Hơn 70% ca tử vong tại Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm
Tại Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ VI năm 2017 với chủ đề “Phòng chống các bệnh không lây nhiễm”, do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện mỗi năm các bệnh không lây nhiễm đã gây tử vong khoảng 40 triệu người, tương đương 70% tổng số trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở hầu hết quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong đó, bệnh tim mạch khiến nhiều người tử vong nhất, tiếp đến là ung thư, bệnh đường hô hấp, tiểu đường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hàng năm, (chiếm 70 - 75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Ở Việt Nam không lây nhiễm cũng là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Bốn loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường. Bệnh tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế và tử vong cao. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, khoảng 2 triệu người mắc bệnh tim mạch, phổi mạn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư... chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật. Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Con số gây “sốc” này cho thấy thói quen lười vận động, lối sống thiếu khoa học mặc dù là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm nhưng ngày càng trở nên phổ biến, đòi hỏi những cách suy nghĩ thay đổi mới của mỗi người dân.
Sống khoa học, đẩy lùi bệnh tật
Những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mãn tính. Mặc dù ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam thừa nhận hiện tình trạng gia tăng các bệnh này tại Việt Nam vẫn ở mức báo động. Nguyên nhân của thực trạng này là do người dân chưa có ý thức phòng bệnh, còn khoảng 45% dân số là nam giới hút thuốc lá; 77% dân số uống rượu; số người thừa cân béo phì không ngừng tăng... Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong khi đó, uống quá nhiều rượu bia, ăn quá mặn, ít hoạt động thể lực, ăn ít rau… là những thói quen nguy hại của người Việt. Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi, trong đó có liên quan nhiều đến các yếu tố hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn nhiều chất béo, đồ ăn nhan, ít rau - củ - quả, ăn quá ngọt hoặc quá mặn, lười vận động... Lối sống đô thị hóa trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến thực trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng cholesterol,…
Thực trạng đáng lo ngại này cho thấy, đã tới lúc người Việt Nam cần thay đổi lối sống hiện nay để tránh những hậu quả về lâu dài. Theo các chuyên gia, vấn đề cần thay đổi đầu tiên là lối sống khoa học và tích cực hơn, trong đó, ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng nhất. Thực tế, nhiều bệnh có thể phòng chống được nếu phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Nếu kiểm soát tốt sẽ giảm chi phí điều trị, giảm tải bệnh viện và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. Muốn làm được điều này cần có những thay đổi về cách quản lý bệnh không lây nhiễm, các chính sách thực hiện từ trung ương đến y tế cơ sở.
Trước tình trạng bệnh không lây nhiễm có chiều hướng gia tăng ở nước ta, Bộ Y tế đã đề ra chiến lược đến năm 2025 với mục tiêu chỉ còn 20% số ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm, trong đó phấn đấu giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 30% mức tiêu thụ muối/người, kiểm soát thừa cân béo phì dưới 15%, tăng huyết áp dưới 30%, đái tháo đường dưới 8%... Để có thể đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế cũng đã đưa ra các giải pháp, chính sách kiểm soát yếu tố nguy cơ như xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng… Đồng thời, kiện toàn mạng lưới để cung cấp các dịch vụ giám sát, dự phòng, quản lý, điều trị bệnh KLN từ trung ương đến mạng lưới y tế tuyến xã, thôn, bản…