Những khó khăn thi hành án vùng cao
Vừa kết thúc buổi nói chuyện truyền đạt kinh nghiệm cho cán bộ THA tại địa phương, ông Quang khiêm tốn khi được giới thiệu là gương sáng tiêu biểu của đơn vị: “Địa bàn tỉnh có nhiều cán bộ THA giỏi nghiệp vụ lắm”. Phải sau một lúc thuyết phục, tỉ tê, người cán bộ vùng cao mới kiệm lời kể về công việc thường ngày đã gắn bó hơn 20 năm nay.
Ông “bén duyên” với ngành THA từ tháng 10/1994. Trước đó, ông Quang là bộ đội chuyển ngành, từng đảm nhiệm nhiều vị trí từ người chấp hành viên đến Trưởng phòng Nghiệp vụ như bây giờ.
Theo lời ông Quang, việc triển khai tuyên truyền THA trên địa bàn tỉnh Lai Châu gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Trước tiên là địa hình đồi núi, nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt – Trung nên việc tiếp cận những người phải THA rất khó. Nhiều người sau khi gây án, dù được cho tại ngoại nhưng không khắc phục hậu quả mà tìm cách bỏ trốn. Thứ hai, dân cư các tỉnh vùng cao như Lai Châu chủ yếu là dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Đặc biệt việc bất đồng ngôn ngữ cản trở rất lớn trong quá trình THA.
Từ năm 1993, khi ngành THA tách ra độc lập, Pháp lệnh THA 1993 ra đời rồi sau đó sửa đổi, bổ sung thành Pháp lệnh 2004. Nhưng vẫn còn nhiều bất cập nên Luật THA mới chỉ ra đời từ năm 2014. Từ khi có Luật THA, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền xuống tận thôn, bản để mọi người nắm rõ quy định của pháp luật.
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong công việc, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục THADS Lai Châu nói: Trước hết phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ để làm việc đúng pháp luật. Từ năm 2005 ông Quang là Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Điện Biên. Từ năm 2011 đến nay ông là Trưởng phòng Nghiệp vụ Tổ chức THADS Cục THADS TP Lai Châu.
Trong suốt năm năm qua ông tự tin rằng chưa lần nào “chịu thua” trước những thử thách nghề nghiệp. Ông chia sẻ, đối với án chủ động, cơ quan THA ra quyết định THA. Còn với các vụ án theo đơn, sau khi bản án có hiệu lực mà các đương sự không tự thỏa thuận THA được thì chấp hành viên sẽ hướng dẫn làm đơn. Trường hợp đương sự không biết tiếng phải nhờ phiên dịch, người làm đơn hộ sau đó đương sự điểm chỉ vào đơn. Sau khi đảm bảo đầy đủ thủ tục thì cơ quan THA ra quyết định THA.
Ông Quang chia sẻ những kinh nghiệm thi hành án. |
Kinh nghiệm “hóa giải” những vụ thi hành án khó đỡ
Quan điểm của vị Trưởng phòng Nghiệp vụ Tổ chức THADS Cục THADS Lai Châu đó là việc THA rất nhạy cảm. Bởi nó bắt buộc người cán bộ phải tiếp xúc với nhiều đối tượng bất hảo trong xã hội, đối tượng tù tội. Và điều ai cũng nhận thấy nhất, THA sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người nên tất nhiên sẽ bị chống đối.
Kinh nghiệm của ông Quang là trước khi tiếp cận với những người bị THA, chấp hành viên phải nghiên cứu kĩ đối tượng để xây dựng phương án tác nghiệp, tiếp cận đối tượng cũng như cách đối xử. Rồi trước những lời lẽ, hành vi chống đối, thậm chí dùng bạo lực để ngăn cản như tập trung người nhà chửi bới lăng mạ chấp hành viên thì người cán bộ phải bình tĩnh ứng phó.
Ngoài bản lĩnh nghề nghiệp, ông Quang bộc bạch, yếu tố kinh nghiệm lâu năm sẽ giúp người chấp hành viên xử lý các vụ việc THA hiệu quả hơn: “Chẳng hạn như phải biết tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương sở tại để THA. Do đó, trước khi THA cần trao đổi với cán bộ địa phương để nắm rõ tình hình cũng như hoàn cảnh người bị THA”, ông Quang nói.
“Hoặc chấp hành viên phải tiếp xúc với nhóm đối tượng có tiếng nói trong cộng đồng như già làng, trưởng bản để vận động người bị THA chấp hành chủ trương pháp luật. Qua đó tránh làm các đối tượng có tâm lý hận thù với cơ quan chức năng. Hay nói cách khác, quan điểm động viên, thuyết phục người bị THA luôn luôn đặt lên hàng đầu”.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Tổ chức THADS Cục THADS tỉnh Lai Châu cho biết, ông luôn đặt bản thân vào cương vị người bị THA để xử lý từng đối tượng chống đối. Ví dụ như việc người bị THA kêu gọi, tập trung người thân, làng xóm đến chống đối. Lúc này chấp hành viên phải linh động giải quyết. Nếu đối tượng chống đối với người bị THA có quan hệ vợ chồng thì có thể vận dụng Luật Hôn nhân và Gia đình để giải thích: “Hiện tại trong bản án, chị là vợ của anh này, chị có thể tự nguyện THA thay cho chồng là tình tiết sẽ được xem xét giảm án”, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổ chức THADS dẫn chứng.
Một câu chuyện khác, một công ty vay 600 triệu, lãi suất lên hơn một tỉ đồng nhưng chây ì không chịu THA. Lúc đó ông Quang phải nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy đảng. Đơn vị THA đã phải phối hợp với lực lượng CSGT, các đơn vị chức năng địa phương để thu giữ đội xe của doanh nghiệp bị THA “làm tin”:
“Hồi đó sau khi kiểm tra, xác minh biết được công ty kia có một đội xe tải phục vụ thi công công trình nhưng họ không đăng kí tên sở hữu. Sau khi xác minh kĩ lưỡng, chúng tôi đã phối hợp kiểm tra, tạm giữ các phương tiện này khi chúng xuất hiện trên địa bàn. Từ đó công ty chây ì THA mới xuống nước chấp hành pháp luật”, ông Quang chia sẻ.
Bi hài chuyện bắt gà thi hành án
Có lần ông Quang cùng đồng nghiệp ôm tập hồ sơ đi bộ lên bản hơn chục cây số, khi vào tới nơi thì đã hết giờ làm việc của UBND xã. May mắn nhà cán bộ xã ở gần trụ sở nên tới làm việc luôn trong đêm, ông kể lại.
Đến 2h chiều hôm sau UBND xã mới gọi được người bị THA xuống đóng 50 ngàn đồng án phí. Trong khi chi phí để cán bộ THA bỏ ra nhiều hơn thế. Lần khác, ông Quang chứng kiến cảnh người dân bắt gà đi bán nộp tiền THA ngay trước mặt. Thậm chí, nhiều người khi cán bộ tới nhà vận động liền chạy ra vườn bắt gà giao cho cán bộ THA.
Hoặc có vụ án giết người, bảy đối tượng phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 80 triệu. Khi cán bộ THA vào địa phương gặp trưởng bản được biết một vài thành viên trong 7 gia đình kia từng có thành tích bất hảo. Đợi đến tối trưởng bản dọn cơm ăn, tất cả 7 gia đình tập trung lại. Họ đều trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần lớn bố mẹ đều trong tù vì buôn bán ma túy, bản thân các đối tượng phạm tội đều ở tuổi chưa thành niên. Họ hứa sau khi nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng sẽ nộp tiền THA. Quả thực, chưa đúng một năm sau nhóm 7 hộ dân tự nguyện mang tiền ra nộp đầy đủ.
Trong thời gian gắn bó với nghiệp THA, ông Quang tự hào nhờ được tôi luyện trong môi trường quân đội nên dù gặp nhiều bỡ ngỡ trên cương vị mới nhưng ông đều lần lượt vượt qua thử thách, từ đó dần tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Ông nói ngắn gọn rằng trước tiên phải yêu nghề, phải có tâm với công việc.
Bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ, mỗi chấp hành viên phải chịu khó tìm hiểu phong tục tập quán từng cộng đồng người, hạn chế tối đa những bất đồng có thể gặp như ngôn ngữ. Đặc biệt, chấp hành viên phải biết tranh thủ sự ủng hộ của cấp chính quyền cơ sở.
Ông Quang dẫn chứng một số dân tộc trong một tháng “nội bất xuất ngoại bất nhập”, nếu người lạ vào sẽ bị giữ lại cả người, xe và làm lễ cúng tạ con lợn. Hay trường hợp một số ít dân tộc khi sinh con đan giỏ cắm lá xanh thì kiêng người lạ đến nhà.
“Nhiều trường hợp đương sự đến cơ quan THA với tinh thần không ổn định, bực tức, có hơi men to tiếng đòi bồi thường. Tôi mời họ vào uống nước, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng rồi mới đề cập đến công việc cần giải quyết. Lấy phương châm động viên, thuyết phục là chính. Cần lắng nghe ý kiến của dân nhưng không nên hứa hẹn với dân nếu cảm thấy không có cơ sở niềm tin để giải quyết, còn đã hứa với dân là phải làm được”, vị Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức THADS bộc bạch./.