Nói đến GS Tôn Thất Tùng (1912-1982), giới y học trong và ngoài nước đều nghĩ ngay tới ông gắn liền với phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, hay còn gọi là phương pháp “cắt gan khô”, “phương pháp Tôn Thất Tùng”.
Giữa buổi nền y học nước nhà còn lạc hậu, thân phận bác sĩ Việt bị thực dân coi khinh mà làm được biết bao thành công mang tính tiên phong, bác sĩ họ Tôn xứng đáng trở thành “người thầy thuốc mẫu mực của nhân dân”.
Dòng dõi tôn thất
Ngay ở họ tên của vị bác sĩ nổi tiếng, đã cho ta biết ông thuộc dòng dõi tôn thất nhà Nguyễn. Thân thế ông, được bài viết “Gia đình và dòng dõi Giáo sư Tôn Thất Tùng” nhân 100 năm ngày sinh của ông nghiên cứu khá đầy đủ, chi tiết. Theo đó, Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại Thanh Hóa, là nơi mà cha ông là Tôn Thất Niêm đang làm Tổng đốc.
Về dòng tộc, thời vua Gia Long, vua cho gọi con cháu các chúa đời trước là Tông Thất đối với nam, Tông Nữ đối với nữ. Sau bởi kỵ húy vua Thiệu Trị (Miên Tông) nên đổi thành Tôn Thất, Tôn Nữ. Đời vua Minh Mạng có phân chia, cho gọi cháu chúa là Tiền hệ, con cháu vua Gia Long là Chính hệ. Chính hệ chia thành Đế hệ, Phiên hệ.
GS Tôn Thất Tùng, thuộc hệ IX, phòng 10 của Nguyễn Phúc (Phước) tộc (Nguyễn Phúc tộc chia tổ chức dòng họ thành từng hệ, từng phòng. Mỗi hệ có ít hay nhiều phòng tùy vị chúa hay vua sinh nhiều hay ít hoàng tử. Vua, chúa thì mở ra một hệ, ông hoàng hay hoàng tử thì mở ra một phòng).
Hệ IX, phòng 10 của Tôn Thất Tùng được biết đến là dòng Tôn Thất có tiếng ở đất thần kinh, trong 18 vị Tôn Thất đỗ đạt qua thi cử (không tính tập ấm) thì hệ IX có tới 4 vị. Bài viết trên cho biết:
“Qua các bản gia phả của dòng họ và tiếp xúc với những người trong gia tộc, chúng tôi thấy dòng Tôn Thất hệ IX, phòng 10 là dòng họ có khuôn mặt bầu bĩnh, có truyền thống hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao. Đời nào cũng có nhiều người làm quan và là những quan lại liêm chính gắn bó với quê hương Thanh Hóa (5 người làm Tổng đốc là ông cố, ông nội và bác, cha, chú, ruột của Giáo sư), nhiều người làm việc trong ngành y và ngành giáo dục”.
Mẹ GS Tôn Thất Tùng là bà Hồng Thị Mỹ Lệ (1876-1949), vốn người gốc Hoa, là vợ thứ tư trong số 4 người vợ của cụ Tôn Thất Niêm, nhỏ hơn chồng tới 20 tuổi, nhưng được yêu quý đặt lên hàng phu nhân, thường gọi là bà Thượng Thanh (vì cụ Niệm làm Tổng đốc Thanh Hóa). Bà Lệ có với chồng 5 người con dù sinh nở tới 11 lần, Tôn Thất Tùng là trai út của cụ Niệm.
GS Tôn Thất Tùng |
Nỗi lòng người mất nước
Trong hồi ký “Đường vào khoa học của tôi”, GS. Tôn Thất Tùng cho biết khi được 3 tháng tuổi thì cha mất “Cũng năm ấy, mẹ tôi đưa đàn con, cháu về Huế ở và mua một ngôi nhà có vườn rộng trên bờ sông Hương, cách cầu Bạch Hổ độ 200 thước, về phía ngay trên trước mặt cồn Dã Viên”.
Năm lên tuổi 19, Tôn Thất Tùng xa đất Huế ra Hà Nội học từ cuối bậc phổ thông cho đến đại học rồi lập nghiệp ở đây. Dù xuất thân từ gia đình hoàng tộc, nhưng ngay từ rất sớm, chàng trai ấy đã nhìn thấy sự tủi nhục của thân phận người dân mất nước, bị chà đạp mọi quyền tự do.
Bởi vậy, ông mong muốn tìm một nghề để có thể cứu giúp được mọi người, và duyên với nghề y đến từ đó. Ông tâm sự: “Mẹ tôi muốn cho tôi đi học để làm quan, nhưng tôi chán ngấy cảnh tượng những quan lại ở Huế: Một mặt thì sợ Tây hết vía, một mặt thì chà đạp nhân dân lao động của mình; vì thế tôi đã sớm rời nhà để ra Hà Nội vào khoảng năm 1931, theo học trường Bưởi, rồi trường Y, mong rằng mai sau sẽ làm một nghề “tự do” không phụ thuộc vào đám quan lại hay chính quyền thực dân”.
Biết bao cảnh trái tai gai mắt làm mà ông gọi là “nỗi tủi nhục của một sinh viên mất nước” để từ đó, chàng trai trẻ không chịu nhắm mắt, khoanh tay trước số phận dân tộc mà quyết vươn lên. Năm 1938 gây ấn tượng sâu sắc đối với nhà khoa học họ Tôn, để từ đó, ông chọn cách sống riêng cho mình. Ấy là khi các sinh viên trường Đại học Y khoa Hà Nội đang thực hành trên xác chết đã tiêm phoócmôn, báo chí, radio thì ngày nào cũng đưa tin về chiến tranh có thể nổ ra ở châu Âu.
“Một thanh niên mang kính trắng bỗng thốt lên: “Bao giờ chúng ta có thể nghe được trên radio những câu như thế này: “Thông báo của Tổng Tư lệnh quân đội Việt Nam cho biết quân đội Việt Nam đã đánh tan cuộc phản công của quân địch…”. Anh em xung quanh cười ồ lên nói rằng “Khi nào mày vào nằm trong nhà đá rồi”.
Chính câu hỏi ấy gây nên trong chàng trai trẻ sự đau đớn của kẻ mất nước bởi biết bao cảnh tượng diễn ra trước mắt: nào là đi lại đều phải nhường đường cho Tây; từ trẻ con đến người lớn Tây đều láo xược, khinh rẻ dân Việt, chê cười phong tục dân Việt… và “Có khi tôi cáu tiết, nổi khùng lên với chúng thì chúng nói với thế những kẻ thắng, mỉm cười mà nói:
“Anh quên là chúng tôi đã lấy thành Nam Định và Hà Nội mà chỉ cần có hai, ba chục người lính ư”. Từ ấy, Tôn Thất Tùng càng quyết tâm phải học thật giỏi, học để góp phần thay đổi cái nhìn của người Tây với dân Việt. Và ông đã thành công.
GS. Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế (trái) và GS. Hồ Đắc Di tại Việt Bắc năm 1952 |
Học để vươn tới tự do
Khi viết về cha mình qua bài “Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng với gia đình và người thân”, hai con gái của ông là Tôn Nữ Ngọc Trân và Tôn Nữ Hồng Tâm đã biết thêm về quá trình học hành của vị GS hàng đầu về giải phẫu gan ở Việt Nam.
Qua đó, tuổi thơ ông sớm thiệt thòi vì cha mất sớm nhưng cũng bởi thế ngay từ thời niên thiếu, họ Tôn đã có ý chí tự lập rất cao, óc quan sát tinh tế và học rất giỏi. Khi ra Hà Nội học trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An), “ông tích cực tham gia nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, là một hậu vệ giỏi của đội bóng đá học sinh trường Bưởi và là “sói con” năng nổ trong hoạt đọng Hướng đạo sinh của cụ Hoàng Đạo Thúy trong những năm 30 của thế kỷ XX”.
Tốt nghiệp tú tài, Tôn Thất Tùng đăng ký học y khoa “với ý chí học nghề thuốc để chữa bệnh cho nhiều người và để được tự do hơn những ngành nghề khác trong chế độ thực dân. Trong thời gian học y khoa, sinh viên Tôn Thất Tùng nổi tiếng học giỏi và phát huy tốt khả năng quan sát, phân tích và tổng hợp khoa học, được các giáo sư người Pháp rất khen ngợi”
Dạo ấy ở Hà Nội khi Tôn Thất Tùng học năm thứ ba, mới chỉ có duy nhất bác sĩ Hồ Đắc Di là “bác sĩ mổ xẻ là người Việt Nam duy nhất lúc ấy được công nhận chính thức”, làm việc ở bệnh viện Phủ Doãn (nay là BV Việt - Đức) với tư cách bác sĩ thường trú (phân biệt với bác sĩ ngoại trú), còn Tôn Thất Tùng năm 1935 đã tuyển cùng 10 sinh viên khác vào làm ngoại trú tại BV Phủ Doãn với lương 10 đồng/tháng (bác sĩ nội trú được hưởng 30 đồng/tháng, cấp phòng ở).
Đáng ra theo quy định sau 2 năm ngoại trú, sẽ được thi vào nội trú “nhưng chính quyền thực dân Pháp không chịu tổ chức một cuộc thi ấy vì không muốn có những dân bản xứ cạnh tranh kỹ thuật với những người “nước mẹ”.
Khi Giám đốc BV gọi lên hỏi sao không trình luận án bác sĩ, ông nói: “Các ông có nhiệm vụ phải tổ chức cho tôi thi nội trú, nếu không, tôi cứ ở mãi ngoại trú, và mỗi năm, tôi sẽ đến gặp ông để đặt vấn đề lại”.
GS. Tôn Thất Tùng (bên trái) dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm BV Phủ Doãn, tức BV Việt - Đức 1956 |
Chính bởi sự cương quyết ấy, năm 1938 chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trú cho các BV ở Hà Nội, và Tôn Thất Tùng là người duy nhất được nhận. Từ đây, ông làm việc tại khoa Ngoại của trường ĐH Y khoa Hà Nội, và như ông ghi lại: “Bây giờ mới thực sự bắt đầu cuộc đời khoa học của tôi”...