Theo nội dung đơn thư, năm 2018, gia đình ông Trương Văn Khôi đăng ký kinh doanh dịch vụ Taxi vận tải tại Thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Để mở rộng kinh doanh, ông Khôi huy động nguồn vốn từ gia đình, người thân và vay thêm vốn từ ngân hàng để mua bổ sung xe ô tô làm dịch vụ.
Vào ngày 8/3/2018, ông Khôi làm thủ tục vay thế chấp tại Ngân hàng để mua chiếc xe ô tô mang nhãn hiệu Huyndai i10, BKS: 30F - 284.96, với khoản vay 284 triệu đồng, mục đích kinh doanh dịch vụ taxi. Thời gian vay trong 72 tháng với lãi suất 8,99%/tháng (trong thời gian ưu đãi), hết ưu đãi lãi suất là 11,70%/tháng; phương thức trả nợ định kỳ hàng tháng gồm cả lãi và gốc.
Từ khi vay đến đầu năm 2021, ông Khôi đều hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đầy đủ đối với khoản đã vay. Hàng tháng phía ngân hàng đều có thông báo bằng tin nhắn điện thoại về cho ông để thông báo đến kỳ nộp tiền lãi.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Khôi, từ đầu năm 2021 đến nay, phía Ngân hàng không có thông báo nhắc khách hàng trả nợ đối với ông. Đến ngày 7/6/2021, phía đơn vị thu hồi nợ của ngân hàng đã bất ngờ tiến hành cưỡng đoạt chiếc xe taxi này khi đang trên đường chở khách.
Để xác minh, tìm hiểu nội dung đơn thư bạn đọc, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã gặp và làm việc trực tiếp với ông Trương Văn Khôi và tài xế Trịnh Xuân Duy (người điều khiển trực tiếp chiếc xe taxi bị nhóm người xưng là nhân viên Ngân hàng thu giữ xe).
Tại buổi làm việc, tài xế Trịnh Xuân Duy cho biết: "Vào khoảng 11giờ trưa ngày 7/6/2021 khi tôi đang đợi khách ở khu vực trường THCS Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, thì có một nam khách hàng thuê xe chở đến địa chỉ ngõ 204 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Khi đến địa chỉ trên nam khách hàng yêu cầu tôi dừng xe để đợi "sếp" của anh ta rồi cùng đi tiếp.
Sau đó, nam khách hàng xuống xe thì ngay lập tức có 2 chiếc xe máy chở theo 05 người đàn ông đi đến chặn đầu, chặn đuôi xe nói là người của ngân hàng và yêu cầu anh Duy sang ngồi ghế phụ để một người đàn ông trong số đó lái xe đi về số 254 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Đến nơi, anh Duy được đưa vào căn phòng dành cho khách hàng, tại đây đã có 02 người đàn ông chờ sẵn.
“Một người tên Trung đưa cho tôi tờ giấy đánh máy sẵn và yêu cầu tôi ký vào, tôi hỏi giấy gì thì họ nói là giấy xác nhận xe thuộc Công ty Cổ phần dịch vụ vận tải du lịch Anh Khôi. Nghe họ nói vậy thì tôi nghĩ cũng chẳng có gì nên tôi đã ký vào tờ giấy cho xong vì lúc đó tôi nghĩ khách hàng kia còn đang chờ tôi chở đi.
Nhưng sau đó tôi có gọi điện lại cho nam khách hàng đã đi xe nhưng không liên lạc được. Sau khi tôi ký thì người đàn ông đó bảo tôi cứ về đi. Tôi đã gọi điện về cho anh Khôi để trao đổi sự việc”- anh Duy nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Khôi bức xúc cho biết: “Tôi có vay vốn của Ngân hàng và hàng tháng tôi đều trả nợ và lãi đầy đủ. Thời gian trước, cứ đến kỳ trả lãi phía ngân hàng đều thông báo trước cho tôi qua điện thoại, nhưng 6 tháng nay ngân hàng không có thông báo nhắc tôi."
Ngày 28/4/2021, ông Khôi gọi điện cho anh Mạnh là nhân viên của Ngân hàng, là người làm thủ tục vay vốn cho ông, để hỏi về việc trả nợ như thế nào thì nhân viên tên Mạnh thông báo cho ông phải nộp 17 triệu đồng bao gồm tiền gốc, lãi, phí phạt của 6 tháng qua.
"Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kinh tế khó khăn, tôi có đề nghị trả trước 10 triệu đồng, số còn lại tôi thu xếp trả sớm thì nhân viên tên Mạnh nói với tôi Ngân hàng đồng ý với phương án trên", ông Khôi cho biết.
Ông Khôi cũng bức xúc nói: "Tại sao phía ngân hàng thu xe lại không thông báo gì cho tôi biết? Ngay sáng 8/6/2021 tôi gọi điện lên cho phía thu hồi nợ đã thu xe của tôi thì được ông Trung (xưng là đại diện bên thu hồi nợ) bảo lên Công ty thu hồi nợ làm việc. Khi lên đến nơi, ông Trung nói là chiếc xe của tôi đã bị thu hồi và buộc tôi phải thanh toán nốt số tiền còn lại để tất toán hợp đồng. Tiếp đó, anh Khôi có gọi điện cho nhân viên tên Mạnh của Chi nhánh Ngân hàng tại Long Biên thì nhân viên này trả lời không biết sự việc.”
Ông Khôi chia sẻ thêm với phóng viên là sau khi ký hợp đồng vay vốn, phía ngân hàng không trao cho anh bản hợp đồng thứ 2 mà nói “cứ về đi bản hợp đồng sẽ chuyển sau”, từ đó đến nay phía ngân hàng không chuyển cho khách hàng Trương Văn Khôi mà chỉ gửi cho bảng sao kê trả nợ định kỳ hàng tháng.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.
Hoạt động cho vay và xử lý nợ xấu được áp dụng theo Điều 299 Bộ luật dân sự hiện hành, Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các điều khoản đi kèm như, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật. Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền, không thuộc trường hợp đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 300 Bộ luật dân sự, trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
Đồng thời căn cứ tại Điều 51 Nghị định 21/2021 hướng dẫn Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định về thông báo xử lý tài sản bảo phải bao gồm các nội dung chủ yếu như: Lý do xử lý tài sản; Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý; Nghĩa vụ được bảo đảm; Mô tả tài sản; Phương thức, thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.