- Chọn lĩnh vực xây dựng để phát triển sự nghiệp, nếu so với nam giới bà đang đi lệch ngành, bà có nghĩ rằng điều đó với bản thân là quá sức không?
Kinh doanh lúc đầu với tôi cũng là vì cơm áo gạo tiền. Những năm 1990, phụ nữ chủ yếu ở nhà lo việc nội trợ, đàn ông ra ngoài kiếm tiền. Chồng tôi lúc ấy làm việc tại một công ty xây dựng ở Bình Chánh, tôi thì ở nhà lo cho gia đình và các em. Vì cuộc sống khó khăn, tôi đã bật ra suy nghĩ: Sao mình không bắt tay vào kinh doanh gì đó để phụ giúp gia đình?
Nghĩ như vậy, nhưng tôi không biết mình phải làm gì. Nhiều hôm, một mình đạp xe đạp trên đường Lý Thường Kiệt, tôi cứ nghĩ vẩn vơ không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Tình cờ tôi trông thấy một tiệm bán vật liệu xây dựng (VLXD) ven đường nên đã nảy ra ý tưởng kinh doanh mặt hàng này.
Lúc đó tôi không có kinh nghiệm, không có mối quan hệ và môi trường kinh doanh thời điểm đó vô cùng phức tạp. Nhưng tôi tin tưởng với sự thông minh, nhạy bén và chăm chỉ, mình sẽ có thể vượt qua mọi rào cản. Và cuộc đời tôi bắt đầu sang trang mới với nhiều bất ngờ lớn.
Qua thời gian bản thân tôi cuốn vào lĩnh vực này và nó trở thành đứa con tinh thần mà tôi cần nuôi dạy tốt để phát triển và trưởng thành.
-Bao năm gắn bó lĩnh vực xây dựng, một lĩnh vực được xem là khô cứng, nhưng bà vẫn giữ được nét đẹp của người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Bí quyết của bà là gì?
Thời gian đầu mới thành lập và điều hành công ty, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực, không tin tưởng vào khả năng của tôi. Thật sự lúc đó tôi rất buồn. Nhưng tôi lại nghĩ rằng phải làm gì đó để chứng minh được năng lực thật sự của mình, chứ không chỉ ngồi một chỗ mà khóc hay nản lòng. Và qua thời gian, mọi người bắt đầu tin tưởng vào khả năng của tôi, họ ủng hộ tôi và làm theo những gì tôi điều hành.
Nhìn vậy thôi, chứ thật ra tôi là người rất yếu lòng, hay khóc, những lúc khó khăn không tìm ra được hướng đi, tôi lại khóc. Có thời kỳ, vừa bị khủng hoảng về tài chính, vừa bị phân biệt đối xử, tôi thường chui vào một xó để khóc. Tôi không dám chia sẻ với ai kể cả chồng và con mình, tôi sợ họ sẽ lo lắng và cảm thấy tôi không có năng lực để làm tốt công việc đã lựa chọn.
Ảnh: Minh.Way |
-Gần 25 năm lăn lộn trong lĩnh vực xây dựng là một chặng đường khá dài cho sự hình thành và phát triển của một thương hiệu. Chắc chắn Vĩnh Tường đã trải qua những bước ngoặt không nhỏ?
Vĩnh Tường là công ty sản xuất khung trần và vách ngăn đầu tiên tại Việt Nam. Toàn bộ hệ thống quản lý và sản xuất của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2008 được tổ chức SGS (Thụy Sĩ) chứng nhận, với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn ASTM (Hoa Kỳ), BS (Vương Quốc Anh), được bảo hành 10 năm.
Tôi bắt đầu thành lập công ty năm 1995 với chỉ 30 triệu đồng. Nói là công ty thì to tát quá, thật ra đó chỉ là một cửa hàng VLXD nhỏ. Từ buôn bán kiếm lời, chuyển sang sản xuất và làm chủ cả một vùng thị trường, bản thân tôi không thể quên được những bước chuyển đổi của Vĩnh Tường.
Lúc bắt tay vào công việc, phải vượt qua rào cản là một phụ nữ để nam giới không xem thường tôi là thời điểm khắc nghiệt với tôi. Nhưng bằng năng lực và sự cố gắng cuối cùng tôi đã được họ thừa nhận.
Đến khi công ty đi vào hoạt động, tôi lại đứng trước áp lực của doanh thu. Người Việt mình rất thích hàng ngoại, vì vậy khi tôi mang đến hai sản phẩm (một của Vĩnh Tường và một của công ty nước ngoài), họ đã chọn sản phẩm của công ty tôi. Nhưng khi tôi mang sản phẩm đến, biết là hàng Việt Nam, họ đã từ chối.
Lúc đó tôi gần như bỏ cuộc, nhưng sau đó tôi lại quyết tâm phải làm cho khách hàng hiểu được hàng Việt Nam không thua gì hàng ngoại. Khi công ty đã ổn định tôi lại đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.
Đặc biệt, năm 2005, tôi đã phải vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt của thương hiệu trần vách thạch cao của Pháp. Nhưng một lần nữa tôi đã chiến thắng đối thủ của mình. Hiện tại Vĩnh Tường đã có thể sản xuất ra sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, xóa bỏ định kiến hàng Việt Nam không tốt.
-Bà đánh giá thế nào về thị trường VLXD, đặc biệt là thị trường vách trần, thạch cao hiện nay và những năm tới? Hiện, Vĩnh Tường có thị phần như thế nào, thưa bà?
Thị trường VLXD luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu. Nếu như trước đây chỉ có các thương hiệu của Pháp, thì hiện tại có thêm các thương hiệu đến từ Nhật, Trung Quốc với chi phí rất thấp sẽ tạo nên cơn sóng cạnh tranh về giá.
Mặc dù vậy tôi luôn tin tưởng vào những sản phẩm mà Vĩnh Tường hiện có bởi chất lượng sản phẩm và giá thành luôn đánh vào trọng tâm nhu cầu thị trường đang cần. Hiện nay thị phần trong nước của Vĩnh Tường chiếm hơn 70%, nhưng chúng tôi thường xuyên đổi mới hình thức và chất lượng sản phẩm để mang đến cho thị trường những sản phẩm chất lượng nhất.
Từ một xưởng sản xuất nhỏ, năm 2006 Vĩnh Tường đã chính thức phát triển tại KCN Lê Minh Xuân trên diện tích 1.500 m2. Nhưng thị trường ngày càng lớn, nhu cầu khách hàng ngày càng cao, nên Vĩnh Tường đã tiếp tục khai trương tổ hợp nhà máy rộng 5ha tại KCN Hiệp Phước, đánh dấu một bước phát triển mới, tạo bước ngoặt để chuyển từ công ty gia đình thành Công ty Cổ phần.
Nổi bật là nhà máy mới sản xuất tấm calcium silicate được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ hiện đại của thế giới, đáp ứng xu hướng của thị trường xây dựng hiện đại là sản phẩm không độc hại, ưu việt về khả năng chịu nước, chống cháy, cách âm, cách nhiệt…
Ngoài thị trường trong nước, chúng tôi cũng tập trung mở thêm thị trường ở các nước như Malaysia, Singapore, Campuchia, Nhật Bản… Tại mỗi nước chúng tôi xây dựng xưởng sản xuất tại chỗ để cạnh tranh dễ dàng hơn, đồng thời tiết kiệm được chi phí nguồn nhân lực bằng cách tận dụng lao động địa phương tại nước bản xứ.
Ảnh: Minh.Way |
-Có sức mạnh nội tại và tiềm lực ngoại mạnh thì dù nền kinh tế có khó khăn thế nào doanh nghiệp cũng sẽ vượt qua. Ngoài hai yếu tố này, Vĩnh Tường còn có bí quyết gì đặc biệt, thưa bà?
Nói bí quyết thì nghe to tát quá. Bản thân tôi từ khi khởi nghiệp cho đến xây dựng thương hiệu luôn đặt ra mục tiêu cho mình, làm sao để vừa lòng khách hàng nhất. Chỉ cần khách hàng cần, tôi luôn sẵn sàng đến hỗ trợ họ. Đối với nhân viên, tôi dành cho họ sự quan tâm, để họ cảm thấy được sẻ chia và giúp đỡ.
Để có được điều này, công ty tôi có “Cây thân thương” ngay trước cửa, hàng tuần mỗi họ có thể viết những lời cảm ơn và dán trên cây này xem như lời cảm ơn mà nhân viên dành cho nhau, vì lời nói cảm ơn trực tiếp thường rất khó nói.
Nếu sản phẩm của Vĩnh Tường là đứa con thứ nhất thì Công ty Vĩnh Tường là đứa con thứ hai, còn tất cả nhân viên Vĩnh Tường là những đứa con tiếp theo mà tôi cần phải bảo vệ, chăm sóc cho đến lúc chúng trưởng thành, đủ sức bay cao bay xa. Với tôi một người lãnh đạo phải xử lý công việc bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng thì mới kéo được nhân viên đến gần nhau hơn.
-Xin bà chia sẻ thêm về chiến lược và kế hoạch phát triển của Vĩnh Tường trong thời gian tới?
Thực hiện chiến lược “Vừa trồng cây, vừa hái quả”, Vĩnh Tường tiếp tục đầu tư để tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đồng thời đa dạng hóa hoạt động kinh doanh xung quanh năng lực cốt lõi. Trong những năm tới, Vĩnh Tường tiếp tục thực hiện dự án thành lập các công ty về phân phối và thi công, để làm sao không cần thị trường phải lớn, mục tiêu tăng trưởng doanh thu công ty vẫn có cơ sở duy trì.
Chúng tôi luôn nhận định để chiếm được sự tin cậy của khách hàng, trước hết, các sản phẩm phải đạt chất lượng cao và đảm bảo an toàn kĩ thuật. Ngoài ra, chất lượng nhân sự cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của công ty. Chính nguồn lực nhân sự này sẽ thúc đẩy sự phát triển và đi lên của thương hiệu doanh nghiệp.
Ngoài thị trường trong nước, tại thị trường các nước như Campuchia, Singapore, Malaysia, Nhật Bản... chúng tôi sẽ “đánh” trên diện rộng hơn. Ở từng quốc gia chúng tôi sẽ mang đến những sản phẩm chất lượng tốt nhất, an toàn nhất, theo đúng chuẩn quốc tế quy định.
Người lãnh đạo phải xử lý công việc bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng thì mới kéo được nhân viên đến gần nhau hơn…