Dự án cấp bách
Trong bối cảnh hạ tầng đường sắt (ĐS) xuống cấp nghiêm trọng trong nhiều năm qua, việc Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn 7.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS trục Bắc - Nam Hà Nội – TP Hồ Chí Minh là tin vui với ngành ĐS. Dự án này được thực hiện theo danh mục là dự án cấp bách, khẩn cấp.
Dự án cải tạo ĐS này được chia làm 4 dự án thành phần. Trong đó, Ban quản lý dự án (PMU) ĐS (Bộ Giao thông Vận tải – GTVT) làm chủ đầu tư 3 dự án là Dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến ĐS Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (hơn 1.949 tỷ đồng); Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh (hơn 1.398 tỷ đồng) và Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (hơn 1.849 tỷ đồng). PMU 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư 1 dự án là Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang (tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng).
Tháng 5/2020, gói thầu đầu tiên của 4 dự án trên được Bộ GTVT khởi công. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dự án 7.000 tỷ đồng cải tạo ĐS Bắc – Nam là dự án rất đặc biệt vì rất lâu mới có được nguồn vốn lớn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng ĐS có tính chất tập trung. Dự án này là kỳ vọng của cán bộ và người lao động ngành ĐS trong nhiều năm qua để nâng cao chất lượng hạ tầng, phục vụ khai thác tốt hơn cho vận tải, cũng là tiền đề để Nhà nước, Chính phủ quan tâm bố trí vốn cho cải tạo, nâng cấp hạ tầng ĐS trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng theo Thứ trưởng, 2021 là năm quyết định trong việc thi công, hoàn thành, giải ngân số vốn được bố trí cho dự án này nên yêu cầu các PMU phải tập trung quản lý, chỉ đạo các đơn vị tham gia dự án bám sát tiến độ thực hiện, tổ chức giải ngân theo kế hoạch đã cam kết; tăng cường quản lý các chủ thể, quản lý chất lượng thực hiện dự án. Còn các nhà thầu cần huy động nhân lực, thiết bị thi công, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, tiến độ nhiều gói thầu của dự án trên chưa đáp ứng được yêu cầu. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, tính đến nay, mới chỉ có 29/34 gói thầu xây lắp đang được triển khai thực hiện. Trong đó 3 dự án do PMU ĐS quản lý đang triển khai 25 gói thầu; dự án do PMU 85 quản lý triển khai 4 gói thầu.
Nhà thầu thiếu năng lực?
Theo Cục QLXD&CLCTGT, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang gặp nhiều vướng mắc, mới có 3/12 tỉnh hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công (gồm Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Ninh Thuận). Các tỉnh còn lại đang tiến hành công tác kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường GPMB. Dự kiến trong tháng 3/2021, một số địa phương mới bàn giao được một phần nhỏ mặt bằng cho đơn vị thi công.
Trong số các gói thầu thi công, Cục QLXD&CLCTGT cho biết, 8/29 gói thầu của 4 dự án đang chậm so với kế hoạch. Cụ thể, PMU 85 chậm 2 gói thầu và PMU ĐS chậm 6 gói thầu. Theo các đơn vị, nguyên nhân chậm tiến độ là ảnh hưởng dịch Covid-19; bão lũ tại khu vực miền Trung năm 2020; vướng mắc GPMB ở tỉnh Quảng Nam, Phú Yên. Đặc biệt, các chủ đầu tư thừa nhận việc huy động thiết bị của một số nhà thầu còn hạn chế. Như vậy, có những nhà thầu ở dự án này năng lực yếu kém.
Để đảm bảo tiến độ các dự án hoàn thành trong năm 2021, Cục QLXD&CLCTGT yêu cầu PMU ĐS, PMU 85 phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm về GPMB, đặc biệt là phạm vi các ga kéo dài, mở mới, đoạn cải tuyến; yêu cầu nhà thầu lập kế hoạch thi công từng tháng, từng quý. Cục này cũng yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực tập trung thi công theo tiến độ yêu cầu, có kế hoạch bù lại khối lượng đã bị chậm.
Giải ngân thấp?
Theo Bộ GTVT, Bộ này đã bố trí đủ nguồn vốn cho các đại diện chủ đầu tư thực hiện dự án. Đến thời điểm sau Tết Nguyên đán 2021, kết quả giải ngân các dự án này còn khá khiêm tốn. Cụ thể, dự án đoạn Hà Nội - Vinh giải ngân được hơn 350 tỷ đồng/1.021 tỷ đồng (đạt 34% giá trị xây lắp); Dự án đoạn Nha Trang - Sài Gòn giải ngân hơn 517 tỷ đồng/1.442 tỷ đồng (đạt 36% giá trị xây lắp); Dự án cầu yếu đã giải ngân gần 560 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng (đạt 37% giá trị xây lắp)…
Như vậy, trong khoảng 8 tháng kể từ khi bắt đầu khởi công gói thầu đầu tiên, PMU ĐS chỉ giải ngân được hơn 35% khối lượng công việc. Để đảm bảo tiến độ, từ nay đến cuối năm, tức khoảng hơn 8 tháng nữa, đơn vị phải giải ngân được khoảng 65% khối lượng công việc còn lại. Để đạt được mục tiêu trên rõ ràng là thách thức lớn, cần nỗ lực của chủ đầu tư.