Trở lại khu vực cầu vượt Sóng Thần, Bình Dương hai tháng sau khi Báo Pháp Luật Việt Nam thực hiện bài điều tra “Giấy thanh toán BHXH bán tràn lan ở tiệm thuốc tây” phản ánh hiện tượng hàng loạt tiệm thuốc tây làm giả giấy nghỉ ốm để bán cho công nhân hưởng chế độ BHXH, chúng tôi thật bất ngờ khi các nhà thuốc tại đây đã nghiêm túc quay trở về bán… thuốc.
Cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2012. |
Căn nhà số 1/9, đường Bình Đường II, Dĩ An, Bình Dương vốn là địa điểm của nhà thuốc Hoàng Long và trước đây vẫn bán loại giấy nghỉ ốm hưởng BHXH giả giờ đây cửa đóng im ỉm một cách bí ẩn. Hỏi những người hàng xóm xung quanh chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu: không biết!. Đi lại nhiều vòng mới gặp một đứa trẻ nhanh nhảu cho biết, mới đây có một đoàn người vào kiểm tra tiệm thuốc này, rồi sau đó thì không thấy họ bán thuốc nữa.
Tiếp tục vòng qua tiệm thuốc Khai Tâm, vẫn ở đường Bình Đường 2, Dĩ An, Bình Dương – tiệm trước đây đã bán giấy nghỉ ốm giả cho phóng viên - không như nhà thuốc Hoàng Long, tiệm này vẫn diễn ra các hoạt động mua bán khá tấp nập. Hỏi chuyện cô gái đã bán giấy nghỉ hưởng BHXH giả cho chúng tôi lần trước, cô này cho biết: “Tiệm em không bán loại giấy này nữa anh ơi, anh muốn nghỉ mà vẫn được bảo hiểm thanh toán tiền thì phải vào bệnh viện khám bệnh thôi”.
Tôi làm bộ khó chịu: “Nếu bị bệnh và vào viện khám thì anh ra tiệm thuốc của em mua làm gì nữa, em bán cho anh một tờ đi…”. Tuy nhiên, cô này vẫn nhất quyết từ chối bán giấy cho tôi, dù mới đây thôi hỏi mua bao nhiêu cũng vẫn có “hàng”. Đến tiệm thuốc Kim Yến trên đường Bình Đường III cô nhân viên trong bộ dạng còn ngái ngủ cho biết: “Giờ không dám bán nữa đâu anh ơi! Cả tháng nay bên Sở Y tế họ xuống “hỏi thăm” liên tục đây”.
Đi qua nhiều nhà thuốc khác quanh khu vực dò hỏi, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu: Không bán giấy này nữa! Có vẻ như đã có điều gì đó “bất thường” diễn ra ở khu vực này, khiến cho toàn bộ các tiệm thuốc tây ở đây bỗng nhiên “lành” đến vậy. Hỏi chuyện một số công nhân sinh sống ở đây được biết, do các nhà thuốc đã bị “đánh động” nên giờ muốn mua giấy cũng khó, “đến như nhà thuốc Hoàng Long mà giờ còn phải đóng cửa nữa là”…
Qua Sở y tế Bình Dương tìm hiểu thì thấy đúng là ngành này đã có những động thái bước đầu. Ông Ngô Tùng Châu, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương khẳng định: “Sở Y tế mới yêu cầu Thanh tra Sở đi xác minh, và xử lý đúng theo chức năng. Tuy nhiên câu chuyện này liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ, con dấu, nên cơ quan Y tế chỉ có thể bàn giao cho Công an địa phương xử lý”.
Theo một số luật sư, trong vụ việc này các đối tượng đã có dấu hiệu phạm vào tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Khách thể của tội phạm là trật tự quản lý hành chính thuộc lĩnh vực quản lý giấy tờ, tài liệu, con dấu… của các cơ quan Nhà nước thuộc ngành BHXH. Ngoài ra nó cũng xâm hại đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Lỗi của các đối tượng là lỗi cố ý. Chủ thể vi phạm là các chủ nhà thuốc. Vì vậy đã có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng theo Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 17/2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 926/VPCP –TH gửi UBND tỉnh Bình Dương, UBND TP.HCM, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cơ quan này phải phối hợp, kiểm tra sự việc mà Báo Pháp luật Việt Nam đã nêu. Qua đó phải có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2012.
Lam Sơn