Hà Nội đang trong đợt ra quân của các cơ quan chức năng để "giành" vỉa hè lại cho người đi bộ với 3 giai đoạn kéo dài đến tháng 11/2023. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng ra quân trong giai đoạn 2, nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố vẫn còn tiếp diễn tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng.
Theo ghi nhận của Pháp luật Việt Nam, chiều 28/3, trên nhiều tuyến phố như Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), Nguyễn Đình Thi, Trích Sài (quận Tây Hồ), Thái Hà, Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), Hoàng Hoa Thám (Ba Đình)... vỉa hè vẫn bị biến thành nơi để xe, buôn bán hàng hóa, kinh doanh cà phê,...
Theo đại diện CA Tp Hà Nội cho biết kết quả sau 15 ngày ra quân theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197, Công TP Hà Nội đã xử lý 14.252 trường hợp về trật tự an toàn giao thông, 5.921 trường hợp vi phạm trật tự đô thị. Với những giải pháp trên thì địa bàn thành phố chắc chắn sẽ đi vào nề nếp trong thời gian tới.
Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 đến hết ngày 28/2 với trọng tâm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định, ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.
Giai đoạn 2 từ ngày 1-31/3, Ban Chỉ đạo 197 sẽ tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định.
Giai đoạn 3 từ 1/4-1/11, các lực lượng duy trì kiểm tra, xử lý, không để vi phạm tái diễn.
Theo kế hoạch này, Hà Nội đặt mục tiêu tạo chuyển biến về an toàn trật tự, nhất là tại 12 quận, trả lại nguyên trạng hè phố. Các trường hợp chống đối sẽ bị cưỡng chế, lập biên bản vi phạm hành chính, thu giữ phương tiện, đồ vật vi phạm, tháo dỡ biển quảng cáo, mái che, mái vẩy chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị...
Trước đó, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, để vật liệu xây dựng không đúng quy định.
Tháo dỡ mái che, mái vẩy, bục bệ làm cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị; kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm trông giữ phương tiện trái phép, không đúng quy định, gây cản trở giao thông.
Công an Thành phố, Sở GTVT, Sở Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường; các trường hợp đỗ xe, trông giữ xe ô tô, xe máy không đúng quy định, đặc biệt là trên các tuyến phố, khu vực điểm nóng về ùn tắc giao thông; có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Ông Thanh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành thành phố liên quan xây dựng Kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện, rà soát các điều kiện chuẩn bị cho công tác sắp xếp, lập lại trật tự hè phố, lòng đường và kiểm tra, xử lý các vi phạm; hoàn thành trước ngày 20/3/2023.Kịp thời phát hiện, thông tin đến Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã những trường hợp vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường để xử lý và phối hợp xử lý theo thẩm quyền.
Một số hình ảnh ghi nhận thực tế:
Vỉa hè trên phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân bị chiếm dụng thành nơi để sửa xe, lòng đường thành bãi đỗ xe 'bất đắc dĩ'. |
Tình trạng tương tự diễn ra tại một cửa hàng cách đó vài chục mét. |
Quán cà phê trên phố Thái Hà kê bàn ghế ra vỉa hè cho khách ngồi. |
Một quán cà phê khác trên phố Trích Sài ngang nhiên dùng vỉa hè làm nơi kinh doanh. |
Vỉa hè trên đường Hoàng Hoa Thám bị biến hành nơi để bày bán hàng hóa. |
Các loại cây cảnh được bày bán la liệt "chiếm dụng" luôn vỉa hè. |
Tình trạng các hộ kinh doanh bày bán cây cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám lấn chiếm "mất" luôn vỉa hè |
Ôtô ngang nhiên dừng đỗ dù có cắm biển cấm. |
Tình trạng đỗ xe trên vỉa hè phổ biến tại nhiều con phố. |
Nhiều chiếc ôtô "chễm chệ" nằm trên vỉa hè của phố Vệ Hồ. |
Vỉa hè tiếp tục trở thành bãi để xe máy. |
Ghi nhận tại phố Thụy Khuê. Những chiếc xe "leo" lên cả vỉa hè và đỗ cả dưới lòng đường. |
Tại đường Vệ Hồ, ôtô để ngay dưới lòng đường. |
Hàng loạt ôtô xếp hàng dài cả một tuyến phố. |
Vỉa hè thành nơi để kinh doanh quán nước. |
Ghi nhận trên phố Tôn Thất Tùng, khu vực cổng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. |
Tận dụng làm nơi bán hàng |
Biển cấm có cũng như không. |
Đâu còn chỗ cho người đi bộ. |
Phế liệu vứt ngổn ngang |
Những ngôi nhà sau khi đập phá để xây dựng lại nhưng cũng không được thu gom dọn dẹp, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.Ghi nhận trên phố Chùa Bộc. |