Trong không khí kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, giải quyết và đương đầu với những vấn đề đặt ra đối với người làm báo mọi thời đại nói chung và với người làm báo trong thời đại công nghệ thông tin “lên ngôi”, thời đại của kỷ nguyên số để giữ gìn đạo đức người làm báo càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
“Nhan nhản” giả danh, nhân danh báo chí… làm liều
Thông tin về những vụ nhân danh, giả danh nhà báo để cưỡng đoạt tài sản bị các cơ quan chức năng xử lý làm ảnh hưởng rất tiêu cực đến uy tín của giới báo chí. Như việc tháng 3/2017, Công an TP Hải Phòng bắt ông Phan Văn Thương - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Kinh doanh và Pháp luật cùng 2 nhân viên để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo thông tin từ Công an Hải Phòng, ông Phan Văn Thương “đã tổ chức cho các phóng viên và cộng tác viên nắm, phát hiện các hộ gia đình, các tổ chức xã hội có dấu hiệu vi phạm về quản lý xã hội thì đến dọa đăng báo, nếu không chịu nộp tiền. Nhóm này đã thực hiện trong thời gian dài và thu tiền của nhiều người”.
Tháng 4/2017, Công an TP Đà Nẵng bắt Trần Minh Tuấn (42 tuổi, thường trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vì hành vi đe dọa, tống tiền. Tại thời điểm bị bắt, Tuấn sử dụng giấy giới thiệu phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận, có chữ ký của tổng biên tập nhưng đã hết hạn.
Ngày 25/5/2017, một người phụ nữ tự xưng nhà báo có hành vi đe dọa, chửi bới CSGT tại chốt 141 - Công an TP Hà Nội. Nguyên nhân được cho là chị này yêu cầu chiến sĩ CSGT nghe điện thoại nhằm “giải cứu” người quen bị xử lý vi phạm giao thông nhưng chiến sĩ này không nghe.
Tuy chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng nghìn vụ việc về an ninh trật tự được thông tin trên báo chí nhưng những vụ việc liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến “báo chí” – lĩnh vực vốn được xã hội tôn trọng và cũng nhận không ít chỉ trích, nghi ngờ bởi nhiều “con sâu làm rầu nồi canh” như vậy - luôn trong “top” được dư luận đặc biệt quan tâm, đánh giá ở mức độ nghiêm trọng hơn những vụ việc khác.
Tại Hội thảo “báo chí 30 năm đổi mới – những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN), Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối năm 2016, nhà báo Phan Quang trăn trở: “Quy định đạo đức nghề nghiệp ban hành từ lâu, tại sao chưa đi vào cuộc sống? Chưa bao giờ báo chí phát triển mạnh mẽ như 3 năm vừa qua, nhưng tại sao xu thế suy thoái đạo đức nghề nghiệp ở một bộ phận nhà báo chưa có dấu hiệu ngừng?”.
Chính Chủ tịch HNBVN - ông Thuận Hữu phải thừa nhận, có một thực tế là hiện nay các biểu hiện, hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại, cho thấy “sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, gây ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và cộng đồng, làm mai một hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạo đức báo chí đang trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”.
Câu hỏi về “xu thế suy thoái đạo đức nghề nghiệp ở một bộ phận nhà báo” luôn thường trực bởi “đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” quyết định tính đúng đắn của thông tin, của định hướng xã hội. Không những thế, dân gian vẫn thường nói “báo chí là quyền lực thứ tư” trong xã hội vì báo chí có một “uy thế” đặc biệt trong nhiều mối quan hệ xã hội, có những quyền năng xuất phát từ những đặc thù của nghề nghiệp này.
Nhưng làm báo cũng là một “nghề nguy hiểm” khi phải đối mặt với những nguy cơ bị tấn công, đe dọa, xúc phạm, những áp lực thông tin. Và nghiêm trọng hơn là những nguy hiểm “mềm” đến từ những cuộc thỏa thuận, dàn xếp, mua chuộc bằng các giá trị vật chất, danh vọng, những cuộc chiến tranh tâm lý, tuyên truyền… mà nếu nhà báo không có bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng thì rất dễ dàng bị “đánh gục”, dần bước theo đà “suy thoái đạo đức”.
Đổi mới phải đi cùng đạo đức nghề báo
“Tự đổi mới để theo kịp sự phát triển nhưng phải đi cùng đạo đức nghề báo” – đó là yêu cầu dành cho nghề báo trước những thách thức của thời đại. Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu từng nhận xét, báo chí đã tự đổi mới hoạt động để theo kịp sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng và đã đạt được thành tựu có ý nghĩa quan trọng.
Tuy nhiên, trong điều kiện, tình hình mới, báo chí cũng đã bộc lộ những bất cập, yếu kém và đối mặt nhiều thách thức phải vượt qua. Những vấn đề đó nếu không được khắc phục, ngăn chặn thì sẽ làm giảm mạnh mẽ lòng tin của xã hội đối với nghề báo, sẽ đẩy một bộ phận nhà báo vào những hành vi “suy thoái đạo đức” do vi phạm 10 điều trong Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam…
Vì vậy, nói đến vấn đề đổi mới và đạo đức nghề báo, nhà báo Phan Quang – nguyên Chủ tịch HNBVN nhận thấy, các giá trị văn hóa – đạo đức của báo chí Việt Nam được thể hiện ổn định tại các quy định qua ba lần sửa đổi. Tuy nhiên, “Bản Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí năm 1995 đã nói đến sự liêm khiết của nhà báo. Nhưng ngày nay tình trạng người làm báo “đạo báo” ngày càng nhiều.
Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành nhưng việc cắt dán, bê nguyên xi tác phẩm của người khác vẫn diễn ra ngày càng dễ. Không ít nhà báo nhận lương báo này nhưng làm cho báo khác là chính”- nhà báo Phan Quang phản ánh.
Cũng theo nguyên Chủ tịch HNBVN: “Quy định đạo đức nghề nghiệp ban hành từ lâu, tại sao chưa đi vào cuộc sống? Chưa bao giờ báo chí phát triển mạnh mẽ như 3 năm vừa qua, nhưng tại sao xu thế suy thoái đạo đức nghề nghiệp ở một bộ phận nhà báo chưa có dấu hiệu ngừng? Bản quy định năm 2016 vừa được ban hành đã “bổ khuyết” được sự ràng buộc vốn thiếu của các bản trước vốn từng khiến các bản quy định trước “chưa đi vào cuộc sống”.
Theo đó, người làm báo Việt Nam phải “cam kết” thực hiện toàn văn quy định. Đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. Cùng với việc thực hiện, “quy định sẽ được hoàn chỉnh ngày càng tốt hơn, sát thực tiễn hơn, trở thành nếp tác nghiệp của chúng ta”, nhà báo Phan Quang hy vọng.
Song song với hoạt động của đội ngũ làm báo chí, ông Phạm Văn Linh – Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, một trong những việc cần làm trong năm 2017 để thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Xử nghiêm, kịp thời các sai phạm của cơ quan báo chí và các cá nhân liên quan; nghiên cứu thành lập đường dây nóng với Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ Thông tin và Truyền thông để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng đối với các sự việc đột xuất, nhạy cảm. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.