Thưa ông, một trong những vấn đề đang được nhiều bạn trẻ quan tâm đó là vấn đề việc làm. Vậy Trung ương Đoàn có định hướng và hỗ trợ gì để giúp đỡ thanh niên khởi nghiệp?
- Việc làm luôn là vấn đề được thanh niên rất quan tâm và cũng là vấn đề quan trọng với thế hệ trẻ. Nhằm giúp các bạn trẻ thuận lợi trong quá trình khởi nghiệp, Đoàn thanh niên đã có phương án hỗ trợ về nhiều mặt như: tháo gỡ những vướng mắc về chính sách; hỗ trợ pháp lý giúp cho các bạn trẻ hiểu được pháp luật và làm sao vận hành được doanh nghiệp hoặc mô hình kinh tế của mình theo đúng pháp luật; hỗ trợ kiến thức để quản lý doanh nghiệp và cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật để thanh niên khởi nghiệp tốt và thành công. Và quan trọng hơn cả là giúp các bạn trẻ tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng nhất.
Theo thống kê vào năm 2015, cả nước có hơn 178.000 sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Trung ương Đoàn cũng rất quan tâm đến tình trạng này và đã kiến nghị với Nhà nước tập trung đầu tư vào phát triển các trung tâm nghiên cứu thị trường nguồn nhân lực; thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo và cập nhật kịp thời về thông tin việc làm. Tôi cho rằng, trong thời gian sinh viên mới ra trường chưa tìm được việc làm, các bạn nên bổ sung kiến thức về ngoại ngữ, bởi ngoại ngữ sẽ là một lợi thế giúp các bạn trẻ có thể nhanh chóng tiếp cận với thị trường việc làm hơn.
Với những sinh viên du học trở về nước, đặc biệt là những sinh viên du học tự túc, không thuộc diện quy hoạch cán bộ nguồn thì vấn đề đãi ngộ sẽ đặt ra như thế nào, thưa ông?
- Các du học sinh nước ngoài đa phần đều là những người có kiến thức và trình độ cao. Do đó, các bạn nên tự tin vào chính mình. Các bạn là những người có năng lực, có bản lĩnh và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh khi về nước. Vừa qua, cũng có rất nhiều bạn du học sinh từ các nước trở về tham gia hoạt động đoàn một cách rất tích cực, hiệu quả, hòa đồng nhanh và hoàn thành công việc rất tốt. Còn về việc quy hoạch cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, cái chính vẫn là dựa vào sự cống hiến, phát triển của các bạn chứ không phụ thuộc vào việc các bạn ở đâu.
Ông Nguyễn Đắc Vinh. |
Thưa ông, hiện đời sống công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang gặp rất nhiều khó khăn, từ việc thuê nhà trọ đến việc chăm lo cho con cái hàng ngày… Trong bối cảnh đó, Trung ương Đoàn đã có định hướng và giải pháp gì để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các công nhân?
Đây cũng là một vấn đề nhức nhối được rất nhiều thanh niên là công nhân quan tâm. Theo tôi, trước hết phải tiếp tục vận động các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng các văn phòng hỗ trợ thanh niên tại các khu công nghiệp; chăm lo cho công nhân về việc làm, sức khỏe, thu nhập; vận động các khu nhà trọ không tăng giá; tìm các giải pháp hỗ trợ ổn định nơi ăn chốn ở, nhà trọ cho thanh niên; xây dựng trường học cho con em công nhân ngay tại khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao...
Trên thực tế đã có nhiều mô hình hay và tôi hy vọng các định hướng đã có trong Đề án sẽ tiếp tục được các cấp đoàn triển khai thời gian tới. Về phía Trung ương Đoàn, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa.
Mấy tháng trở lại đây, tại một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, người dân đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn. Ông có thể cho biết, Đoàn thanh niên sẽ có những hoạt động gì trong Tháng Thanh niên để giúp đỡ bà con nông dân nơi đây khắc phục thiên tai?
- Đây là vấn đề lớn hiện đang được cả hệ thống chính trị quan tâm sâu sắc và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị liên quan đến các giải pháp cấp bách và lâu dài để phòng chống hạn hán và nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Về phía Trung ương Đoàn cũng sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra những giải pháp về xây dựng các công trình thanh niên nhằm ứng phó với việc nhiễm mặn, ngập mặn.
Tại một số địa phương như Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang… đã có các hoạt động cụ thể như vận chuyển nước sạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các giải pháp khác (như xây dựng các công trình thanh niên) để ứng phó xâm nhập mặn. Về lâu dài, chúng ta cần phải trồng rừng ngập mặn, trồng rừng đầu nguồn, trồng rừng chắn sóng; tích cực thực hiện các nghiên cứu để tìm ra phương thức sản xuất mới phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng... Ngoài ra, trong tình hình cấp bách hiện nay, đoàn thanh niên các địa phương cần phải tham gia hỗ trợ người dân như: ngăn cửa sông để chống ngập mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm cách giải quyết nước sinh hoạt cho người dân...
Thưa ông, việc sử dụng Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung đã trở thành một xu hướng tất yếu của giới trẻ hiện nay. Đoàn thanh niên đã khai thác các ứng dụng, tiện ích của mạng xã hội để truyền tải thông tin và định hướng giáo dục cho thanh niên như thế nào?
Hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện giúp mọi người có thể kết nối với nhau một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất và đây chính là một lợi thế nếu như chúng ta biết vận dụng nó. Thông qua đó, Đoàn thanh niên sẽ có thêm nhiều thông tin về thành tích của thanh niên trên cả nước cũng như công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi... Hơn nữa, thông qua mạng xã hội, Đoàn thanh niên cũng có thể biết được tâm tư nguyện vọng cũng như thấu hiểu hơn về cuộc sống của đoàn viên, thanh niên.
Trân trọng cám ơn ông !