Bên lề cuộc họp Thành ủy Hà Nội sáng qua (4/7), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thừa nhận: “Việc đào bới hè, đường phải do cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng nhiều khi không kiểm soát được việc đó nên gây ra nhiều bức xúc”.
Dư luận đã nói rất nhiều về việc vỉa hè “đào lên, lấp xuống” nhiều lần do thực hiện không đồng bộ, gây lãng phí. Trách nhiệm của các cơ quan về vấn đề này như thế nào, thưa Chủ tịch?
- Không thể nhìn việc đào bới vỉa hè để đưa ra ý kiến nọ, ý kiến kia mà phải nhìn nhận một cách toàn diện, tổng thể, trong đó nguyên nhân quan trọng là hạ tầng trong nội đô không được đồng bộ do vấn đề về kinh phí và tốc độ phát triển của từng ngành. Các khu vực trong nội đô do nguồn vốn không đủ nên không thể làm đồng bộ, cùng lúc cả đường, hè, hệ thống ngầm, dẫn đến việc “đào bới đường, hè” để thi công, sửa chữa hệ thống ngầm (thoát nước) và gần đây là ngầm hóa hệ thống thông tin vốn được “treo lơ lửng” rất lâu.
Ngay cả trong những khu đô thị mới, dù đã thi công đồng bộ kể cả tuyến dây, kể cả trang bị ống tuynel để khắc phục tình trạng “đào lên, lấp xuống” nhưng các nhà đầu tư vẫn đưa ra rất nhiều lý do để đào bới hè, đường… Theo qui định, việc đào bới đường, hè phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng thực tế cũng không kiểm soát được nên ngay cả yêu cầu hoàn trả mặt bằng như ban đầu sau khi thi công cũng không được thực hiện nên gây bức xúc.
Vậy thành phố “bó tay” với tình trạng này?
- Với trách nhiệm quản lý đô thị, chúng tôi đã thực hiện từng bước để khắc phục. Vừa qua trong nội đô, thành phố (TP) đã rà soát lại tất cả, kể cả khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng hè, đường, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh và chỉ đạo đối với một số con đường mà trước kia do có sự lấn chiếm, vi phạm quy hoạch thì phải đầu tư trả lại con đường theo quy hoạch (như đường 19/12), tập trung yêu cầu lập dự án, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đối với các đường vành đai 1, 2 và những tuyến đường có tính chất tháo gỡ khó khăn về giao thông (như Điện Biên Phủ - Kim Mã, Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu - Giảng Võ...); đồng thời rà soát lại chất lượng, đảm bảo không chỉ có đường mà còn hè, cây xanh, chiếu sáng, quảng cáo… đảm bảo đồng bộ theo. Việc quản lý hè đã phân cấp hết cho các quận, huyện, chỉ có những dự án đi theo cải tạo đường lớn, đòi hỏi nguồn lực tập trung thì mới không giao. Trên cơ sở thực hiện chủ trương, hè đường của TP tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình được cải thiện rất nhiều, một số đường chính cũng rất khang trang.
Theo phản ánh của người dân, chất lượng hè ở đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có vấn đề, kể cả bó vỉa không phù hợp cho các phương tiện cá nhân. TP có giải pháp gì không?
- Thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra do Sở Xây dựng chủ trì đang kiểm tra lại toàn bộ từ khâu thiết kế đến thi công, xây dựng xem có bảo đảm đúng thiết kế không. Qua kiểm tra, nếu đúng thiết kế mà đó là bất cập thì TP phải xem xét sửa ngay quy định. Tôi được nghe báo cáo là đúng thiết kế xây dựng từ năm 2008, nếu đúng là cái thiết kế đó bất cập thì phải khắc phục ngay. Còn nếu là do chất lượng thi công thì phải xử lý nhà thầu thi công. Nếu sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Nhưng đây là giai đoạn quá độ, hạ tầng giao thông đang tiếp tục được hoàn thiện nên chúng ta phải chấp nhận.
Trước mắt, đối với vấn đề bó vỉa có bất cập trong thực tế như người dân phản ánh thì phải nghiên cứu ngay. Việc thi công bó vỉa vát nhưng chiều cao 5-6cm trở lên là để khi thảm lại đường còn có chỗ để nâng đường, song lại có bất cập với việc đi lại của người dân. Cho nên đây là bài toán kỹ thuật phải giải trong thời gian tới. Tôi đã giao Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng trước mắt thí điểm theo bó vỉa mới ngay tại đường Hoàng Cầu phù hợp với việc di chuyển phương tiện cá nhân của người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!