Chộn rộn ngày giã biệt
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, cùng các ban ngành đã liên tục vận động, tuyên truyền giải thích cho những hộ dân sống tại vùng lõi đại ngàn Vườn quốc gia Pù Mát, xã Môn Sơn đã có kết quả.
Cuối tháng 7/2019, những hộ dân tại bản Búng và Cò Phạt đăng ký chuyển về nơi ở mới ở Bá Hạ - Kẻ Tắt đều đồng loạt tháo dỡ những vật dụng trong trong ngôi nhà vốn thân thương của mình để chuẩn bị cho cuộc đi đến nơi ở mới.
Để giúp đỡ bà con, chính quyền địa phương đã huy động nhiều lực lượng cùng với Bộ đội biên phòng, công an, dân quân… tập trung tháo dỡ và tập kết tài sản tại Đồn Biên phòng Môn Sơn. Trong thời gian chờ đợi ngày trở về, những người dân đã tháo dỡ nhà cửa, vật dụng được những hộ gia đình chưa đăng ký đi đợt này ở nhờ sinh hoạt.
Sáng 30/7, có lẽ buổi sáng khó ngủ nhất của những 75 nhân khẩu trong chuyến di dời đến nơi ở mới lần này. Họ còn chút lưu luyến với mảnh đất đã gắn bó với họ từ bao nhiêu đời nay, lưu luyến với những người thân đang sinh sống ở đó và hồi họp chờ đợi đến nơi ở mới với nhiều tâm trạng khác nhau.
Từ 4 – 5 giờ sáng, khi gà rừng vừa báo canh 5, mặt trời còn chưa mọc, bản làng còn chìm trong sương mờ thì những ánh đèn điện trong những ngôi nhà ở bản Búng và Cò Phạt đã sáng để chuẩn bị bữa ăn sáng và những vật dụng cho chuyến đi. Bữa cơm đầm ấm tiễn những người đi và chia tay những người ở lại.
Để cho chuyến đi đảm bảo lịch trình cũng như thuận tiện nhất, lãnh đạo huyện Con Cuông; cán bộ xã Môn Sơn; Đồn Biên phòng Môn Sơn; Vườn Quốc gia Pù Mát… đã sẵn sàng ở trung tâm để chuẩn bị hỗ trợ người dân di chuyển.
Những tài sản của người dân được một tổ công tác bốc xếp gọn gàng lên những chiếc xe ô tô tải chờ sẵn, còn một phần lớn người dân xe máy vào tận bản làng để chở người dân trở ra trung tâm điểm tập kết.
Ra đi để có cuộc sống tốt đẹp hơn
Nhiều tháng trước, khi được chính quyền địa phương vận động thực hiện chủ trương di dời về nơi ở mới, gia đình anh La Văn Điệp (SN 1982 - Phó bản Cò Phạt) là 1 trong số các hộ tiên phong ký cam kết.
Theo anh Điệp, năm 2007, nhiều người trong bản cùng bố mẹ anh em họ hàng di dời về khu tái định cư tại bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, hiện nay cuộc sống đã ổn định. Nên khi được vận động về điểm tái định cư mới anh rất đồng lòng và tuyên truyền dân bản cùng đi chuyến này.
Sáng sớm, anh cùng vợ con ra chào bà con dân bản, rồi tự đi xe máy ra tập kết ở trung tâm xã. “Bên đó, có người nhà mình đông lắm, giờ sang để đoàn tụ, trước đi tham quan địa điểm tái định cư thấy điều kiện tốt hơn ở đây, đất sản xuất, đường xá thuận tiện, con cái gần trường lớp để học hành…”, anh Điệp tâm sự.
Chính quyền cùng các lực lượng hỗ trợ đào giếng để lấy nước phục vụ các hộ dân nơi ở mới. |
Còn anh La Văn Tùng, người dân bản Búng, xã Môn Sơn chia sẻ, ở đây mình khổ thì không nói nhưng vì tương lai con em mà ra điểm tái định cư để con cái được học hành đàng hoàng. Anh Tùng cũng như bao người khác, sinh ra, lớn lên lấy vợ rồi sinh con đều ở trong vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát.
Dù là nơi chôn rau cắt rốn, là cội nguồn của mình nhưng mình phải đi để tìm cuộc sống mới tốt đẹp hơn. “Xa nơi nguồn cội của mình cũng có buồn chứ, cũng tiếc nhưng vì tương lai của mình, của con cái mà ra đi. Mà cũng tham quan bên điểm mới có nhiều thuận lợi hơn, giao thông thuận tiện, con cái học hành đàng hoàng hơn, đi bệnh viện gần hơn khi đau ốm…
Đoàn người đi xe máy nối đuôi nhau, cũng có những người ngoái lại nhìn chốn cũ một vài giây rồi tiếp tục hành trình về nơi đất mới với nhiều cảm xúc xốn xang, lưu luyến…
Anh Lê Văn Nhị (SN 1970, bản Búng), dừng lại quay đầu nhìn lại bản làng đôi mắt hơi đỏ, anh chia sẻ, “Sinh ra và lớn lên tại đây, cuộc sống chỉ biết những người trong bản và núi rừng, có lúc tưởng cả bản chết vì bệnh tật.
Rồi được chính quyền địa phương, BĐBP giúp đỡ nên cũng qua khỏi và đỡ vất vả hơn. Ruộng đất để trồng lúa thì ít quá, người ở bản mỗi lúc mỗi đông nên cuộc sống cũng khốn khó lắm. Khi cán bộ đến vận động đến nơi ở mới gia đình tôi mừng lắm, đăng ký đi liền, dù vẫn tiếc nhớ bản làng nhưng mong đi để đến nơi ổn định hơn.
Gần 2 giờ đồng hồ đoàn người gồm nhiều xe máy, xe tải đã đến khu tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt, dãy nhà kiên cố đã được xây dựng và sửa soạn sạch sẽ để đón chờ những chủ nhà đến.
Nổi lửa lên nơi vùng đất mới
Tại khu tái định cư, những ngôi nhà sàn vững chãi được xây dựng bằng bê tông, hệ thống điện, nước, nhà văn hóa xóm, trạm y tế, trường học, đường nhựa…. đã được hoàn thiện. Bí thư Huyện ủy huyện Con Cuông, ông Nguyễn Đình Hùng cũng có mặt tại đây từ rất sớm để đoàn bà con. Sau đó, cùng các già làng làm lễ cúng nhập bản mới. Đây là nghi thức có ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng đối với bà con dân bản, mọi thứ đều được chuẩn bị chu đáo, trang trọng.
22 hộ dân di chuyển đồ đạc lên xe để di chuyển đến nơi ở mới. |
Sau phần lễ, tại các hộ gia đình, khi cánh đàn ông đang sắp xếp lại mọi thứ, ở trong khu vực bếp, chị em phụ nữ đã nổi lửa chuẩn bị bữa cơm trưa đầu tiên trong căn nhà mới với sự hào hứng đầy hy vọng. Lực lượng được huy động hỗ trợ bốc vác, sắp xếp đồ đoàn vào nhà gọn gàng.
Được biết, trong năm đầu tiên tại nơi ở mới, các hộ gia đình sẽ được hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, lương thực; được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất và mua sắm công cụ lao động… và được cấp các loại giấy tờ liên quan đến đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp và đất nông nghiệp để sớm ổn định cuộc sống.
Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, chính quyền đã nỗ lực để vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được chính sách di dời đến điểm tái định cư để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bước đầu, huyện sẽ hỗ trợ để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sớm ổn định đời sống. Đối với những hộ dân chưa đăng ký di dời đợt này, chính quyền sẽ tiếp tục vận động để người dân hiểu hơn sớm về điểm tái định cư trong đợt tiếp theo…
Để đưa được bà con rời nơi chôn rau cắt rốn, biệt lập trong rừng sâu Vườn quốc gia là một hành trình không dễ dàng. Vì sống trong đại ngàn nên mỗi khi có người đau ốm, đi cấp cứu họ phải vượt sông nguy hiểm. Chưa kể muôn vàn khó khăn khác. Chuyện kể rằng, tộc Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, tộc người này chủ yếu là dòng họ La.
Dòng họ này vốn dĩ chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An). Dòng họ La phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi vì không tìm được những thứ đó, họ chạy mãi, mãi mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân. Từ đó một bộ tộc mới ra đời từ đây.
Tộc Đan Lai có tục ngủ ngồi rất khác biệt với các tộc người thiểu số khác. Tập tục này gắn liền với tai họa mà tổ tiên của họ đã phải gánh chịu. Ngủ ngồi là để cảnh giác với thú dữ và bọn quan quân truy đuổi. Người Đan Lai bao đời với nhiều phong tục tập quán cổ hủ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt với tục kết hôn cận huyết đã dẫn đến suy thoái giống nòi, ảnh hưởng đến sự bảo tồn giống nòi cũng như các vấn đề an sinh trong cuộc sống.
Nhận thấy sự cần thiết và cấp bách của việc bảo tồn giống nòi, cũng như phát triển bền vững đời sống của tộc người Đan Lai, ngày 16/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/2006 về việc Phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông” (gọi tắt là Đề án 280)…
22 ngôi nhà khang trang đón những người dân ở điểm tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt. |
Với mục tiêu của Đề án 280 nhằm nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế- xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số hiện đang sinh sống tạ vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát bảo vệ an ninh biên giới.
Đưa đồng bào tộc người Đan Lai ra tái định cư để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa… Cũng như nhiều hộ dân đã rời đi từ 10 năm trước đó, nay đã có cuộc sống an cư lạc nghiệp, dường như họ đang đi về phía mặt trời… Những hủ tục đau lòng như hôn nhân cận huyết dần ở lại phía sau…