Nhà văn Nguyễn Hồng Quang:Trong bóng tối để nhìn ra ánh sáng

Nếu có người đọc truyện ngắn Xóm chân cầu, in ở Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, bỗng dưng muốn gặp tác giả, tìm đến cái xóm nhỏ nằm ở chân cầu Quay thuộc phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng

Nếu có người đọc truyện ngắn Xóm chân cầu, in ở Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, bỗng dưng muốn gặp tác giả, tìm đến cái xóm nhỏ nằm ở chân cầu Quay thuộc phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, mà hỏi, chắc chắn nhận được câu trả lời: "Xóm tôi chỉ có ông Nguyễn Hồng Quang - công nhân nghỉ hưu, đang chăm vợ ốm! Làm gì có ông Quang nhà văn!"

Nếu cố gạn hỏi, may lắm nhận được câu trả lời chen ngang của một người nào đó: "Hình như ông Quang cũng có viết lách thì phải...”

Và tôi gặp nhà văn Nguyễn Hồng Quang như thế!

Căn nhà ông bình thường. Bên trong, sau cái tủ đứng là cái giường quanh năm buông màn. Vợ ông ngót chục năm nay nằm liệt giường với căn bệnh loãng xương, không còn mỗi tối bên cái mẹt thuốc lá bán sỉ nữa. 1,8 triệu  đồng lương hưu mỗi tháng của ông phải dàn mỏng cho mọi khoản chi tiêu, kể cả thuốc chữa bệnh cho vợ. Vậy mà, sau khi chăm sóc vợ và nấu cơm cho cả nhà (gồm vợ chồng cậu con trai và 2 cháu), ông lại ngồi vào bàn viết, mỗi ngày đều đặn từ 300 đến 400 chữ. Thật là một cố gắng phi thường!

18 tuổi, Nguyễn Hồng Quang rời ghế nhà trường đi làm thợ. Sau đó được chuyển vào làm công nhân nhà máy Xi măng. Cũng từ đây ông viết báo, làm thơ và in ở nhiều báo, như Lao động, Tiền Phong, Cứu quốc, Độc lập. Và rồi năm 1959 vinh dự đã đến với ông: Nguyễn Hồng Quang là người đầu tiên của Hải Phòng được đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc ở Hà Nội. Năm 1964 được giải ba về thơ của báo Lao động. Với những đóng góp cho mảng văn học công nhân, năm 1972, Nguyễn Hồng Quang được kết nạp vào Hội Văn học Hải Phòng. Với 8 đầu sách đã xuất bản: 4 tập truyện ngắn Ngày đầu bỡ ngỡ (in chung), Tia sáng đỏ (in chung với Chu Văn Mười), Người con của biển (in chung với Huy Liệu và Vũ Hoàng Lâm) và Dòng đời chảy xiết (in riêng). Gần đây Nguyễn Hồng Quang chuyên tâm về mảng tiểu thuyết. Bình quân cứ 2 năm ông xuất bản một cuốn và đều do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành như: Sương mù ban ngày (2007), Bụi thời gian (2007), (2009). Hiện nay ông đã hoàn thành bản thảo 2 cuốn tiểu thuyết nữa và sắp đưa đi xuất bản. Nhiều giải thưởng văn học đã đến với ông như: Giải thưởng ngành Môi trường, giải thưởng chống văn hoá độc hại, giáo dục, giải thưởng văn nghệ Hoa phượng đỏ (tiểu thuyết Nơi không yên tĩnh) và Huy chương vì sự nghiệp văn học của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đọc những tác phẩm của Nguyễn Hồng Quang, người đọc thấy hiển hiện trước mắt mình những cảnh đời người công nhân trong các nhà máy, người buôn thúng bán mẹt nơi đầu đường xó chợ, những cô điếm nghiệp dư ế khách lê chân trên hè phố. Những cảnh huống, những con người được Nguyễn Hồng Quang tái hiện trên trang giấy gần gũi, thân quen như ta đã từng thấy, từng biết, xảy ra ngay chính đời mình..Chỉ 8 chữ: "... mũi hàn vẫn dũi đều trên mặt thép" trong truyện ngắn Tia sáng đỏ,  bạn đọc hiểu ngay đây là một nhà văn công nhân, một nguời thợ.Vì chỉ có nhà văn như ông mới gọi ra công việc của mình rõ nét  chính xác và nghệ thuật như thế!

Người lính khoe chiến công của mình bằng những trận đánh và huân huy chương trên ngực. Người công chức khoe thành tích của mình bằng những giấy khen trên tường. 8 đầu sách của ông với không biết bao nhiêu con chữ chỉ một tấm lòng yêu thương con người, để trên từng trang viết, chắp cánh ước mơ về một tương lai tốt hơn cho những mảnh đời con con của họ.

Thế đấy, nhà văn ơi! Ngày xưa, lao động nặng, những công nhân đồng nghiệp với ông tối đến lăn ra ngủ. Còn ông, cứ đút chân vào bao khỏi bị muỗi đốt, khêu to ngọn đèn dầu, một mình một bóng, mài ngòi bút, lên từng trang giấy, để nói về họ, những ngườ thợ.

Lại nữa, chẳng ai trả ông một đồng một cắc nào, chẳng ai phân cho ông nhiệm vụ phát hiện và phát triển đội ngũ viết văn kế cận cho nền văn học Hải Phòng, thế mà ông lại động viên cái gã công nhân tuổi mới ngoài hai mươi ở cùng xóm viết văn. Để rồi vài truyện ngắn của hắn được đăng đàn. Năm 1985, gã công nhân xí nghiệp gỗ 6-1 kiêm thợ mộc Lương Văn Chi ấy được kết nạp vào Hội, nghiễm nhiên trở thành đồng nghiệp, thành bạn văn của ông.

Với tên “bảo vệ viên” một công ty xây dựng mé sông cầu Quay -Nguyễn Văn Điều tối tối rỗi việc, thường cà rà bên mẹt thuốc lá của vợ chồng ông nơi lưng chừng dốc cầu, ông không chỉ đọc những bài thơ, những bài bình thơ khá sắc sảo của Điều trên các báo mà còn động viên hắn viết văn. Những truyện ngắn của hắn được in ở Tạp chí Cửa Biển có công ông chỉnh sửa từ bản thảo. Vài năm sau, Nguyễn Văn Điều cũng xứng đáng được kết nạp vào Hội Nhà văn Hải Phòng. Hú hồn! May mà 2 gã này không đến nỗi ngộ chữ, dở ông dở thằng, tự huyễn hoặc vỗ ngực ta đây, hoặc hâm hâm, dở dở. Cũng như thầy, “chúng” lẳng lặng chấp nhận cái việc mà ông trời bỏ thêm vào cái gánh đời của mình. Gia đình “chúng” vẫn bình an vô sự theo kiểu người lao động. Nói dại, 1 trong 2 gã ấy mà dở dại kiểu nghệ sĩ, sống mây gió, vợ con nheo nhóc bần cùng, thì ông sẽ áy náy biết chừng nào.!

Tôi hỏi ông:

- Nhiều người, chỉ 2 đầu sách đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chú có 8 đầu sách, hàng chục giải thưởng, sao chú không làm như họ?.

- Mình ngại! - Ông trả lời, không biểu lộ cảm xúc nào rõ rệt.

Ông tâm sự: "18 tuổi, từ làng quê Kim Đào, thị trấn Thứa, Bắc Ninh, tôi về Hải Phòng. Cũng từ đây tôi làm báo, viết văn. Tôi biết ơn Hải Phòng, nơi đã nuôi và cho tôi cảm xúc để viết...!". Ông ngừng lời, dõi mắt ra cửa, nói như chiêm nghiệm:

- Tôi luôn núp mình trong bóng tối để nhìn ra ngoài ánh sáng.

Tôi hiểu sâu sắc câu nói đầy ý nghĩa của ông, vội đưa mắt nhìn vào bàn viết ở góc nhà: Một cái bàn gỗ cũ, kiểu bàn nước ngày xưa, một cái đèn bàn, vài quyển sách và vài tờ báo. Đúng, chỗ ngồi ấy hơi tối, nhưng là chỗ ngồi lý tưởng. Nhà văn Nguyễn Hồng Quang ơi, ông có biết không, ánh sáng lấp lánh lại phát ra từ chính nơi ấy, chứ không phải ngoài kia. Bởi nó là thứ ánh sáng diệu kỳ, soi rọi và nhân lên những trái tim nhân hậu của con người../.

                                                                                                                                               Lương Văn Chi

                                                                                                                                    ( Hội Nhà văn Hải Phòng)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.