Học cách viết “Chống thói ba hoa”
Kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), chúng ta, những người làm công tác tuyên truyền cần ôn lại lời dạy của Bác Hồ về cách viết trong tác phẩm của mình. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác Hồ ra đời tháng 10 năm 1947 cách nay đã gần thế kỷ mà vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn là bài học qúy giá cho bao thế hệ sau này và cũng là di sản quý báu trong lĩnh vực văn hóa của Đảng và nhân dân ta. Bác Hồ yêu cầu phải “chống thói ba hoa” trong cách viết và cách nói.
Vì đó là một trong ba chứng bệnh rất nguy hiểm (chủ quan, hẹp hòi, ba hoa) nếu không sửa chữa thì rất có hại vô cùng, ảnh hưởng đến sự nghiệp đấu tranh cách mạng chống giặc ngoại xâm. Vì thế, Bác Hồ đã ân cần dạy bảo đối với những cán bộ lãnh đạo, nhất là những cán bộ làm công tác trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa không viết dài dòng, rỗng tuếch. Nhiều anh chị em hay viết dài trang này qua trang khác, nhưng không có ích cho người đọc, mà chỉ làm tốn giấy, tốn mực, mất công, tốn thời gian cho người đọc. Bác Hồ nói rõ: “Viết dài mà rỗng thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng cũng không hay”.
Tuy nhiên, không nhất thiết cái gì cũng chỉ có viết ngắn mới tốt, theo Bác, viết dài cũng được nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích. Vấn đề cốt lõi là viết ngắn mà có nội dung đầy đủ và súc tích mới là điều khó khăn nhất. Người làm báo tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai đọc? Nói cho ai nghe? Nếu không như vậy, thì có người tưởng: “Mình viết gì, nói gì, mọi người đọc cũng đều hiểu được cả”.
Khi viết xong một bài báo, nhất định phải đọc đi, đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình. Phải luôn dùng những lời lẽ, văn phong giản đơn, thiết thực và dễ hiểu; khi viết, phải luôn làm thế nào để người đọc hiểu được; chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết; trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận; sau khi viết rồi phải xem đi xem lại nhiều lần… Đấy là những điều mà Bác Hồ thường dạy cho những người làm công tác tuyên truyền, nhất là đối với vai trò của người làm báo chí cần phải thấm nhuần.
Cái tâm người làm báo
Đứng trước những yêu cầu mới của thời @ khi thông tin bùng nổ và không ngừng phát triển, báo chí vẫn mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng để thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân, luôn đi tiên phong trong việc phát hiện các nhân tố mới, những gương điển hình tiên tiến góp phần giúp ích thiết thực cho xã hội ngày một phát triển, đồng thời góp phần phanh phui các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và đẩy lùi cái xấu trong đời sống xã hội, đóng góp công sức vào công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó, bạn đọc, dư luận xã hội luôn đặt niềm tin vào ngòi bút tâm huyết của người làm báo chân chính.
Nghề báo được xem là một trong những nghề nguy hiểm, vì vậy ngoài việc tự trang bị cho mình kiến thức về chuyên môn, pháp luật và xã hội, còn phải luôn học hỏi trau dồi đạo đức nghề nghiệp, thì đó là vũ khí để tự bảo vệ chính mình, nhất là cung cấp thông tin đến với độc giả công chúng phải đúng sự thật. Cho dù trên con đường tác nghiệp gặp những trắc trở, khó khăn thì cuối cùng công lý, lẽ phải sẽ thuộc về người làm báo…
Có thể nói, mỗi người làm báo khi hành nghề bao giờ cũng phải đặt lương tâm và trách nhiệm lên trên hết như Bác Hồ đã dạy, nếu người làm báo tự cho mình có cái quyền muốn viết sao thì viết, muốn suy diễn sao cũng được, thì có nghĩa là sẽ tự đánh mất đi cái nghề cao qúy của chính mình mà mọi người thường hay nói là “bẻ cong ngòi bút”, làm xấu đi thương hiệu một tờ báo và danh dự, giá trị của chính bản thân người làm báo