Những ngày tháng sợ hãi
Năm 2007, chị Hân được môi giới giới thiệu sang Thái Lan làm việc. Trước đó một năm, chồng chị đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, nhưng công việc không thuận lợi nên về nước tay trắng, kèm khoản nợ hơn 70 triệu đồng. Hân quyết định vay thêm tiền làm thủ tục xuất ngoại. Hân xin vào làm việc chui tại một xưởng may tư nhân, lương 4.000 bath (khoảng 2,8 triệu đồng) một tháng, làm việc từ 6h sáng đến 12h khuya. Đây là mức lương trong mơ của cô bởi công nhân ở Việt Nam thời bấy giờ đang nhận lương trung bình hơn 600.000 đồng.
Hồi mới sang Thái, Hân không biết tiếng. Thấy xưởng mình làm việc đa phần là đồng hương, chị đã mừng thầm. Hôm đó, ông chủ bảo Hân xuống tầng một lấy quạt lên xưởng ở tầng ba bật cho đỡ nóng. Vì không hiểu tiếng Thái, cô chạy xuống hì hụi vác nồi cơm lên. Ông chủ lắc đầu, đồng nghiệp người Việt nhìn Hân cười nhưng không ai nói cô cần phải lấy thứ gì. Ba lần chạy lên xuống, người đẫm mồ hôi mới đúng ý chủ cũng là lúc Hân bật khóc nức nở bởi sự vô cảm của chính những người đồng hương của mình.
Hân làm ba tháng không được trả lương, chỉ được cho tiền mua đồ ăn để sống qua ngày. Chị còn thường xuyên bị ông chủ ỡm ờ “xin một đêm”, đụng chạm những chỗ nhạy cảm. Biết mình bị lừa, cô gái quê Hà Tĩnh bỏ lại toàn bộ đồ đạc, chỉ cầm điện thoại vờ đi chợ để chạy trốn. Chị ở nhờ nhà bạn một ngày, rồi gọi cho môi giới nhờ tìm việc mới. Hân được đến làm việc ở một nhà hàng, trả công giới thiệu nửa tháng lương đầu. Phụ nữ di cư bị quấy rối tình dục như Hân không ít. Có chị đi giúp việc trong gia đình 4 thế hệ còn bị người già đòi sàm sỡ, đòi… cởi đồ khi chị đang ngủ cùng chính bà cụ vợ ông. Có chị thì bị ông chủ đòi cưỡng bức, kinh sợ tới nghẹt thở với những vết rách đau đớn ở đùi…
“Chuyện ông chủ định hãm hiếp lôi kéo làm tôi toạc đùi khiến tôi không bao giờ quên được những ngày tháng sợ hãi khi ở đất khách quê người. Mệt lả nhiều lúc chảy cả máu cam vì quá sức, những lúc nắng nóng, công việc bận rộn mồ hôi ướt đẫm áo, nhưng vì mong muốn kiếm tiền mà cố gắng vượt qua hết. Nghĩ lại và cảm thấy mình đã vượt qua được những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống, tự khâm phục bản thân”. “…Tôi không thể nào quên được cảm giác hụt hẫng sợ hãi để lại mãi trong cuộc đời tôi”… - là ký ức của nhiều “cánh cò” xa xứ.
Chưa hết, khi đòi hỏi không được đáp ứng, các chị còn thường bị “chơi xấu”. Năm 2010, hai vợ chồng Minh sang Thái Lan làm việc để trả khoản nợ hai năm trước anh chồng vay mượn để đi Đài Loan. Công việc của Minh là trồng hoa, chiết cành mang ra chợ bán thay chủ. Cứ anh chồng đi làm thì ông chủ ở nhà sàm sỡ người vợ. Hai lần như vậy, chị Minh vẫn giấu chồng. Đến lần thứ ba, chồng chị từ chợ về bắt gặp cảnh vợ bị quấy rối. Dù căm giận, anh chỉ nói vài câu rồi cố nhịn. Nhưng một ngày, hai vợ chồng chị làm trong vườn thì cảnh sát ập đến vào bắt về đồn. Về sau, chị mới biết chủ là người báo tin. Hai vợ chồng bị tù ba tháng.
Ở tù đã trở thành ký ức không thể xóa trong đời chị Trần Thị Thu, một phụ nữ sang Thái kiếm sống. Chị bị cảnh sát bắt do hộ chiếu quá hạn hai ngày. Ở trại, Thu bị “trưởng tù tự xưng” lục soát đồ đạc, tịch thu điện thoại và bắt đóng tiền ngày đầu nhập trại. Trong tù, họ đánh nhau hàng ngày. Có người lâu không lo đủ giấy tờ về nước thì phát điên, khi khóc, khi cười, la hét… Hơn một tháng sau, những người Việt được mua vé may bay về nước…
“Nếu không vì hoàn cảnh, không ai muốn đi cả”
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, hơn bảy mươi câu chuyện là hơn bảy mươi cảnh ngộ của các chị em đã từng đi lao động ở nước ngoài. Tất cả các chị đều nói nhớ nhà đến quặn thắt, nhất là các chị phải xa con nhỏ. Hầu như tất cả các chị đều có chung một tâm sự: “Nếu không vì hoàn cảnh bắt buộc thì không ai muốn đi cả”.
Có em gái ra đi khi mới 15 tuổi, nhiều em trong độ tuổi 18-20 nhưng cũng có người ra đi khi đã ở độ tuổi trung niên. Có những người mới học xong cấp II, có người thì đã tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp... Trước khi đi, họ không có điều kiện để chuẩn bị về thông tin, ngôn ngữ và phần lớn không có người quen nào ở nơi xứ lạ. Họ phụ thuộc rất nhiều vào “thông tin” từ phía môi giới, từ những người cùng làng cùng xóm đi trước, hoặc là từ chủ lao động của họ ở nước ngoài.
Một số người được chủ lao động tạm ứng vài triệu đồng trước khi đi nhưng cũng có những người phải trả vài trăm triệu đồng. Họ đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới, những nước gần Việt Nam hơn như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và có cả những người đi tận sang Ăng-gôla, Ả-Rập Xê-Út, hay châu Âu như Đức, Rumani, Nga… Có người đi với chồng, với người thân, nhưng hầu hết là đi một mình. Có người may mắn gặp được chủ lao động dễ tính, nhưng điều này không xảy ra với số đông…
TS Khuất Thu Hồng chia sẻ, bất chấp những khó khăn và các rủi ro hàng ngày, những người lao động Việt Nam vẫn tích cực làm việc, chắt chiu, tiết kiệm để gửi tiền về cho gia đình. Những đóng góp của họ cho gia đình và quê hương đã được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là tính mạng. Đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người lao động sống trong tình trạng bấp bênh, căng thẳng triền miên do bị mất việc làm, mất thu nhập, không thể trang trải tiền nhà, sinh hoạt phí, khám chữa bệnh, không thể tiếp tục chu cấp cho gia đình và cũng không thể về nước. Nhiều người phải sống trong những điều kiện tồi tệ của trại giam người lao động cư trú bất hợp pháp khi không thể gia hạn giấy tờ, hộ chiếu...
“Chúng tôi hy vọng rằng các câu chuyện trong cuốn sách này giúp cộng đồng và các nhà làm chính sách hiểu rõ thêm về những khó khăn, rủi ro mà nhiều phụ nữ Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gặp phải, đồng thời ghi nhận giá trị của những hi sinh, đóng góp của họ cho gia đình và quê hương. Chúng tôi mong rằng các câu chuyện ở đây sẽ thúc đẩy các nỗ lực để hành trình di cư lao động ở nước ngoài của phụ nữ nói riêng và người lao động nói chung trở nên thực sự an toàn và bình đẳng”, TS Khuất Thu Hồng bày tỏ.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Làm việc quần quật 22h/ngày
“Ngày 29/12/2013 là một ngày mà tôi luôn nhớ mãi trong lòng. Tôi làm việc cho một gia đình ở Macau. Công việc hàng ngày của tôi là làm việc nhà, nấu ăn cho 9 người và đưa đón trẻ đi học. Ngoài ra còn phải dọn dẹp ở công ty vì nhà chủ mở công ty, đặc biệt là những ngày gần tết. 4h sáng việc đầu tiên thức dậy là nấu một nồi nước đổ vào 3 cái phích sau đó thay hoa quả, rửa chén, thay nước và thắp hương lên 3 bàn thờ của họ. Khi đó tôi phải chuẩn bị bữa sáng cho 9 người, pha 9 cốc nước mỗi người mỗi khẩu vị, người thì cà phê, người thì sữa, người thì hoa quả… Chuẩn bị xong bữa sáng cho nhà chủ, tôi tiếp tục phải rửa 4 cái xe ôtô để sau khi họ thức dậy ăn sáng xong sẽ có xe sạch sẽ đi làm. Lúc đó tôi mới đánh thức trẻ con dậy, cho chúng ăn rồi đưa đến trường.
Sau khi chia tay trẻ ở trường tôi mới vội vàng đi chợ mua thực phẩm chuẩn bị bữa tối cho họ. Cũng may là buổi trưa họ ăn cơm hộp ở công ty. Cuối cùng tôi cũng đã mua được những thứ cần mua với khả năng nhanh nhất để về làm việc nhà cho kịp. Lúc đó tôi mới góp nhặt quần áo bỏ vào máy giặt và lau chùi, dọn dẹp nhà cửa 3 tầng. Khi xong cũng là 1h chiều, tôi vội vàng ăn tạm gói mì tôm cho qua bữa để tiếp tục công việc buổi chiều đi dọn dẹp ở công ty. Không nghỉ ngơi tý nào cả.
Đến 4h chiều, tôi từ công ty đi đón trẻ tan trường về nhà. Lúc đó vừa chơi với trẻ vừa chuẩn bị cho bữa ăn tối, xong tắm rửa cho trẻ.
Lúc cả nhà họ ăn tối thì tôi cho trẻ ăn, lúc đó mình cũng nuốt vội chén cơm. Loay hoay với công việc, nhà chủ thì 10h họ đi ngủ còn tôi mới tắm giặt xong. Lúc đó còn phải là và gấp quần áo cho họ cất vào tủ của từng người. Khi tôi làm xong việc thì đồng hồ đã điểm 2h sáng. Lúc đó tôi mới đặt lưng xuống nằm nghỉ ngơi. Vậy là một ngày dài làm việc với 22h đồng hồ đã khép lại và tôi luôn nhớ mãi ngày ấy”...
(Sách: “Hành trình di cư lao động nước ngoài của phụ nữ Việt Nam: Những câu chuyện bây giờ mới kể” là cuốn sách được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS)
Nếu ra đi, chị em cần tỉnh táo trước “bẫy” của môi giới
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) chia sẻ: Hiện nay Việt Nam có khoảng 540.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, phụ nữ chiếm 30%-50%. Ngoài ra, còn một số lượng đáng kể những người lao động không chính thức chưa được thống kê.
Trong quá trình di cư lao động ở nước ngoài, không ít người phải đối mặt với các rủi ro và nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, thậm chí có thể là nạn nhân của những đường dây mua bán người. Nhiều người trong số họ do thiếu hiểu biết và mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn đã rơi vào bẫy của những kẻ môi giới lao động dẫn đến vay nợ để ra đi. Khi sang đến nước ngoài, họ trở thành người lao động bất hợp pháp và buộc phải chấp nhận những điều kiện làm việc tồi tệ khác xa thỏa thuận ban đầu. Do thiếu thông tin, hạn chế về ngôn ngữ họ không thể tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật và sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ người lao động ở nước sở tại.
Nhiều chị em từng là “người trong cuộc” cũng chia sẻ rằng, nếu có thể, các chị em hãy trau dồi kiến thức, làm một công việc gì đó trên chính quê hương mình! Còn nếu quyết tâm ra đi, các chị em cần phải ký hợp đồng rõ ràng với môi giới ngay từ trong nước, biết được địa chỉ, công việc nơi mình đến, để tránh những may rủi đáng tiếc như đa số các chị em đã từng gặp trong những ngày tháng hãi hùng đã qua…