ý nghĩa tiểu phẩm còn được nâng lên khi đó còn là sự hòa giải tốt đẹp giữa hai dân tộc thiểu số, đồng thời nhấn mạnh rằng trong công tác THA có nhiều vấn đề phát sinh, cần cân bằng giữa tình và lý để giải quyết được ổn thỏa…
Chia sẻ bên lề cuộc thi, thí sinh Cao Hoàng Tuân (đội Bắc Kạn) chia sẻ: Hội thi là sân chơi để giao lưu, học hỏi vô cùng bổ ích và thiết thực, đồng thời cũng khơi dậy lòng tự hào về truyền thống THADS, nâng cao tình yêu ngành, yêu nghề, tạo động lực để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao. Thí sinh Lê Thị Tuyết Mai (đội Tuyên Quang) mong rằng qua đây người dân sẽ hiểu được phần nào những khó khăn mà các CHV phải trải qua, từ đó có thể chia sẻ, cảm thông và giúp hình ảnh người CHV trở nên gắn bó, gần gũi với nhân dân.
Kết quả cuộc thi, Ban Giám khảo trao 2 giải Triển vọng cho Bắc Kạn, Sơn La; 2 giải Tiềm năng cho Điện Biên, Hòa Bình; giải Ấn tượng, Phong cách lần lượt cho Bắc Giang và Lạng Sơn. Ba giải Khuyến khích thuộc về Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên; 2 giải Ba cho Tuyên Quang, Cao Bằng; giải Nhì cho Phú Thọ và giải Nhất thuộc về Yên Bái.