Còn gây bức xúc cho người dân
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn nói chung đã được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Nghị định 24) tương đối ổn định.
Tuy nhiên, dư luận gần đây quan tâm rất nhiều đến việc phình tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính, tăng biên chế, tăng đối tượng trả lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu từ đơn vị sự nghiệp, mà hiệu quả hoạt động, phục vụ dịch vụ hành chính công vẫn chưa như mong muốn, chưa thực hiện được việc cải cách hành chính, còn tình trạng khiến người dân bức xúc khi đến các cơ quan chức năng của Nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính.
Hơn nữa, trước yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu tổng thể cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước thì tổ chức các cơ quan chuyên môn được quy định tại Nghị định 24 còn một số hạn chế, bất cập cần thiết phải sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Đồng thời quá trình triển khai thực hiện Nghị định 24 đã có nghị quyết của Đảng và nhiều văn bản luật, dưới luật ra đời, có liên quan đến tổ chức các cơ quan chuyên môn địa phương như Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ…
Đặc biệt, vấn đề số lượng cấp phó và tổ chức các cơ quan chuyên môn gây nhiều xôn xao trong dư luận. Thực tiễn một số địa phương cho thấy, việc bố trí cấp phó đối với các tổ chức bên trong của sở không phù hợp với tỷ lệ biên chế và mô hình tổ chức, làm tăng số lượng cấp phó. Điển hình là có tới 8 phó giám đốc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa hay ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương có 44 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên trong tổng số 46 công chức…
Bộ Nội vụ nhận định thẳng thắn: “Việc tổ chức các cơ quan chuyên môn địa phương hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, bộ máy cồng kềnh, nhiệm vụ còn giao thoa, vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu của các cơ quan tham mưu về ngành, lĩnh vực chưa rõ, chưa thực sự chủ động, dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương còn hạn chế. Việc chưa quy định cụ thể tiêu chí thành lập tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn dẫn đến phình tổ chức bên trong sở, tăng biên chế; việc chưa xác định tiêu chí bố trí cấp phó nên có tình trạng nể nang, bổ nhiệm tràn lan, không tương ứng với biên chế, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức”.
Tăng tính chủ động đối với các sở “mềm”
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế trên, đáp ứng tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW, Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh dự kiến sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối tổ chức, bảo đảm việc thành lập tổ chức thực sự thiết thực, hiệu quả, giúp UBND cấp tỉnh tham mưu, quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.
Dự thảo Nghị định cũng sẽ cụ thể hóa được các tiêu chí trong việc thành lập cơ cấu tổ chức bên trong sở, tiêu chí để bố trí cấp phó, tránh tình trạng giảm đầu mối sở nhưng phình tổ chức bên trong và việc bổ nhiệm cấp phó tràn lan, không phù hợp với mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức.
Cụ thể, một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ được hợp nhất như nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính. Số lượng cấp phó, các tổ chức bên trong 2 sở cũng được sắp xếp đảm bảo tinh gọn. Cơ cấu tổ chức của Sở này gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 10 phòng chuyên môn. Hà Nội và TP HCM được lập thêm một phòng để quản lý riêng về công sản và một chi cục thay cho một phòng nghiệp vụ về tài chính doanh nghiệp.
Sở Xây dựng được đề xuất sáp nhập với Sở Giao thông Vận tải (và Sở Quy hoạch và Kiến trúc tại Hà Nội và TP HCM) thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Cơ cấu Sở mới gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (trên cơ sở tổ chức lại 12 phòng hiện có của các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải). Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ được tách từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với cơ cầu gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 3 phòng chuyên môn.
Dự thảo Nghị định còn đưa ra 2 phương án sắp xếp theo hướng giảm tổ chức sở được tổ chức thống nhất (gọi tắt là sở “cứng”) và tăng tổ chức sở phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù chuyên ngành (gọi tắt là sở “mềm”). Quan điểm của Bộ Nội vụ là trao quyền chủ động cho địa phương trong việc thành lập hay không thành lập các sở “mềm”, từ đó sẽ thực hiện được việc tinh gọn đầu mối tổ chức.
Theo đó, phương án 1 có 15 sở, ngành “cứng”, gồm Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch - Tài chính; Công Thương; Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND và 03 sở, ngành “mềm” gồm Ngoại vụ; Du lịch; Ban Dân tộc. Phương án 2 thậm chí mạnh dạn hơn khi chỉ còn 12 sở “cứng”, chuyển 3 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông cùng 3 sở, ngành “mềm” của phương án 1 thành 6 sở, ngành “mềm”.