Thực trạng đáng báo động
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam tình trạng tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện ngày càng tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Nếu những năm trước đây người chưa thành niên thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn thì hiện nay thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao.
Theo thống kê gần nhất của Bộ Công an, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Từ đó có thể thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều vụ án các bị cáo là người dưới 18 tuổi thực hiện thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù chung thân hoặc tử hình như các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như: giết người, sử dụng vũ khí nóng cướp tài sản, hiếp dâm, ma túy.
Thời gian gần đây, dư luận phẫn nộ trước vụ việc đối tượng Điểu Long (14 tuổi) sát hại bạn vì mẫu thuẫn khi chơi game. Vào khoảng 12h30 trưa ngày 23/11, Long và cháu L. cùng nhau đến một quán internet trên địa bàn bon Điêng Đu (xã Đắk Ngo) để chơi game và xảy ra mâu thuẫn.
Sau khi rời khỏi quán, Long kéo cháu L. đến một sân bóng cách quán internet khoảng 1km rồi ra tay đánh đập và đẩy xuống suối. Chưa dừng lại ở đó, sau khi đẩy cháu L. xuống suối, Long tiếp tục nhảy xuống rồi dùng đá đánh vào đầu khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau khi thấy cháu L. bất tỉnh, Long dìm nạn nhân xuống suối rồi bỏ đi.
Đến ngày 24/11, Long quay lại hiện trường thì phát hiện cháu L. đã chết nên bỏ về nhà như chưa có chuyện gì xảy ra. Trong quá trình lấy lời khai của đối tượng Long, thấy đối tượng có nhiều biểu hiện bất thường nên cơ quan điều tra đã tiến hành đấu tranh. Qua đấu tranh ban đầu, Long có thừa nhận, vào năm 2016 đã sát hại một bé gái 6 tuổi ngụ cùng xã.
Đối tượng Long tại cơ quan điều tra. |
Tại khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội), vì thiếu tiền chơi điện tử, một nhóm “cướp nhí” tuổi đời chỉ từ 15 đến 16 tuổi gồm ba đối tượng là Ngô Nhật Quang (SN 2004), Nguyễn Ngọc Minh Hiếu (SN 2004) và Trần Xuân Quang (SN 2003) đã rủ nhau đi cướp tài sản.
Thủ đoạn của các đối tượng là cả ba đèo nhau trên chiếc xe máy đi tìm "con mồi" là những người làm nghề lái xe ôm ban đêm. Sau khi tìm được, chúng sẽ cho một đối tượng xuống xe để giả vờ thuê xe, đặt chở về khu vực được ấn định sẵn theo kế hoạch. Trong khi đó, hai đối tượng còn lại sẽ phóng xe máy đến điểm hẹn trước. Khi thấy “con mồi” về tới nơi, các đối tượng xuất hiện, dùng dao phóng lợn để đe dọa, yêu cầu lái xe ôm phải đưa tiền cho chúng.
Vụ án Lê Ngọc Chung (ngụ tại Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội) cũng có hành vi tàn ác không kém Lê Văn Luyện trong vụ thảm sát hiệu vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang. Là học sinh lớp 10A5 trường PTTH Thanh Oai, do chán cảnh mẹ và bố dượng suốt ngày cãi nhau và chửi mắng mình nên Chung đã quyết định bỏ học, bỏ nhà ra đi.
Lê Ngọc Chung gây ra tội ác tày trời khi chưa tròn 16 tuổi |
Khi bỏ nhà đi, Chung lấy trộm của gia đình 1 triệu đồng và chiếc xe máy của người bố dượng rồi lang thang lên Hà Nội và được giới thiệu đến làm việc rửa xe thuê cho gia đình anh Đỗ Quốc Hùng (42 tuổi, ở số nhà 888 phố Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Trong một lần bị gia chủ nhắc nhở, Chung đem lòng thù tức, hắn mò đến nhà anh Hùng, xuống tay sát hại cả nhà anh. Kẻ giết người đã bị bắt ngay khi sát hại 5 người trong gia đình. Hai nạn nhân đã tử vong ngay sau khi bị đâm là bà Đặng Thị Nữ, 68 tuổi và cháu nội là Đỗ Trung Nghĩa, 16 tuổi. Anh Đỗ Quốc Hùng, 42 tuổi sau đó cũng tử vong. Vợ anh Hùng là chị Trần Thị Nguyệt Nga, 39 tuổi cùng con gái 7 tuổi là Đỗ Thùy Anh cũng bị chém dã man nhưng sau đó may mắn được cứu sống…
Nguyên nhân do đâu?
Sự thay đổi quá nhanh của xã hội khiến trẻ không kịp thích ứng, tâm lý trẻ trong giai đoạn vị thành niên lại thiếu ổn định, xốc nổi nên dẫn đến thái độ sống không đúng đắn dẫn đến những hành vi xấu, trong khi đó người lớn dần ít quan tâm hơn đến đời sống con cái mà chạy theo sự chuyển biến của xã hội.
Một thực tế không thể phủ nhận là việc bùng nổ công nghệ thông tin. Lớp trẻ hiện đang bị “đầu độc” bởi quá nhiều thứ văn hóa nghe nhìn, giải trí có nội dung kích động bạo lực. Chỉ cần bật các kênh truyền hình được cấp phép hoạt động cũng thấy hàng ngày đang có quá nhiều phim bạo lực. Rồi Internet, trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực tràn ngập.
Đây chính là nguyên nhân xã hội đang từng giờ từng ngày tác động tới tâm sinh lý của một bộ phận thanh thiếu niên. Bởi ở độ tuổi đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, khi tiếp cận với quá nhiều thứ giải trí bạo lực sẽ khiến con người bị lệch lạc về nhân cách, hành động theo bản năng và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động.
Ngoài ra một số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ… thường bị rủ rê, lôi kéo vào hành vi tiêu cực, phạm tội. Nhiều gia đình thiếu trách nhiệm, không quan tâm và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con cái.
Trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường thiếu chặt chẽ. Mặt khác, do đặc điểm phát triển về tâm sinh lý của lứa tuổi chưa hoàn thiện, dễ bị kích động, khó kiềm chế, đặc biệt nhận thức xã hội của các em còn hạn chế; kiến thức pháp luật và ý thức pháp luật chưa cao dẫn đến mắc sai phạm… Sự tan vỡ gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến các em bị khủng hoảng tâm lý, ít được quan tâm, dạy bảo nên dễ rơi vào con đường tội lỗi.
Để hạn chế tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, cần phải nâng cao “sức đề kháng cho xã hội” và việc trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Mỗi đứa trẻ bắt đầu bắt chước hành vi, ứng xử, biểu cảm của mỗi thành viên trong gia đình.
Một môi trường tốt, thân thiện được hình thành trong gia đình sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại hiệu quả gắn kết của “tam giác”: gia đình - nhà trường - xã hội, chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả hành vi phạm tội thì sẽ hạn chế được việc vi phạm pháp luật.