Với 3.254 câu thơ lục bát viết bằng chữ Nôm, “Truyện Kiều" được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ, được tái bản nhiều lần và trở nên bất tử không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820 - 2020), rất nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc diễn ra trên dải đất hình chữ S.
“Khóc”… Tố Như qua thi họa
Tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 255 năm Ngày sinh (1765 -2020), tưởng niệm 200 năm Ngày mất (1820- 2020) Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới vào cuối tháng 9/2020.
Tại lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật “Nguyễn Du, Trăm năm trong cõi…” do các nghệ sĩ đến từ mọi miền đất nước thể hiện đã khắc họa cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du.
Chương trình nghệ thuật có 8 trường đoạn: Khai từ, Tuổi thơ trong nhung lụa, Trôi giữa dòng đời, Non Hồng tức cảnh, Giao hưởng nhạc vũ - kịch Truyện Kiều, Đối thoại với người trong truyện, Văn tế Nguyễn Du, Ngàn năm hậu thế nhớ Nguyễn Du. Mỗi trường đoạn tái hiện lại một mốc lịch sử từ lúc Nguyễn Du lọt lòng được bồng bế trên đôi tay mẹ đến những biến cố ông phải trải qua trong cuộc đời.
“Ai nhớ Tố Như…” - chuỗi sự kiện văn hóa đặc sắc do MaiHaBooks tổ chức vừa diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt, Chuỗi sự kiện “Ai nhớ Tố Như..” gồm có: Tọa đàm Kiều trong cuộc sống hôm nay”; Trưng bày thư, họa về thơ Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng kỹ nghệ giấy dó truyền thống Việt Nam…
Sự kiện diễn trong không gian trưng bày Bộ Sưu tập Thư và Họa của MaiHaBooks về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Đây là bộ sưu tập công phu với hàng trăm ấn phẩm là các phiên bản “Truyện Kiều” khác nhau qua các thời kỳ (từ năm 1914 đến nay) và các tác phẩm tiêu biểu khác của Nguyễn Du; cùng hơn 40 bức họa Truyện Kiều của các họa sỹ trong và ngoài nước.
Không gian “Kiều trong thời đại Nguyễn Du” tái hiện khung cảnh thư phòng của nhà Nho tài tử thời cuối Lê đầu Nguyễn với bút nghiên, Truyện Kiều bằng chữ Nôm, Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, các ấn phẩm về Nguyễn Du…, thư pháp thơ chữ Hán Nguyễn Du và Truyện Kiều, tranh dân gian họa Kiều.
Đồng thời, trong khuôn khổ sự kiện, MaiHaBooks ra mắt 3 tác phẩm đặc sắc: Kim Vân Kiều (tái bản theo bản in 1951), Lãm Thúy Tập và Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du. Trong đó, Kim Vân Kiều tái bản theo bản in năm 1951 - bản Kiều được xem là mỹ thuật và công phu nhất thế kỷ trước sẽ thỏa mãn các độc giả yêu thích sự thể hiện mỹ thuật về Truyện Kiều; Lãm Thúy Tập ngâm ngợi lời thơ mỹ lệ của Kiều để lẩy lên những ý tình sâu lắng của người, của đời, của cảnh. Và cuối cùng Tập văn họa Kỷ niệm Nguyễn Du lại ngân lên những áng văn tinh tế, hào hoa mà chân thực, trữ tình, chất chứa bao suy ngẫm rất nhân sinh về Truyện Kiều, về cuộc đời, nhân tình thế thái quanh nàng Kiều…
Cuộc triển lãm “Truyện Kiều và các bản dịch” với 73 bản dịch bằng 21 ngôn ngữ khác nhau vừa được tổ chức tại Paris, Cộng hòa Pháp. Đây là kết quả sưu tầm của nhà nghiên cứu văn học phương Đông Nguyễn Thị Sông Hương, Việt kiều Pháp, một người con Hà Tĩnh - quê hương của đại thi hào Nguyễn Du. Chị hiện công tác tại Trường Nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội Paris, Pháp.
Để tiếp tục lan tỏa tình yêu Truyện Kiều cũng như đưa Truyện Kiều đến gần hơn với cộng đồng người Việt tại Pháp và những người Pháp yêu văn học Việt Nam, ngoài sự kiện tổ chức triển lãm “Truyện Kiều và các bản dịch,” nhà nghiên cứu Sông Hương còn thực hiện một bộ tem kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du ở Pháp.
Gần 3.000 tem sử dụng tranh minh họa Truyện Kiều của họa sỹ Claudia Borcher ở Đức và họa sỹ Ngọc Mai ở Việt Nam đã được phát hành đầu tháng 9. Chương trình cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, các nhà Việt Nam học ở Pháp và trên thế giới. Dự kiến, 1.500 tem sẽ được sử dụng trong thư từ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam.
Và nhớ Tố Như qua sân khấu nghệ thuật
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 255 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, giữa tháng 10 năm 2020, Nhà hát Múa rối Việt Nam công diễn vở “Thân phận nàng Kiều”. Vở diễn được coi là hiện tượng sân khấu năm 2019 - 2020, từng đạt nhiều giải thưởng và huy chương vàng, bạc tại Liên hoan quốc tế sân khấu thể nghiệm cuối năm 2019.
Được biết, vở diễn “Thân phận nàng Kiều” được chuyển thể sang sân khấu múa rối mang đầy tính đột phá, sáng tạo và thử nghiệm mới dưới sự chỉ đạo tài tình của đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng.
Những năm gần đây, “Truyện Kiều” được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, mới lạ, mang hơi thở thời… 4.0. Ngoài vở diễn “Thân phận nàng Kiều”, Tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du lần đầu tiên được dựng thành vở ballet, áp dụng công nghệ chiếu hologram do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM dàn dựng.
Trước đó, vở kịch “Chuyện nàng Kiều” đã được Nhà hát Kịch Việt Nam “trình làng” do NSND Anh Tú đạo diễn. Tháng 10/2019, dự án sân khấu thể nghiệm diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ với bốn vở kịch về thân phận nàng Kiều do các đạo diễn: Amélie Niermeyer (Đức), Trần Lực (đoàn kịch xã hội hóa LucTeam), Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ) và Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân, TP HCM) thực hiện. Vở kịch hình thể “Nguyễn Du với Kiều” do NSND Lan Hương đạo diễn được Nhà hát Tuổi Trẻ phục dựng và tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 năm 2019 tại Hà Nội.
Thông qua nghệ thuật sân khấu, mỗi đạo diễn lại “hóa thân” nàng Kiều theo một cách thể hiện khác nhau. Dù vậy, tất cả đều có điểm chung đó là các tác phẩm không những đưa Kiều trở lại như một tác phẩm văn chương của quá khứ, mà làm thế nào để tạo ra cuộc đối thoại cùng con người hôm nay, để tìm ra sự liên quan giữa các câu chuyện tưởng như xưa cũ về những vấn đề xoay quanh tình yêu, đạo hiếu, công lý, tha hóa quyền lực, sự bất công đối với người phụ nữ khiến họ phải rơi vào kiếp nạn khổ đau - “đau đớn thay phận đàn bà”...
Bên cạnh đó, các tác phẩm Kiều trên sân khấu còn là bài ca ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người. Dù rằng cái đẹp ấy rất mong manh. Đặc biệt, các tác phẩm đều muốn khẳng định tính dự báo từ kiệt tác của Nguyễn Du, khi quyền lực và đồng tiền không chân chính lên ngôi thì sẽ làm đảo lộn, kéo đổ cả những giá trị tốt đẹp của xã hội dù hàng trăm năm trước hay hàng trăm năm sau.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã vượt không gian, thời gian, trở thành một thi phẩm quốc tế bởi chính nội dung về số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ, mà suốt gần 3 thế kỷ vẫn luôn mang tính thời sự. Có lẽ thế, với sân khấu Việt Nam, đây thật sự là một “kịch bản” thách thức tài năng của các nghệ sĩ mọi thời đại. Và dù với góc nhìn nào thì “Truyện Kiều” vẫn là một giá trị không gì thay thế.