Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cuốn sách thứ 3 của bác sĩ Ngô Đức Hùng vừa được Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Nhã Nam giới thiệu tới đông đảo độc giả giữa những ngày COVID-19 nóng bỏng này. 

Là phần tiếp nối của cuốn sách đầu tiên “Để yên cho bác sĩ hiền”, vẫn với kiến thức về y học cùng giọng văn hài hước, đanh đá nhưng cũng rất tình cảm. Cuốn sách hấp dẫn và gây cười cho người đọc ngay từ những trang đầu tiên, dù những vấn đề mà bác sĩ Ngô Đức Hùng mang đến toàn là “chuyện nghiêm túc”…

Bác sĩ Ngô Đức Hùng trong “bộ đồ nuôi ong”.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng trong “bộ đồ nuôi ong”. 

Chuyện người trong cuộc

Bác sĩ Ngô Đức Hùng (1981), bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giảng viên Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi Trường Y và là bác sĩ nội trú sau 11 năm học liên tục. Được đi tu nghiệp nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn quyết định ở Việt Nam làm bác sĩ.

Trên cộng đồng mạng, anh là Hùng Ngô hoặc Húng Ngò nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài viết mang định hướng y học. Thế nhưng, y học nói riêng và khoa học nói chung luôn có truyền thống đi ngược lại với kiến thức dân gian tồn tại qua hình thức truyền khẩu hoặc qua rỉ tai “các mẹ ơi, các mẹ biết gì chưa...”.  Bởi luôn đấu tranh thẳng thắn với những quan điểm “phi khoa học” nên thường xuyên bác sĩ Hùng nằm trong tầm ngắm của đám đông quá khích, đòi “đốt xác” cũng không hiếm. Đứng trước làn sóng chửi bới của các “anh hùng bàm phím”, bác sĩ Hùng bình thản: “Đốt xác tôi mà trời ấm được chút thì cũng đỡ”…

Ở cuốn sách này, bác sĩ Hùng viết trong tâm thế của một người trong cuộc, viết từ trong tâm dịch, đó là lần Bệnh viện Bạch Mai, nơi bác sĩ Hùng đang làm việc bị phong tỏa. Đó cũng là lần bác sĩ Hùng được phân công tới Bệnh viện dã chiến số 2 - Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trong đợt Hải Dương bùng phát dịch hồi đầu năm 2021 và hiện tại là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 - Hà Nam, nơi đang điều trị cho cả trăm lượt bệnh nhân COVID-19 của làn sóng dịch thứ 4 này.

Theo đó, tiếp nối mạch tự sự pha với văn phong bút ký của Để yên cho bác sĩ “hiền” (2018), phiên bản Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể chính là một biên niên ngắn gọn về 2 năm Covid của thế giới và Việt Nam (giai đoạn cuối năm 2019 đến tháng 4 năm 2021) dưới góc nhìn của một bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch từ những ngày đầu. Đây sẽ là nơi tập hợp những câu chuyện ít được chia sẻ về dịch bệnh, về những con người “sống chung với lũ” cũng như thái độ của cá nhân và cộng đồng... khi đối mặt khó khăn, xáo trộn và vô vàn lo lắng vì bị thông tin tiêu cực bủa vây. 

Và cuốn sách được mở đầu với những sự kiện, dự báo về tình hình dịch bệnh và lây nhiễm virus mới - khi đó còn là một virus chưa được đặt tên chính thức, gây viêm phổi và có khả năng cao dẫn đến tử vong. Qua những bài học lịch sử về dịch bệnh trên thế giới, cùng với những thông tin nghiên cứu khẩn trương của các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới, virus Corona hay nCovi, COVID-19 dần được lộ diện.

Và để phác họa chân dung bác sĩ trong tâm dịch, bác sĩ Ngô Đức Hùng hài hước gọi bộ đồ bảo hộ phòng dịch là “bộ đồ nuôi ong”. Khi mặc đồ bảo hộ, trời nóng thì khổ kiểu nóng, trời lạnh thì khổ kiểu lạnh, có những lúc hơi nước qua hơi thở luồn lên, lọt qua khe khẩu trang N95 bám vào kính mờ tịt. Bác sĩ, y tá không làm sao mà lấy ven cho bệnh nhân được. Sở dĩ phải viết kỹ về đồ bảo hộ của các bác sĩ là bởi, riêng việc mặc bộ đồ này trong suốt những ngày tháng chống dịch đã là cả một sự “vượt lên khó khăn” của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế. Riêng chuyện mặc đồ bảo hộ mà nhỡ có ngứa thì cũng không thể gãi được, cảm giác ngứa mà không được gãi bác sĩ Hùng so sánh nó còn “dã man” hơn cả nóng nực, mồ hôi ra ướt hết áo trên, quần dưới hoặc là phải nhịn đi vệ sinh…

Bác sĩ Ngô Đức Hùng đã chọn lọc chi tiết và viết về những gì anh đã tận mắt thấy, những kinh nghiệm trong nghề và cả bằng trái tim rung cảm của một người thầy thuốc. Anh có cái nhìn phẫn nộ với những người tạo ra và góp phần thổi bùng tin tức giả trên mạng xã hội. Anh thấy cay đắng với những kỳ thị không chỉ dành cho F0 mà còn dành cho cả nhân viên y tế. Truyền thông thì vẫn luôn: “Vinh danh bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch” nhưng những người hàng xóm đó, nếu lỡ có gặp bác sĩ ngoài đường thì chẳng được một câu chào xã giao, nhanh nhanh mà tránh cho xa.

Chương cuối là câu chuyện của những ngày giãn cách chờ đợi những đợt sóng mới của dịch bệnh, thảnh thơi đi bên cuộc đời ngắm những yêu và sống, là những xót xa khi nhắc đến những cuộc chia ly... Vẫn nhịp điệu từ tốn, chất giọng giễu nhại như bàng quan đấy mà tinh tế về những khoảng lặng trong cơn ôn dịch của cả nhân loại. 

Bác sĩ Ngô Đức Hùng chụp cùng cháu bé xuất viện ở Chí Linh, Hải Dương.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng chụp cùng cháu bé xuất viện ở Chí Linh, Hải Dương. 

Và những rung cảm, nhói lòng

Trong khu cách ly, chúng ta cảm nhận được không khí yêu thương, chia sẻ và đoàn kết của những người bệnh, sự hồn nhiên của những em bé vô tình mắc Covid. Tuy không phải không có những kẻ cậy quyền, cậy thế, đòi hỏi vô lý khi đang là bệnh nhân nhưng trên hết vẫn là tình người trong hoạn nạn. Những câu chuyện về các đợt cứu trợ, tiếp sức để bảo vệ bác sĩ 24h bằng cả vật chất và tinh thần, sự chia sẻ của bác sĩ với những bệnh nhân phải cách ly với thân nhân đều ấm áp tình người.

Câu chuyện hài về cả gia đình đi cách ly vì anh chồng đi đâu về mang bệnh cho cả nhà. Hôm đầu, vợ chồng giận nhau không thèm nói câu gì, qua vài hôm tíu tít cùng chăm các con. Hóa ra, trong lúc khó khăn, con virus cũng có khả năng hàn gắn một gia đình.

Có bác bệnh nhân sống độc thân, đi cách ly, ở nhà chỉ còn có 2 con lợn trong chuồng. Hàng xóm sợ hãi, không nhờ ai qua cho lợn ăn hộ. Ruột gan nóng như lửa đốt, lo lợn chết, chỉ mong có ai đó sang thả chúng ra cho chúng tự kiếm ăn. Có người vào khu cách ly thì hạch sách đủ thứ, dọa gọi cho ông nọ, bà kia, kỷ luật bác sĩ này, bác sĩ kia vì khu cách ly không tiện nghi như ở nhà.

Cảnh một bà cụ ngày ngày ngồi đọc kinh bên cửa sổ trong khu cách ly cũng là một hình ảnh lay động lòng người, nếu như ở một bối cảnh khác. Bà cụ nghễnh tai, bác sĩ đi qua, hỏi gì, nhắn gì cũng chỉ đáp lại: “haaaaaả?”…

Rồi còn có cả chuyện, nửa đêm có chị phụ nữ ngại ngùng vào hỏi xin bác sĩ... băng vệ sinh. Sau lời khẳng định: “Dồ ôi, để đấy tôi lo!”. Sáng hôm sau có ngay thứ “không thể thiếu” đúng chuẩn thương hiệu chị em tin dùng. Tưởng bác sĩ Hùng đang độc thân, thì sao biết được chuyện của chị em phụ nữ, hóa ra trong những chuyến đi phượt, Hùng học được kinh nghiệm, mua để lót giày và bọc ống kính máy ảnh.

“Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” là hiện thực cuộc sống trong bệnh viện vốn đã muôn phần muôn vẻ với đủ buồn bã, đớn đau và ở đó không dành cho người “tâm lý yếu”. Những bác sĩ như Ngô Đức Hùng đôi khi vẫn phải chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân. Ám ảnh nhất là sự ra đi trong cô đơn của một sản phụ bị băng huyết nhập viện đúng đợt đầu dịch. Ngày đoàn tụ với gia đình chỉ còn là một lọ tro. Cái chết của cô gái trẻ, dù đã được báo trước nhưng lại rơi đúng thời điểm tất cả đều bối rối vì dịch bệnh. “Không biết hình ảnh này sẽ còn ám ảnh một người bác sĩ đến bao giờ?”…

Cuốn sách viết từ tâm dịch.
Cuốn sách viết từ tâm dịch. 

Cũng vì thấu hiểu giá trị của sinh mạng cùng niềm an ủi được ra đi trong vòng tay của gia đình, có bệnh nhân ung thư di căn giai đoạn cuối, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai khi đó đã quyết tâm chữa khỏi COVID-19, để nếu bệnh nhân ra đi thì cũng là ra đi trong thanh thản. Và đó cũng là câu hỏi cho câu trả lời “Điều trị để làm gì?”… 

“Mỗi sinh mạng đều đáng quý. Ngay cả cái chết cũng có ý nghĩa khác nhau, dù cho tình huống không còn can thiệp được gì nữa, nó vẫn gợi cho người bác sĩ nhiều trăn trở… Thế nên, dù tuyệt vọng, bạn vẫn nên tự hỏi quyết định ấy có đáng hay không”?...

Cùng với đó là cái nhìn lạc quan, trong cái “bộ đồ nuôi ong” kín mít đó, thi thoảng bác sĩ chống dịch cũng được tận hưởng mùi hoa bưởi, trên cây bưởi đầy hoa góc sân khu cách ly. Rồi cũng lãng mạn lắm, ước hết dịch thì hái cái thứ hoa kia vào ướp trà.

Không chỉ có hương hoa bưởi mang lại niềm vui đâu. Dựa lưng vào khu nhà dành cho bác sĩ ngày ngày thay đồ còn có cả trại chăn nuôi. Mùi chất thải từ vịt, lợn theo gió thốc sang lộng cả óc. Thế mà bỗng dưng có hôm chẳng thấy mùi khó chịu ấy nữa thì lại nháo nhác lo hay là mất khứu giác rồi, hay là dính COVID-19. Xét nghiệm xong, âm tính rồi thì vừa hay biết tin, lứa lợn ấy người ta xuất chuồng và vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, nên không còn ngửi thấy mùi gì nữa... Cứ thế đan xen, cả chuyện lo lắng, cả nặng nề, hài hước, nhẹ nhàng ấy cứ trôi đi trong tròn 200 trang viết. Một cái kết mở như lời chào tạm biệt với một viện dã chiến, trở về với giỗ mẹ muộn và câu hỏi “Thế nên dù tuyệt vọng, bạn vẫn nên tự hỏi quyết định ấy có đáng hay không?!

Dịch bệnh nào rồi cũng sẽ qua, nhưng hiện thực thì vẫn phải đối diện và vượt qua. Vượt qua ở tâm thế nào là tùy thuộc vào mỗi người. Cách mà bác sĩ, trong đó có bác sĩ Ngô Đức Hùng nhìn nhận cuộc sống từ vô vàn những khó khăn nơi tâm dịch cũng vậy. Như bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy từng có lời bình còn mãi: “Cố gắng làm được những điều bình thường nhỏ bé chứ không quay lưng lại nỗi đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình...”…

Cũng giống như bác si Hùng Ngô, anh luôn tận tụy và ngắm nhìn cuộc sống như lẽ vốn có, thấu hiểu và yêu thương thật nhiều từ những rung cảm, bé nhỏ xung quanh mình… Cuộc sống thời COVID-19, để chúng ta nhận ra, hạnh phúc, đơn giản chính là những ngày thường bé mọn. Và cuối cùng, sự tử tế, lòng trắc ẩn chính là những món quà ấm áp  chúng ta trao đi và nhận lại trong cuộc đời này…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.