Buổi tối ngày 11/8/2011, một tháng trước lễ kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra cuộc bạo loạn đẫm máu tại nhà tù Attica, một cai ngục tại nhà tù ở phía Tây New York này đang phân phát thư cho các tù nhân ở khu C. Lúc đó, các tù nhân đang được cho tập trung tại thư viện. Họ chuyện trò khá rôm rả. “Câm mồm” - người lính canh hét lên.
Vụ đánh đập trong đêm
Bình thường, chỉ nhiêu đó cũng đủ để đưa bầu không khí tĩnh lặng trở lại với khu nhà C – nơi những cai ngục làm ca từ 15h00 đến 21h00 vốn nổi tiếng nghiêm khắc, đôi khi còn khá bạo lực. Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, một giọng đàn ông trả treo bỗng vang lên giữa đám đông những tù nhân: “Mày im đi thì có”. Phản ứng hiếm có này đã ngay lập tức nhận được sự tán đồng của những tù nhân. Nhiều người khác cũng đồng loạt nhại lại với giọng đầy châm chọc nhằm vào viên cai ngục.
Ngay lập tức, các tù nhân bị yêu cầu trở lại phòng giam và bị nhốt lại. 30 phút sau đó, 3 cai ngục của nhà tù do một trung sỹ dẫn đầu bước đến hành lang nhà C. Họ dừng lại trước buồng giam của anh George Williams, một người Mỹ gốc Phi 29 tuổi, đến từ New Jersey và đang thụ án 2 năm tù giam vì tội trộm trang sức từ 2 cửa hàng ở Manhattan.
Williams đến nhà tù Attica vào tháng 1/2011 sau một vụ ẩu đả với các tù nhân khác tại một nhà tù khác ở New York. Tính đến tháng 8/2011, anh chỉ còn 4 tháng nữa là mãn hạn tù. Do vậy nên anh ta luôn tỏ ra cẩn trọng, tránh xa mọi rắc rối với hy vọng có thể sớm trở về với gia đình ở New Brunswick và hành nghề cắt tóc kiếm cơm. Khi vụ cãi cọ xảy ra ở thư viện, Williams đang xem TV ở phòng giam. Tuy nhiên, 3 cai ngục trại giam vẫn tiến hành khám xét rồi yêu cầu anh ta đi cùng xuống một căn phòng để… lấy mẫu nước tiểu làm xét nghiệm.
Williams là người tầm thước, cao khoảng 1m76, nặng gần 80kg nhưng so với 3 cai ngục của trại giam là Trung sỹ Sean Warner, 37 tuổi; Keith Swack, 37 tuổi và Matthew Rademacher, 29 tuổi thì anh vẫn nhỏ bé hơn họ rất nhiều. Ngay khi bước vào phòng, Williams đã bị Trung sỹ Warner bẻ quặt tay trái ra sau và quật xuống đất. Tiếp sau đó là một “cơn mưa” bạo lực với những cú đấm, cú đá và dùi cui trút xuống người Williams, mặc cho tù nhân này đã cố tìm cách bảo vệ mình bằng cách cuộn tròn người lại.
Những tù nhân ở các phòng giam ở gần đó đã chứng kiến toàn bộ cuộc tấn công. Một nhân chứng tên Charles Bisesi, 67 tuổi, cho biết Williams đã bị đá tổng cộng khoảng 50 lần và bị dùng dùi cui đánh hàng chục lần nữa. Thậm chí cả khi anh ta đã gục xuống đất thì những cai ngục vẫn không dừng lại. Ông Bisesi cũng nói rằng đã nghe thấy Williams khóc lóc, cầu xin tha mạng nhưng không thành. Tù nhân ở dưới 2 tầng cũng cho biết họ đã nghe thấy tiếng cầu xin thảm thiết của Williams.
Ít phút sau, một trong những cai ngục ném chiếc gậy của anh ta xuống nền nhà. Nghe thấy tín hiệu, một nhóm khoảng 12 lính canh của nhà tù ập đến, xông vào phòng giam. Williams sau đó bị còng tay và bị kéo lên một cầu thang bộ. “Đi xuống hoặc chúng tao sẽ đẩy mày xuống” – lính canh của nhà tù nói. Khi Williams nói rằng anh không thể đi được nữa, người này đã lập tức đẩy anh ta từ trên cầu thang xuống đất. Một người khác sau đó túm tóc và đập đầu anh vào tường.
Một tù nhân tên Raymond Sanabria sau đó cho biết, anh ta đã bị các cai ngục tại nhà tù yêu cầu dọn dẹp sạch sẽ máu của Williams vương trên nền nhà, đồng thời yêu cầu anh phải giữ bí mật về việc này. Tù nhân khác tên Peter Thousand thì kể lại đã được cai ngục Rademacher yêu cầu dọn sạch sảnh nhà C và mang một túi áo sơ mi có dính máu đi đốt.
Những vết thương chằng chịt
Khi những tù nhân bị cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng tại các nhà có an ninh tối đa ở bang New York, thông thường, anh ta sẽ bị đưa vào phòng biệt giam. Williams sau đó cũng được đưa tới khu biệt giam. Tuy nhiên, khi được đưa đến nơi, nhân viên chịu trách nhiệm ở đó đã từ chối tiếp nhận anh ta. “Chúng tôi không thể nhận anh ta vào đây trong bộ dạng như vậy” – người này nói.
Tại bệnh xá của nhà tù, các y bác sỹ ở đó cho rằng họ không đủ khả năng điều trị cho Williams và yêu cầu chuyển anh ta tới một bệnh viện ở bên ngoài. Trong khi chờ được chuyển viện, Williams vẫn nghe thấy 2 viên cai ngục của nhà tù là Rademacher và Swack nói với nhau rằng họ sẽ chẳng phải chịu trách nhiệm gì vì vụ đánh đập. “Chuyện xảy ra trên lầu lúc nãy sẽ thành không có gì” – tiếng một người vang lên.
Tại bệnh viện đầu tiên, bác sỹ ở đó cũng không điều trị được những vết thương nặng của Williams nên anh ta tiếp tục được chuyển đến Trung tâm y tế Erie ở Buffalo, ở cách đó gần 100km. Tại đây, những vết thương của anh ta được liệt kê bao gồm: vỡ xương bả vai, gẫy một số xương sườn, gẫy 2 chân, trong đó có 1 chân phải phẫu thuật để sắp xếp lại xương và vít lại. Ngoài ra, Williams cũng bị nứt xương gò má ở bên mắt trái, tụ máu ở vùng xoang hàm bên trái và nhiều vết thương hở, bầm tím khác.
Khi một bác sỹ điều trị cho Williams hỏi lính canh của nhà tù về việc chuyện gì đã xảy ra, người này nói rằng lẽ ra anh ta không nên tàng trữ vũ khí trong phòng giam. Tại nhà tù Attica, lời giải thích tương tự cũng được các nhân viên và lính canh trực ca hôm Williams bị đánh đưa vào báo cáo về vụ việc. Trong bản ghi chép, những lính canh tại nhà tù đã mô tả khá chi tiết về cáo buộc sai phạm của Williams, trong đó có việc nói rằng anh ta đã cố tình giấu một con dao cạo và cán một cây giáo.
Từ trái qua: Trung sỹ Sean Warner, cai ngục Keith Swack và Matthew Rademacher. |
Nhà tù đầy tai tiếng
Nhà tù Attica nằm giữa những ngọn đồi, những cánh đồng ngô và những trang trại chăn nuôi gia súc ở một khu vực hẻo lánh của New York. Đằng sau những bức tường màu xám cao hàng chục mét của nhà tù này là nơi thường xuyên giam giữ khoảng hơn 2.000 tù nhân. Đi vào hoạt động vào năm 1931, hiện nay, mỗi ngày nhà tù phải huy động hơn 600 lính canh. Đa số những nhân viên này là người da trắng trong khi có đến 80% tù nhân ở đây lại là người da đen hoặc người gốc Latin.
Nhắc đến nhà tù này, người ta sẽ nghĩ ngay đến cuộc bạo loạn xảy ra vào tháng 9/1971, với hậu quả là 43 người thiệt mạng và 89 người bị thương, trong đó có 11 nhân viên của bang, 8 lính canh và 3 dân thường. Vụ bạo loạn này bùng phát khi 1 quản ngục bị các tù nhân đánh chết. Sau 4 ngày giằng co với những tù nhân nổi loạn, Thống đốc New York Nelson A. Rockefeller hạ lệnh chiếm lại nhà tù, kéo theo một chuỗi các sự kiện khốc liệt bao gồm bắt cóc con tin, đốt nhà, xả súng, bạo lực…
Tính rộng hơn, bang New York có tổng cộng 17 nhà tù có mức an ninh tối đa, trải dài phía Bắc thành phố New York tới gần biên giới Canada. Những nơi này cũng thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực và xung đột nhưng đa phần được giấu nhẹm đi hoặc được lấp liếm với việc các cai ngục tại nhà tù tuyên bố họ buộc phải tự vệ do bị các tù nhân tấn công. Theo thống kê, chỉ trong năm 2011 đã có 536 vụ hành hung tù nhân xảy ra trong hệ thống nhà tù của New York được lưu hồ sơ lại. Hầu hết các vụ việc này đều xảy ra ở những cơ sở giam giữ có mức an ninh tối đa.
Trở lại Attica, điều đáng ngạc nhiên nằm ở thái độ của nhiều người khi câu chuyện về vụ việc được công bố, cũng như việc những cai ngục tham gia vào vụ hành hung Williams bị buộc thôi việc và bị khởi tố - vụ việc đầu tiên các cai ngục trại giam bị khởi tố hình sự vì hành vi không phải tấn công tình dục nhằm vào tù nhân. “Họ đã làm gì? Họ đã giẫm đạp nên anh chàng đó ra sao? Việc đó cũng bình thường vì nó vẫn xảy ra suốt” – một tù nhân đã thụ án hơn 20 năm ở Attica cho biết.
Gần 40 cựu tù nhân và tù nhân hiện bị giam giữ ở Attica cũng đưa ra tuyên bố tương tự, dù những người đang bị giam giữ tỏ vẻ e dè hơn và từ chối tiết lộ tên do lo ngại bị trả thù. Nhiều người trong số này nói rằng Attica là nơi đáng sợ nhất mà họ từng bị giam giữ, nơi một nhóm các cai ngục nhà tù tự ý trừng phạt các tù nhân một cách tàn bạo nhưng phần lớn đều không hề hấn gì…/.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu