Thời gian qua, nhiều ao hồ ở Hà Nội đang bị thu hẹp diện tích và ô nhiễm. Mặc dù thành phố đã nỗ lực cải tạo, nạo vét ao hồ, nâng cao chất lượng nước nhưng tình trạng tái vi phạm và ô nhiễm vẫn diễn ra.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trước hết là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan của mỗi người dân chưa cao. Tuy nhiên, đan xen trong những “mảng tối” ấy hiện không ít mô hình cải tạo môi trường ao hồ đang phát huy hiệu quả với sự tham gia tích cực từ các tổ chức cộng đồng. Câu chuyện cải tạo môi trường tại Ao Dài (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ.
Ao hồ “chết” lại hồi sinh
Theo đó, Ao Dài có diện tích khoảng 8.000m2 nằm trên địa phận của 2 tổ dân phố số 2 và số 4 thuộc phường Mễ Trì. Nhiều năm trước, nơi đây bị ô nhiễm nặng, trở thành “điểm đen” gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay ao đã mang diện mạo khác hẳn. Hàng ngày, nơi đây trở thành không gian công cộng, tập thể dục của người dân.
Nhắc lại câu chuyện cải tạo Ao Dài, một cán bộ địa phương cho biết, khoảng tháng 8/2016 với quyết tâm cải thiện môi trường cảnh quan, đồng thời nâng cao ý thức của người dân, quận Nam Từ Liêm đã phối hợp Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường từ phía cộng đồng. Ao Dài được chọn là nơi thí điểm mô hình trên.
Để thực hiện hóa mô hình, UBND phường Mễ Trì tiến hành thành lập tổ giám sát ô nhiễm môi trường tại Ao Dài. Tổ có 14 thành viên gồm đại diện Hội Phụ nữ, Thanh tra nhân dân, bảo vệ tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố, người dân sống quanh ao...
Chưa hết, bên cạnh những hoạt động tuyên truyền phổ quát, thường xuyên thì người dân tham gia mô hình đều được mời tham gia các lớp tập huấn để trang bị thông tin về thực trạng ô nhiễm nước của ao, những tác hại nếu không kịp thời chung tay hành động cứu Ao Dài… Từ những buổi tập huấn này, nhận thức của những “học viên” và người dân trên địa bàn được nâng cao đáng kể.
Minh chứng dễ thấy nhất là các hộ dân ở cả hai tổ dân phố ven Ao Dài đều cam kết tuân thủ quy định gìn giữ, bảo vệ ao, không san lấp, lấn chiếm, xả rác. Tích cực chung tay vớt rác, đồng thời hỗ trợ các đơn vị chuyên môn xử lý nước ao, thả bè thủy sinh, duy trì quy định hàng tuần tổng vệ sinh mặt nước và khu vực quanh ao… Cứ thế, chỉ một thời gian ngắn những hoạt động trên đã phát huy hiệu quả nhất định. Tầng nước bề mặt của Ao Dài đã được trả lại màu nước xanh, thay thế màu đen đục, tanh hôi trước kia.
“Hàng ngày, Tổ giám sát của phường đều đi kiểm tra chất lượng nước ao bằng các thiết bị đo nhanh, thấy dấu hiệu vượt ngưỡng là báo cho phòng chuyên môn của quận có biện pháp xử lý. Mực nước có thể có lúc này, lúc khác nhưng chất lượng nước đang ngày một tốt lên. Tổ còn vận động người dân làm thêm bè thủy sinh thả trong ao để cải thiện chất lượng nước, đặt thêm hai thùng rác ở ven ao nhằm hạn chế hành vi xả rác bừa bãi. Tổ dự định sẽ đặt thêm ghế đá, chậu cảnh… tạo không gian đẹp cho người dân vui chơi, sinh hoạt cộng đồng” - Ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổ trưởng tổ dân phố số 4, Mễ Trì Hạ cho biết thêm.
Cần tích cực nhân rộng
Khách quan nhìn nhận, ao hồ sạch không chỉ giúp môi trường xanh, sạch mà còn tạo nên cảnh quan đẹp cho thành phố. Tuy nhiên, việc quản lý, gìn giữ cảnh quan ao, hồ lâu nay còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa kể sự thờ ơ của chính người dân...
Gần đây, Sở TN&MT Hà Nội đã thực hiện thử nghiệm xử lý ô nhiễm tại các hồ bằng nhiều công nghệ khác nhau mang lại kết quả khả quan. Biện pháp chủ yếu để xử lý ô nhiễm hồ là sử dụng các chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học rắc xuống mặt hồ làm giảm chỉ số ô nhiễm hoặc kết hợp với các bè nuôi một số loại thực vật thủy sinh như lục bình, thủy trúc... để cải thiện chất lượng nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về môi trường nhận định rằng, các hồ đã qua xử lý ít nhiều cũng chỉ có thể bảo đảm chất lượng nước tức thời. Sau giai đoạn xử lý, các thông số ô nhiễm có thể tăng trở lại nếu không được bảo vệ.
Nói cách khác, để hồi sinh những mặt nước trong xanh còn sót lại giữa thành phố rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Còn nhớ, cách đây ít năm, để khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ hồ, Hà Nội triển khai thí điểm nhiều mô hình, phong trào đến nay vẫn phát huy hiệu quả. Có thể kể đến như phong trào “xanh - sạch - đẹp” ở hồ Đền Lừ, do Hội Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ đảm trách. Các hội viên tại phường giám sát chéo và nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi, trồng hoa và cây cảnh quanh hồ, bố trí thêm các thùng rác và giao cho hội viên quản lý.
Trở lại câu chuyện Ao Dài, hiệu quả của mô hình thí điểm cộng đồng tham gia giám sát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt ở nơi đây đã có tác động rất lớn tới ý thức, thái độ của người dân đối với môi trường nước ở Nam Từ Liêm. Từ “điểm sáng” này, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đang tích cực nhân rộng mô hình tại các khu dân cư khác như: Ao Đình (Mễ Trì), ao Chuôm xanh (Trung Văn), ao Bồ Đề (Tây Mỗ), ao Liên Cơ (Đại Mỗ)… Tin chắc, với sự chung tay giám sát và tham gia bảo vệ môi trường của cả cộng đồng dân cư, thời gian tới nhiều “lá phổi xanh” sẽ thực sự hồi sinh.