Lâu nay người tiêu dùng nếu có kiện các doanh nghiệp thì việc nhận lời xin lỗi cũng hiếm như “lá mùa thu”. Từ 1/7/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thì hành, được trang bị một hành lang pháp lý đồng bộ, liệu người tiêu dùng có còn cam chịu?.
Vi phạm như “cơm bữa”
Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT), Bộ Công Thương thẳng thắn: Trong thời gian vừa qua, quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) bị xâm phạm khá phổ biến, không ít trường hợp xâm phạm nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng NTD, diễn ra ở nhiều địa bàn, với đủ loại hàng hoá, dịch vụ, có thể điểm qua như: nước tương có chất MCPD (chất gây ung thư), sữa nghèo đạm so với nhãn mác, cây xăng đong thiếu; rồi các xâm phạm liên quan đến bảo hành, quảng cáo thổi phồng, khuyến mại lập lờ. “Nói chung, hầu hết các lĩnh vực NTD đều bị xâm hại. Vì thế, Luật này đã được các Đại biểu Quốc hội thông qua với số phiếu cao” - ông Mừng khẳng định.
Bà Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ NTD (Cục QLCT) dẫn ra những trường hợp cụ thể về các mẫu hợp đồng in sẵn với những câu chữ kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, có lợi cho bên soạn thảo hợp đồng, ngược lại đẩy những điểm bất lợi cho NTD, như các điều khoản trong hợp đồng giữa ngân hàng Techcombank và khách hàng là một ví dụ. Bản hợp đồng này có quy định: “Hợp đồng này được điều chỉnh bởi pháp luật Vịêt Nam. Nếu có bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích từ ngữ trong hợp đồng này thì việc giải thích từ ngữ theo ý chí của ngân hàng sẽ được ưu tiên áp dụng”. Hay như hợp đồng mua bán xe giữa Toyota với khách hàng đã “mạnh dạn” ghi rõ: “giá xe có thể thay đổi nếu chính sách thuế thay đổi hoặc tỷ giá thay đổi …” . Bà Nga cho hay, tất cả những nội dung bất bình đẳng kiểu như thế này sẽ bị vô hiệu kể từ ngày 1/7/2011 – ngày Luật bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực.
Nên “xài” triệt để các quyền
Ông Mừng cho hay, để khắc phục tình trạng hàng trao tay là “ráo” trách nhiệm, điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là khâu hậu mãi được quy định rất nghiêm ngặt. Cụ thể, Luật quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng giấy tiếp nhận bảo hành, trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành. Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành hàng hoá, linh kiện, phụ kiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hoá mới thì thời hạn bảo hành linh kiện, phụ kiện hoặc hàng hoá đó được tính từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hoá mới”.
Sau khi Luật Bảo vệ quền lợi NTD được thông qua, Cục QLCT, EU- Vietnam Mutrap III (Dự án hỗ trợ thương mại đa biên do Liên minh Châu Âu tài trợ) đã phối hợp với nhiều địa phương triển khai tuyên truyền để luật đi vào cuộc sống. Bước đầu, một số địa phương đã tích cực thực hiện như: UBND TP. Hà Nội đã triển khai chuỗi hoạt động Ngày NTD 15/3, tổ chức phổ biến luật này tại các quận, huyện, đồng thời đã giao cho Sở Công Thương tổ chức Hội chợ vì NTD; thành lập Trung tâm 04.1081 giải đáp các câu hỏi của NTD. Hay như TP.HCM cũng phối hợp cùng với Báo Sài Gòn Giải phóng thành lập Hội chống hàng giả bảo vệ NTD. Tại các thành phố lớn khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, các Sở Công Thương cũng như Hội Bảo vệ NTD địa phương đều có những hoạt động cụ thể tuyên truyền cho luật này.
Theo ông Mừng, để luật “đi” vào cuộc sống một cách bền vững thì các bên cần sử dụng tối đa quyền của mình. Khi quyền lợi bị xâm phạm, NTD nên sẵn sàng phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiến hành các biện pháp “đòi” quyền lợi hợp pháp. Đồng thời, các cơ quan chức năng Nhà nước cũng phải chủ động, tích cực phát huy quyền của mình trong việc phát hiện, xử lý và thông tin công khai các vụ việc vi phạm.
Mai Hoa