Nam giới cũng cần được quan tâm!
Tại phiên họp, đa số các ĐB nhất trí với báo cáo của Chính phủ cho rằng mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử về giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của giới nữ được nâng lên; xu hướng tôn trọng và nâng cao vị thế phụ nữ ngày càng phổ biến… Các ĐB cũng cho rằng việc QH dành thời gian thảo luận tại hội trường về thực hiện mục tiêu BĐG cùng với những nỗ lực trong lồng ghép vấn đề giới trong xây dựng pháp luật là một trong những cơ sở quan trọng để công tác này ngày càng tốt hơn.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐG đến năm 2020, đến nay có 8 chỉ tiêu đã đạt và sẽ duy trì đạt vào năm 2020; 2 chỉ tiêu không đạt và một số chỉ tiêu đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG cũng đã được các ĐB chỉ ra. Một số ĐB cho rằng cần đề cập tới nam giới khi nói về BĐG. Theo ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định), quan niệm phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh đã dẫn tới suy nghĩ công tác BĐG là bảo vệ, bênh vực phụ nữ là chưa đúng. “BĐG là vấn đề cần quan tâm với cả nam và nữ. Khi nói về bạo hành gia đình, nạn nhân không chỉ có phụ nữ và trẻ em, thậm chí thực tế có những nạn nhân bị bạo hành là nam giới, bị vợ con hắt hủi, bị cấm vận, thậm chí bị đánh. Trong những trường hợp này, do sĩ diện nên ít người đàn ông nói ra và xã hội cũng chưa thực sự quan tâm”, ĐB nói. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đề nghị cần có nhận thức rõ về giới. Bởi, theo ĐB, hiện nay, báo cáo tổng kết về bạo lực gia đình chỉ nói đến phụ nữ bị bạo lực còn nam giới chưa đả động đến. “Nhận thức về vấn đề này cần xem xét”, ĐB nói.
Trong khi đó, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề cập tới BĐG trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là sức khỏe tình dục. Theo ĐB, theo quy định tại Điều 17 Luật BĐG, nam - nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, sử dụng các dịch vụ y tế… Song, hầu hết các chính sách về chăm sóc sức khỏe chủ yếu được nhắm tới giới nữ mà chưa hướng đến chăm sóc sức khỏe tình dục cho nam giới khiến sự xuất hiện của nam giới với góc độ là đối tượng thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.
Từ phân tích này, ĐB Yến cho rằng khi xây dựng chiến lược quốc gia về BĐG hoặc chương trình hành động quốc gia về BĐG cho giai đoạn tiếp theo cần chú trọng đưa những chỉ tiêu liên quan đến cả nam giới chứ không nên chỉ đơn thuần là các chỉ tiêu với nữ giới như giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó, ĐB kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa việc lồng ghép vấn đề BĐG trong hoạch định chính sách nói chung và chính sách về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nói riêng.
Đảm bảo bình đẳng về lương hưu, tuổi nghỉ hưu
Ngoài vấn đề trên, nhiều ĐB cũng đặc biệt quan tâm về tuổi nghỉ hưu và mức lương của nữ giới khi nghỉ hưu. ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho rằng việc Bộ luật Lao động quy định về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có sự cách biệt là một hình thức phân biệt đối xử gián tiếp. “Hiểu một cách đơn giản là nhìn bề ngoài những việc làm quy định mang lợi ích đến cho phụ nữ nhưng khi xét kết quả hay tác động trở lại thì thấy ẩn chứa sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử ở đây”, ĐB nhận xét và cho rằng chính sự cách biệt này dẫn tới hệ lụy là cản trở cơ hội được đề bạt, được đào tạo và khả năng được tiếp tục cống hiến của một nhóm phụ nữ.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cũng cho rằng một số chính sách quy hoạch bổ nhiệm, luân chuyển khi xây dựng đều căn cứ trên tuổi nghỉ hưu nên cơ hội của phụ nữ bị hạn chế. ĐB Trần Thị Phương Hoa (TP Hà Nội) dẫn tính toán lương bình quân trước khi nghỉ hưu của nữ giới chỉ bằng 87% so với nam giới và đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá việc thực hiện cách tính lương hưu đối với lao động nữ, có lộ trình phù hợp để đảm bảo bình đẳng ở cả cách tính lương, ở cả độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.
Còn ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị nếu vẫn giữ độ tuổi nữ nghỉ hưu chênh lệch giữa nữ giới và nam giới là 5 tuổi thì phải có cách tính lương, nâng quân hàm làm sao để khi nghỉ hưu nữ giới bằng với nam. “Ví dụ, nam chuyên viên chính 3 năm lên lương một lần, 3 năm lên cấp hàm một lần đối với sỹ quan, nên chăng chỉ cần 2 năm rưỡi. Như vậy, tới tuổi nghỉ hưu người ta mới hưởng bằng nam giới được. Việc này chúng ta cũng nên tính để đảm bảo tuổi thọ, sống mới mạnh khỏe và đảm bảo cho xã hội chăm lo”, ĐB gợi ý và đề xuất phải lấy ý kiến đối với nữ giới – là đối tượng cụ thể chịu tác động - về tuổi nghỉ hưu khi sửa đổi Luật Lao động tới đây.
Cần có chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm
Cho ý kiến tại phiên họp, một số ĐB cũng bày tỏ băn khoăn về việc thực thi pháp luật đối với lao động nữ trong khu vực doanh nghiệp. ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) dẫn báo cáo của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BĐG cho thấy, qua thanh tra ở 152 doanh nghiệp dệt may có 55 doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nữ, chiếm 36%. 12 địa phương được thanh tra thì có 6 địa phương có các doanh nghiệp vi phạm, chiếm 50%. “Như vậy, có thể nói việc vi phạm chính sách pháp luật đối với lao động nữ trong doanh nghiệp là khá phổ biến. Tuy nhiên, báo cáo chưa thể hiện kết quả xử lý các vi phạm pháp luật về BĐG trong thời gian vừa qua”, ĐB nhận xét.
Theo ĐB Hạnh, việc xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật phải đi đôi với thực thi chính sách pháp luật. Tình trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, có các quy định riêng đối với lao động nữ trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động và sự nghiêm minh của pháp luật. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng bày tỏ trăn trở về việc hiện chưa có chế tài xử lý cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến vấn đề BĐG. Thậm chí, có doanh nghiệp trong tiêu chí tuyển dụng cũng nêu chỉ tuyển nam, không tuyển nữ. Đặc biệt, ở một số doanh nghiệp, lao động nữ trên 35 tuổi có thể bị đẩy vào diện sa thải nên rất thiệt thòi. Trong bối cảnh như vậy, ĐB Hạnh đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh tình hình.
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên): Còn nhiều vấn đề chưa ổn
“Thực tiễn còn nhiều vấn đề chưa ổn về giới, như trong gia đình là trọng nam hơn nữ, biểu hiện ở quyền tài sản, quyền thừa kế. Các hiện tượng hôn nhân cưỡng bức thì đối tượng chủ yếu là phụ nữ. Việc kết hôn trước tuổi, hiện tượng bóc lột, lao động tình dục, buôn bán người, giới nữ cũng chiếm số nhiều. Người không biết chữ, tái mù chữ, tỷ lệ nữ cũng cao hơn. Khi tuyển dụng lao động, nhiều nơi cũng khắt khe hơn với lao động nữ. Trong sinh đẻ, lựa chọn giới tính cũng vẫn còn. Có gia đình ở khu vực nông thôn, phụ nữ chưa thực sự được tự do lựa chọn đời sống hôn nhân hoặc nghề nghiệp, tư tưởng tam tòng một số nơi vẫn làm chủ đạo để răn dạy giới nữ”.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang): Cần xóa bỏ hạn chế đối với quyền phụ nữ dựa trên khuôn mẫu giới
“Chúng ta cần xóa bỏ bất kỳ sự hạn chế nào đối với quyền phụ nữ dựa trên khuôn mẫu giới. Ở Luật Hôn nhân và Gia đình, tại Điều 71 quy định rõ là cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái. Nhưng đến khoản 4 Điều 2 luật vẫn tiếp tục duy trì khuôn mẫu giới bằng cách liệt kê trách nhiệm của người phụ nữ nuôi dạy con đúng thiên chức của người mẹ và quy định đây là một nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện chế độ hôn nhân, gia đình mà không quy định về trách nhiệm của nam giới. Như vậy, chúng ta thấy trách nhiệm nuôi dạy con cái vẫn chính ở người mẹ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Trong lĩnh vực giáo dục, xưa nay trong tài liệu giảng dạy sách giáo khoa chúng ta thấy cũng thiên về hình mẫu, khuôn mẫu của người nam phải mạnh mẽ, quyết đoán là một đấng anh hùng, khí phách hiên ngang; phụ nữ phải dịu hiền, chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh. Chúng ta đồng tình rằng đây là những phẩm chất làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nhưng trong thời kỳ mới này để đáp ứng xu thế mới, chúng ta cần bổ sung những phẩm chất khác mà xã hội đòi hỏi của một nhà khoa học, của một nữ lãnh đạo, của một nhà hoạt động xã hội. Cho nên, tôi mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong biên soạn chương trình sách giáo khoa mới cũng hết sức nghiên cứu vấn đề này”.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh): Nam, nữ đều cần tự thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử
“Hiện còn một bộ phận nữ giới chưa nhận thức được đầy đủ về quyền được bình đẳng của mình, chấp nhận chịu bạo hành, chịu phân biệt đối xử một cách hiển nhiên. Vì thế, để cải thiện tình trạng bất BĐG, bên cạnh các chương trình hành động, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự bảo vệ của hệ thống pháp luật, các biện pháp tuyên truyền giáo dục thì quan trọng hơn là cả nam và nữ đều cần tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử, nữ giới cần phải tự nâng cao trình độ, sự hiểu biết để tự bảo vệ bản thân, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội qua đó, khẳng định tự ý thức về quyền được bình đẳng của mình”.