[links()]Chuyện về những cái đói, cái nghèo và những gian nan vất vả của bà con vùng cao không phải là chuyện gì xa lạ. Thế nhưng, những gì được phản ánh trong bài “Học trò vùng cao Kim Bon săn chuột để thoả cơn thèm thịt” trên PLVN ngày 2/1/2013, không khỏi nhói lòng.
Bài báo kể về những gì đã và đang xảy ra đối với các em học sinh ở Kim Bon, Phù Yên (Sơn La), miền Tây Bắc tổ quốc…
Ảnh minh hoạ Ngọc Diệp. |
Trường học là những lán nứa tạm bợ, gió lùa tông tốc, mái được căng bằng những tấm bạt đã cũ sờn, động mưa là dột lung tung, nhiều lán còn không có cả cánh cửa. Bàn ghế là những thân cây đẽo vội, tấm bảng cũ kỹ. Sàn ngủ chỉ trải mong manh một tấm chiếu và cái chăn mỏng để chống lại cái lạnh cắt da, cắt thịt đêm đêm.
Tại xã vùng cao Kim Bon, con đường tới trường luôn lầy lội vào mùa mưa và bụi mù dày đặc vào mùa khô. Cư dân ở đây sống rải rác ở các ngọn núi khác nhau. Để tìm kiếm được con chữ, các em nhỏ phải vượt mấy chục cây số đến trường.
Về sinh hoạt, các em ở Kim Bon chủ yếu là cơn ăn với măng muối mặn chát. Vì vậy mà thịt chuột là món ăn “sang” không phải lúc nào cũng có. Hàng ngày sau giờ học mỗi buổi chiều, các em thường chia thành từng tốp nhỏ đến những nương lúa, ngô, sắn để bẫy chuột về ăn.
“Áo ấm, tất chân… đối với các em là thứ quá xa xỉ. Một bà mẹ người H’Mông bế con trên tay, đứa bé chỉ có một cái áo, không có quần... Những đứa trẻ chân trần đỏ ửng, đứng run lên từng hồi vì lạnh. Các em vẫn đang mơ ước có một cái áo ấm chống rét”. Bài báo đã viết.
Đọc những thông tin trên mà không khỏi nghẹn ngào thương cảm. Miền Bắc vừa trải qua một đợt rét đậm, rét hại đằng đẵng hơn 20 ngày và theo dự báo, lại sắp phải trải qua một đợt rét hại nữa. Trong khi không ít gia đình ở Hà Nội ngủ trong chăn ấm, đệm êm thậm chí có cả lò sưởi và máy điều hòa không khí ấm thì đồng bào các tỉnh nhất là các vùng núi cao vừa trải qua và lại sắp phải đương đầu với những ngày rét buốt thấu xương.
Đau xót hơn, vẫn còn nhiều và rất nhiều em thơ đến trường trong đói và rét.
Chợt thấy quý vô cùng cái quỹ có tên giản dị “Cơm có thịt” do ông Trần Đăng Tuấn khởi xướng.
“Cơm có thịt!”.
Đó là tiếng gọi thiết tha của lòng nhân ái. Đó là tấm lòng sẻ chia đùm bọc…
Chúng ta không thể vô cảm trước những khó khăn, cơ cực của đồng bào mình.
Và chợt chạnh lòng với những số tiền khổng lồ hàng trăm ngàn tỉ đồng từ lãng phí, tham nhũng, thất thoát... Giá như chỉ giảm bớt được 1% số tiền khổng lồ đó thôi, chắc chắn nhiều số phận sẽ được đổi thay.
Xin đừng để một bữa cơm no, một manh áo ấm mãi là “giấc mơ xa xỉ” của các em thơ!
Bùi Hoàng Tám
Theo Dân trí