Lần lại lịch sử cho thấy, ngày 3/5/1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc cử ông đi học quân sự tại Diên An, nhưng trên đường lại gọi quay về vì tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn, cần gấp rút về nước chuẩn bị đón thời cơ.
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Biên giới 1950 |
Tháng 6/1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm ấy, ông về Tĩnh Tây, cùng Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng tổ chức lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho 40 thanh niên người Cao Bằng.
Ngày 28/1/1941, Võ Nguyên Giáp cùng Nguyễn Ái Quốc về Cao Bằng, sống và làm việc ở Pắc Bó. Nguyễn Ái Quốc tiên đoán cách mạng Việt Nam sẽ thành công vào năm 1945 và khẩn trương tiến hành xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự ở Cao Bằng.
Tháng 5/1941, Việt Nam độc lập đồng minh hội - tổ chức đứng về phía đồng minh giành độc lập cho Việt Nam được thành lập, gọi tắt là Việt Minh. Võ Nguyên Giáp tích cực tham gia xây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng, về các địa phương mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, phát triển các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng thiết lập chính quyền cách mạng.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, chiến lược cách mạng của nước ta được xác định là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong chiến lược mới đó, ngoài việc đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết còn xác định khởi nghĩa là vấn đề then chốt. Sau khi đồng chí Phùng Chí Kiên - Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách về quân sự - hy sinh, công việc đó được Đảng và Hồ Chí Minh tin cậy trao cho Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Năm 1942, Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc giao phụ trách Ban xung phong Nam tiến mở đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã nối liền với Chợ Chu, Đại Từ với lời căn dặn: “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự”. Sau khi hoàn thành việc mở đường Nam tiến, ông trở lại Cao Bằng củng cố xây dựng phong trào cách mạng, đào tạo cán bộ quân sự.
Tháng 7/1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo ông lựa chọn cán bộ, đội viên thành lập lực lượng vũ trang và ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt “Đoàn thể”, ông tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Tháng 4/1945, tại Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Võ Nguyên Giáp được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc kì; từ tháng 5/1945, là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, ông được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng và là Ủy viên Ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc.
Ngày 14/8/1945, Võ Nguyên Giáp trở thành Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, ông được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.
Ngày 16/8/1945, một đơn vị giải phóng quân do ông chỉ huy từ Tân Trào, Tuyên Quang kéo về bao vây tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên. Cách mạng Tháng Tám thành công, khi thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư Đảng đoàn Chính phủ.
Nhà kiến tạo chiến lược
Có thể nói, Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược của cách mạng Việt Nam, người góp phần kiến tạo nên một trật tự thế giới mới. Trước nhiều thời điểm lịch sử của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Võ Nguyên Giáp bàn bạc để đưa ra những quyết định trọng đại.
Mùa hè năm 1945, Hồ Chí Minh quyết định di chuyển trung tâm lãnh đạo cách mạng từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Đồng chí Võ Nguyên Giáp đang công tác tại phía nam căn cứ địa lên đón Người ở Chợ Đồn, Bắc Cạn. Người yêu cầu: “Cần phải chọn ngay trong vùng Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm có dân tốt, địa hình tốt làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược, ra nước ngoài, làm nơi ở và làm việc”.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp quyết định chọn Tân Trào, Sơn Dương làm nơi đặt Đại bản doanh. Ngày 21/5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Tân Trào, dừng chân ở đình Hồng Thái, sau đó vào làng Tân Lập ở gia đình ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long một thời gian. Cuộc hành quân lịch sử này là hành trình dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ở Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh sống và làm việc tại lán Nà Nưa. Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện, chỉ thị, các chủ trương, kế hoạch khởi nghĩa, triệu tập hội nghị cán bộ ngày 4/6/1945, quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Giải phóng quân. Lán Nà Nưa thực sự là đại bản doanh của vị Tổng Tư lệnh chỉ huy cuộc khởi nghĩa.
Cuối tháng 7/1945, giữa lúc công việc khẩn cấp, Hồ Chí Minh bị mệt nặng. Bác sốt liên miên, lúc tỉnh lúc mê, mọi người rất lo lắng, có người vào rừng tìm lá thuốc về sắc nước cho Bác, có người ra sông Phó Đáy bắt được con ba ba đem về cắt tiết nhỏ vào rượu cho Bác uống và cầu mong Bác mau khỏi bệnh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp hàng ngày lên báo cáo Bác.
Một hôm, thấy Bác rất yếu, đồng chí xin phép ở lại. Đêm ấy, tỉnh dậy sau cơn sốt, Hồ Chí Minh đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.”
Bóng đa Tân Trào đã trở thành biểu tượng của Cách mạng Tháng Tám. Chính nơi đây, chiều 16/8/1945, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến sang giải phóng thị xã Thái Nguyên rồi từ đó tiến về Hà Nội.
Gần 70 năm trôi qua, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 vẫn còn đó, khắc sâu trong lòng mỗi người dân nước Việt với những tình cảm chan chứa và còn mãi với non sông đất nước với sự ngưỡng mộ và lòng trân trọng nhất...