Không khí tràn ngập mùi hôi thối, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, “nghi can” gây ô nhiễm môi trường đã được người dân chỉ rõ, đơn kêu cứu đã được người dân gửi đi nhiều nơi... Vậy nhưng lạ một điều là đến nay vấn nạn ô nhiễm môi trường tại thôn Ung Chiếm (xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) vẫn đang gây nhức nhối cho người dân địa phương.
Những cột khói này đang được cho là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng |
Người dân kêu khổ
Thôn Ung Chiếm (xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) hiện có trên dưới 700 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu, chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm ruộng, vườn và nuôi trồng thủy sản. Mặc dù thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Bắc nhưng thôn Ung Chiếm lại giáp ranh với phường Phú Hài thuộc TP.Phan Thiết nên cũng gặp nhiều “rắc rối” với các hoạt động của “người hàng xóm” này.
Chuyện là, phường Phú Hài những năm trước đây là nơi quy hoạch tập trung hàng chục cơ sở sản xuất nước mắm, sau đó lại có thêm nhiều nhà máy chế biến bột cá, thức ăn gia súc và phân bón. Chất thải của các đơn vị này theo dòng nước thấm vào đất và chảy xuống hồ chứa.
Bên cạnh đó, các ống khói của các nhà máy chế biến bột cá và phân bón cũng ngày đêm nhả ra những luồng khói hôi hám khiến nhiều lúc thôn Ung Chiếm giống như bị sương mù bao phủ. Đứng trước thực trạng này, người dân thôn Ung Chiếm hàng ngày phải sống trong ô nhiễm môi trường, lúc nào cũng lo lắng, bất an về sức khỏe của mình và gia đình.
Ông Trần Tư Dị (77 tuổi, ngụ tổ 5, thôn Ung Chiếm) phàn nàn: “Sau một ngày lao động, tối đến cả gia đình quây quần bên mâm cơm nhưng không vui vẻ gì vì vừa ăn, vừa phải ngửi mùi hôi thối bốc vào thật khó chịu. Mấy đứa cháu tôi tối ngồi học bài phải đeo khẩu trang, lúc ngủ phải mở quạt cho bớt đi mùi thối... Gần 6 năm nay, chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi thối, nước giếng cũng đã bị ô nhiễm nên không thể dùng cho sinh hoạt nữa”.
Bà Đỗ Thị Sang (55 tuổi, đã sống hơn 30 năm ở tổ 5) thì than thở: “Những năm gần đây, ban ngày cũng như ban đêm, nhà tôi luôn phải đóng cửa vì nếu mở cửa thì mùi thối và khói sẽ bay vào, ám vào mùng mền, chăn gối và áo quần, mùi rất tanh, thật khó chịu. Nhiều lúc chúng tôi tự hỏi: Chẳng lẽ nhà cửa mình như thế này mà phải bỏ đi lánh nạn nơi khác sao?”.
Ông Nguyễn Văn Trâu (76 tuổi, ngụ tổ 9) cho hay: “Vài năm trước đây, báo chí đã phản ảnh tình trạng ô nhiễm này, sau đó có đoàn cán bộ tài nguyên và môi trường đến kiểm tra. Họ đã cho lấp ao chứa nước thải, nâng cao ống khói xả của các nhà máy lên. Tuy nhiên, tình trạng hôi thối vẫn chưa được khắc phục. Thật tội cho bọn trẻ trong thôn, cứ thế này không biết sau này chúng nó có bị bệnh tật gì không nữa”!
Anh Nguyễn Văn Thiệt, nhà có hơn 500 trụ thanh long và 300 gốc mãng cầu đang thu hoạch, phẫn nộ nói: “Ngoài việc hàng ngày phải ngửi mùi hôi thối thì chúng tôi còn phải chịu cái nạn khói muối bay vào nhà. Không những gây ô nhiễm cho con người, khói muối còn làm hư hại cây trồng. Vườn thanh long của tôi lúc trổ bông, trong quá trình thụ phấn, bị khói muối bám vào nên hoa trái chậm phát triển và nứt quả, vỏ trái nổi nấm và khô nên phải bỏ đi rất nhiều...”.
Trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Ung Chiếm chưa được giải quyết, nhiều hộ dân nơi đây đã phải đi nơi khác lánh nạn trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra, các sinh hoạt cộng đồng quan trọng tại địa phương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Nhì (66 tuổi) chua xót nói: “Có lúc hẹn bạn bè, khách khứa từ xa đến nhà tổ chức tiệc tùng nhưng tất cả họ đều phải bỏ về sớm vì không chịu nổi mùi hôi thối. Thậm chí khi nhà có tổ chức đám giỗ cũng rất ngại mời khách đến dự. Thử hỏi hôi thối thế này thì ăn uống và nói chuyện làm sao đây?”.
Chính quyền ở đâu?
Ngoài những lo lắng thường nhật vì ô nhiễm môi trường, hiện nay người dân thôn Ung Chiếm còn đang hoang mang lo lắng vì nghi ngại những năm qua, việc không khí và nguồn nước ô nhiễm đã “đầu độc” và tạo nên nhiều chứng bệnh khó chữa cho người dân nơi đây. “Từ năm 2006 đến nay, trong thôn Ung Chiếm có 10 người chết vì bệnh ung thư, hiện nay còn 4 bệnh nhân ung thư đang phải điều trị. Đa số họ bị ung thư phổi, mắc bệnh và ra đi khi còn rất trẻ” -ông Nguyễn Ngọc Kính, Trưởng thôn Ung Chiếm nói.
Cũng theo ông Kính, những năm gần đây, thôn Ung Chiếm đã liên tục kiến nghị thực trạng ô nhiễm môi trường này lên huyện, lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay những điều tồn tại đều chưa được giải quyết rốt ráo, mặc dù “vừa qua có Đoàn đại biểu HĐND tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh về thôn để tiếp xúc cử tri. Nhiều bà con trong thôn đã phản ảnh gay gắt vụ việc này, các đại biểu ghi nhận những ý kiến của bà con và hứa sẽ có hướng yêu cầu ngành, cơ quan chức năng sớm giải quyết. Một thời gian sau, cán bộ Sở Tài Nguyên và Môi trường đã đến khảo sát và họ cũng đã thốt lên là chịu không nổi bởi mùi hôi thối”.
Mùi hôi thối ô nhiễm nghiêm trọng từ các nhà máy chế biến bột cá, phân bón thải ra đã “tra tấn” người dân thôn Ung Chiếm từ nhiều năm nay. Thiết nghĩ, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận và các doanh nghiệp có liên quan cần sớm khắc phục hệ thống nước thải và hệ thống khói thải một cách có hiệu quả và đồng bộ, đừng để người dân khi không còn niềm tin và không còn sức chịu đựng thì sẽ nảy sinh những phản ứng không thể lường trước.
Ngọc Phúc