Cuộc điện thoại "báo cáo vợ" sau trận đấu lịch sử
Có lẽ chiều 6/2, Tết mới thực sự đến với gia đình huấn luyện viên Mai Đức Chung.
Chiều hôm ấy, trong căn nhà nhỏ trên con phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, bà Phạm Thị Ngọc Uyển (SN 1952) - vợ huấn luyện viên Mai Đức Chung cùng gia đình con trai cả quây quần theo dõi trận đấu giữa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và đội tuyển nữ Đài Bắc Trung Hoa.
Tới mỗi đợt tấn công, ai nấy như muốn nín thở theo từng pha dứt điểm. Và khi các nữ tuyển thủ ghi bàn thắng đầu tiên ở phút thứ 7, rồi kết thúc chung cuộc với tỷ số 2-1, bà Uyển mới thở phào. Khóe mắt bà rưng rưng bởi ngay sau đó ít phút, chuông điện thoại reo vang.
Đầu dây bên kia, giọng ông Chung hồ hởi "báo cáo vợ" đã hoàn thành ước nguyện bấy lâu: "Đưa đội tuyển bóng đã nữ Việt Nam tham dự đấu trường World Cup danh giá". Dẫu biết vợ con ở nhà cũng theo dõi qua ti vi, nhưng ông Chung vẫn muốn trực tiếp thông báo thành quả này cho bà - hậu phương đã luôn lặng lẽ ủng hộ mình.
Sau cuộc điện thoại chung vui cùng chồng trước giờ ông họp báo, bà Uyển liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn của người thân, bạn bè. Vừa thoáng thấy dáng bà ngoài ngõ, hàng xóm đã ùa ra hô vang, chúc mừng. Bà bảo, có lẽ, hôm ấy với gia đình bà "Tết mới thực sự đến".
Những ngày trước đó, bà thấp thỏm, căng thẳng, thương tới thắt ruột khi chồng mất ăn mất ngủ, sụt mất 4 kg vì lo cho sức khỏe của các nữ tuyển thủ do dịch COVID-19. Tới khi đội tuyển giành được chiến thắng, bà Uyển mới thực sự nhẹ lòng.
Tới thăm tư gia của gia đình huấn luyện viên Mai Đức Chung, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ về không gian sống giản dị của hai ông bà. Đa phần những tấm huy chương, kỉ niệm chương, bằng khen hay những bức ảnh lưu niệm của vị huấn luyện viên đều được gửi bên nhà thông gia suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân là bởi không gian ngôi nhà có phần chật hẹp, một phần khác là bởi vị thông gia cũng có đam mê sưu tầm các kỷ vật nên đã được ông Chung chia sẻ.
Mấy tháng cận Tết, ngôi nhà được sửa sang lại cho sáng sủa, tiện nghi hơn. Nhưng vì huấn luyện viên Mai Đức Chung dẫn đội tuyển đi thi đấu nên nhiều vật dụng, bà Uyển vẫn để trong thùng chờ chồng về cùng bài trí, sắp xếp.
Tiểu thư nhà biệt thự yêu anh chàng "quần đùi áo số"
Ngồi giữa ngôi nhà còn đang ngổn ngang đồ đạc, bà Uyển lướt xem tin tức về chồng. Khi được hỏi về cảm xúc sau khi vị huấn luyện viên tài ba làm nên kỳ tích cho bóng đá nước nhà, bất giác những ký ức thuở ban đầu chợt ùa về.
Bà Uyển vốn là một giáo viên tiểu học. Những năm 70, việc dạy học không chỉ được triển khai ở trường học chính mà còn cả ở các điểm lẻ xa trường, ngay tại nhà dân. Ngày ấy, cô giáo Uyển được phân công dạy ở một nhóm lớp gần sân vận động Hàng Đẫy, sát cạnh nhà huấn luyện viên Mai Đức Chung.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung khi ấy ngoài 20 tuổi đã nhanh chóng cảm mến cô giáo yêu nghề, mến trẻ. Nhiều hôm, chàng cầu thủ đứng bên ngoài lớp học, chờ đến khi hết tiết dạy để được chuyện trò cùng cô giáo. Tình yêu của cả hai cứ thế nảy nở tự nhiên qua những lần gặp gỡ.
Biết tin con gái yêu cầu thủ bóng đá, bố mẹ bà Uyển "không ưng chút nào" và tỏ ý phản đối. Hai bậc thân sinh lo nghiệp cầu thủ phức tạp, lại hay đi nhiều nên con gái sẽ vất vả. Thế nhưng tiếp xúc lâu dần, họ ngày một quý mến chàng trai thật thà, chăm chỉ lại sống rất tình cảm, luôn chăm lo cho gia đình. Sau khoảng thời gian 5 năm "thử thách", cả hai an tâm trao con gái cho chàng trai theo nghiệp "quần đùi, áo số" thay vì một công chức mẫn cán hay một công tử nhà giàu như bao gia đình thời đó.
Về phần bà Uyển, vốn là tiểu thư của một gia đình giàu có, nhà nuôi mấy người ở, tư gia rộng gần 400 mét vuông trên con phố Nguyễn Biểu dày đặc biệt thự thời đó, từ nhỏ bà đã có cuộc sống sung sướng, đủ đầy. Tiến tới hôn nhân với ông Chung, bà xác định mình sẽ phải tự lập, cuộc sống sẽ vất vả hơn nhiều. Dẫu vậy, tiểu thư đài các vẫn quyết định nghe theo tiếng gọi của con tim.
Bà Uyển và ông Chung tổ chức đám cưới năm 1977 thì khoảng 1 năm sau đó cả hai đón con trai đầu lòng và đến năm 1981 thì có thêm cậu con trai thứ hai.
Những năm đó, ông Chung tham gia đi huấn luyện, rồi đi thi đấu khắp nơi, nhiều khi vào miền Nam cả một vài tháng trời. Ở nhà một mình, bà Uyển cáng đáng công việc gia đình và lo cho hai con trai nhỏ. Đồng lương giáo viên eo hẹp, thu nhập của chồng từ nghiệp cầu thủ cũng chỉ được mấy chục đồng một tháng, chẳng đáng là bao so với trăm thứ phải lo cho cuộc sống gia đình, bà Uyển lại phải nghĩ cách làm thêm.
Vốn khéo tay nên bà nhận đan len, móc áo để kiếm tiền. Ngoài thời gian một buổi lên lớp, soạn giáo án, lo bài vở, bà Uyển nấu vội một bữa cơm để ba mẹ con ăn hai bữa sáng - tối, thời gian còn lại, bà miệt mài móc áo thuê để có nhiều sản phẩm giao cho chủ hàng.
"Nghề đá bóng ngày xưa có kiếm ra nhiều tiền đâu? Lương cầu thủ của ông Chung hồi đó tính ra được khoảng 60 đồng (tính theo lương học đại học). Đi thi đấu nếu có được bồi dưỡng thì nhiều nhất cũng được 10 đồng. Ông ấy chẳng tiêu gì, biết vợ vất vả, ông ấy cứ gom góp gửi về lo cho con cái", bà Uyển nhớ lại.
"Ông ấy bù đắp cho vợ bằng những việc làm giản dị…"
Sống trong khu tập thể, thấy gia đình nào vợ chồng cũng sớm tối bên nhau, con cái ríu rít bên bố mỗi dịp cuối tuần, còn chồng mình thường xuyên vắng nhà, bà Uyển không ít lần chạnh lòng. Tủi thân, vất vả hơn cả là những lần các con đau ốm.
Tới giờ, bà vẫn không quên quãng thời gian cậu con trai thứ hai khi đó mới chừng 3 - 4 tháng tuổi bị viêm tai, viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Suốt mấy tháng liền, cứ cách một vài ngày, bà Uyển phải nhờ người thân hoặc bạn bè chở hai mẹ con đi viện.
Nhiều hôm ngồi ngoài hành lang chờ bác sĩ rửa mũi, rửa tai cho con, nghe con kêu khóc đến buốt ruột, bà Uyển chỉ ước có chồng bên cạnh để cùng mình vượt qua quãng thời gian mệt mỏi ấy. Nhiều khi thức trắng đêm trông con nóng sốt, đôi mắt bà lại ướt nhòe vì thương con và vì nhớ chồng.
Suốt cả một quãng thời gian dài, bà Uyển cố nén nỗi nghẹn ngào, tự động viên mình cố gắng vì chồng, vì con. "Vì yêu nhau và xác định đi cùng nhau nên phải khắc phục", hậu phương của huấn luyện viên Mai Đức Chung tâm tình.
Những ngày tháng ông Chung xa nhà, bà Uyển còn được bố mẹ đôi bên đỡ đần nên cũng bớt vất vả phần nào. Tuy nhiên, biết ông bà nội ngoại đều có tuổi nên bà luôn cố gắng tự lực nhất có thể.
Biết vợ thiệt thòi, mỗi lần đi xa, ông Chung luôn gửi gắm tình cảm cùng lời động viên chân thành qua những lá thư tay gửi bưu điện hoặc người quen. Mỗi dịp về nhà, ông lại xắn tay vào làm mọi việc, đưa vợ đi chợ, đi làm, nấu cơm, chơi với con, sửa sang nhà cửa, sau này có điều kiện hơn thì ông lại đưa vợ đi du lịch…
"Mỗi lần chồng về, nhìn ông ấy cặm cụi làm mọi việc trong nhà, toàn tâm chăm sóc cho gia đình, tôi cũng đỡ tủi thân hơn. Ông ấy bù đắp cho vợ bằng những việc làm giản dị chứ không có kiểu xả hơi, chơi bời, la cà như nhiều người khác. Lâu dần, tôi cũng quen với việc vợ chồng xa nhau. Tôi biết ông ấy vắng nhà là vì đam mê, vì nền bóng đá nước nhà nên cũng hết lòng thấu hiểu và ủng hộ", bà Uyển tâm sự.
Những lần chồng dẫn đội tuyển đi tập huấn hoặc đi thi đấu xa nhà, bà Uyển lo nhất là sức khỏe của ông. Giải đấu lần này, bà lo hơn cả bởi dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, nhiều cầu thủ trong đội tuyển bị mắc COVID-19.
Nhiều hôm, nghe chồng chia sẻ trong đội chỉ còn 5-6 cầu thủ đủ điều kiện thi đấu, bà Uyển vừa sốt ruột, vừa xót xa.
Phần vì bà lo cho sức khỏe của chồng bởi huấn luyện viên Mai Đức Chung năm nay đã ngoài 70 tuổi, mắc một vài bệnh nền, phần vì bà lo cho các nữ tuyển thủ, cho công sức của cả thầy trò và tập thể có nguy cơ đổ sông đổ bể. Bao nhiêu công tập luyện, rèn giũa, đến ngày thi đấu lại "dính" COVID-19.
Dẫu vậy, bà không nói ra hết nỗi lòng mình mà chỉ nhẹ nhàng an ủi chồng làm sao giữ sức khỏe và đảm bảo đạt được thành tích của đội. May mắn cuối cùng là các nữ tuyển thủ cũng đã giành được chiến thắng quan trọng.
HLV Mai Đức Chung và vợ cùng các cháu trong một chuyến du lịch. (Ảnh: NVCC).
Suốt 45 năm đồng hành cùng người chồng luôn đau đáu với sự nghiệp bóng đá, bà Uyển đã chứng kiến không ít thăng trầm trong sự nghiệp của ông. Vốn tính giản dị, khiêm nhường, chưa khi nào hậu phương của huấn luyện viên Mai Đức Chung xuất hiện trước công chúng dù chồng hết lần này đến lần khác làm nên những thành tích vang dội cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bóng đá nữ. Khi nào bà cũng bảo rằng "mình chẳng có gì để nói"…
Trên bước đường ướt đẫm những giọt mồ hôi của vị lão tướng tài ba, bà Uyển luôn nhắn nhủ ông rằng: Bóng đá thì luôn có trận thắng, trận thua chứ không thể trận nào cũng thắng được. Thắng không kiêu, thua không nản. Đã nhận công việc là phải làm cho thật tốt. Nhiệm vụ của mình cần phải đi là đi thôi chứ không nề hà khó khăn gì. Nếu sức khỏe cho phép thì cứ cống hiến hết mình, những việc khác ở nhà đã có vợ con lo.
Bà Uyển đang đếm từng ngày để chờ chồng về cùng ăn mừng chiến thắng ở chặng cuối của sự nghiệp sau những ngày dài cố gắng không biết mệt mỏi của ông.
Trong bữa liên hoan hôm ấy, có lẽ sẽ không thể thiếu món gà và cá mà huấn luyện viên Mai Đức Chung yêu thích. Ngoài những câu chuyện bên lề giải đấu, có lẽ họ sẽ cùng bàn thêm về việc bài trí cho ngôi nhà đang sửa sang, nơi mà tới đây, hai ông bà sẽ có thêm nhiều thời gian bên nhau.