Hơn 5 năm nay, cứ hai tháng một lần chị lại khăn gói ôm con xuống bệnh viện cầm cự sự sống cho con.
Đói nghèo, bệnh tật
Tại hành lang bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chị Niê (người dân tộc Ê Đê) thân hình gầy như que củi ngồi mỏi mệt trên mảnh chiếu cũ tuềnh toàng, tấm lưng tôm tựa sát vào vách tường, chốc chốc lại buông những tiếng thở dài thườn thượt vào thinh không.
Cạnh chỗ ngồi của chị là chiếc giường xếp ọp ẹp dành cho người con gái hơn 5 tuổi tật nguyền nằm, và lỉnh kỉnh nào bình nước, bình sữa, tã giấy, hai hộp cơm còn buộc chặt để ở một góc. Tất cả những vật dụng đó đều do những Mạnh thường quân, các y bác sĩ thương tình gom góp hỗ trợ cho mẹ con chị.
Người mẹ tuy mới 39 tuổi nhưng nhìn chị có lẽ ai cũng nghĩ chị đã ngoài 50. Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng hõm sâu và những nếp nhăn như thi nhau xô lại càng khiến người phụ nữ như già hơn cả chục tuổi.
Chị kể kết duyên cùng một trai bản khi mới 18 tuổi. Ở chốn bản làng thâm sơn cùng cốc, cũng như những đôi vợ chồng trẻ khác, họ ra ở riêng chỉ với hai bàn tay trắng. Căn nhà sàn tạm bợ, lợp mái lá, được anh em xóm giềng mỗi người một tay dựng lên.
Hàng ngày người chồng lên rẫy đốn củi mướn, phát nương hoặc ai thuê gì làm nấy, còn chị Niê theo những phụ nữ trong bản đi làm cỏ, đào hố trồng cà phê thuê. Tuy bữa ăn đều độn sắn, chật vật thiếu thốn trăm bề, nhưng cuộc sống vẫn vui vẻ.
Trong cảnh đứt bữa triền miên, ba con gái lần lượt chào đời khiến gia đình nhỏ đã nghèo lại càng thêm nghèo. Vì quá thương con bữa ăn không có thịt, khi hết mùa vụ người chồng lại chạy khắp nơi kiếm việc làm. Hết ngày này đến tháng khác đều biền biệt, anh chỉ đều đặn gửi tiền về cho gia đình.
Cách đây hơn 10 năm, người chồng không may bị ung thư gan. Dù chị Niê đã phải vay mượn anh em, chòm xóm hết lần này đến lần khác đưa chồng đi chữa bệnh, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau chị đành rớt nước mắt “chịu thua” số phận.
Chồng vắn số, để lại mình chị gồng gánh nuôi hai đứa con còn tuổi ăn tuổi học, đứa út chỉ hơn một tuổi. Không lâu sau hai con của chị phải nghỉ học để ở nhà chăm em cho mẹ lên rẫy.
Ngày nào cũng quần quật với công việc khiến người phụ nữ chỉ còn da bọc xương. Trong một lần đi rẫy chị Niê đột ngột ngã xuống. May mắn được người dân đưa đến bệnh viện huyện thăm khám, chị như bị sét đánh ngang tai khi bác sĩ thông báo bị suy tim.
Tuy thế, vừa xuất viện về nhà, dù những cơn khó thở còn dày đặc nhưng người ta đã thấy chị vác gùi trên lưng, vượt cái nắng như đổ lửa để tiếp tục lên rẫy mưu sinh. Người phụ nữ buồn rầu trải lòng:
“Bác sĩ dặn dò tui phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng, không được làm việc nặng để tránh tăng mức co bóp của tim, nếu không tính mạng sẽ nguy kịch. Nhưng nếu tui không làm thì ba đứa con biết lấy gì ăn?”.
Ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà
Thấy cảnh chị mẹ góa con côi, đầu năm 2011, có anh nông dân Nguyễn Thiện Hưng (40 tuổi) ở làng bên, gia cảnh cũng nghèo không có mùng tơi mà rớt, đem lòng thương. Người làng thương tình tác hợp nên họ sớm “rổ rá cạp lại” về chung một nhà. Thương vợ bệnh tật, sớm chiều anh Hưng một mình gánh vác mọi chuyện lớn nhỏ. Dần dần vợ chồng chị đã trả được gần hết những khoản nợ nần.
Cuối năm 2011, chị Niê sinh thêm người con thứ 4. Lúc đó chị đã gần 35 tuổi. Người mẹ hồi ức: “Khi tui mang thai trong người luôn khó thở, mệt mỏi nên phải đi khám thường xuyên. Bác sĩ cũng đã khuyên tui lớn tuổi lại bị bệnh tim, nếu sinh con rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn em bé.
Nhiều lần họ khuyên tui nên phá bỏ cái thai, nhưng tui không chịu. Con mình chẳng lẽ đứa ghét đứa thương. Nó có tội tình gì... Dù tui có đoản mệnh thì sẽ có chồng tui nuôi con...”
Khoảng hai tháng một lần, người mẹ lại phải ôm con đến bệnh viện giành giật sự sống. |
Người mẹ đã mạo hiểm cả tính mạng chỉ để dành cho con cơ hội được sống, mong cho con chào đời được khỏe mạnh. Thế nhưng ngày con chào đời chị Niê như ngất lịm khi biết con không may phải chịu tật nguyền.
“Cháu sinh ra chỉ được hơn 1kg, hai bàn chân dị tật quặp lại phía sau, hơi thở yếu ớt phải nằm lồng kính điều trị hơn 1 tháng trời, rồi sau đó được chuyển xuống bệnh viện Nhi đồng 1. Bác sĩ nói con tui sinh chậm bị ngộp thở nên mắc phải chứng bại não, sức khỏe yếu còn bị thêm viêm phổi, động kinh”.
Từ ngày lọt lòng mẹ, bé Hà Niê (5 tuổi) đã phải “trường kỳ” điều trị ở bệnh viện. Người mẹ kể: “Hết thuốc là bé khó thở, lên cơn co giật nên phải thường trực có người ở bên cạnh chăm sóc”.
Suốt 5 năm nay, cứ 2 tháng một lần vợ chồng chị Niê buộc phải gác lại tất cả công việc mưu sinh để khăn gói ôm con xuống TP HCM, mỗi lần nhập viện kéo dài từ 1 đến 2 tháng, khi bệnh tình có phần thuyên giảm mới được về nhà cầm cự bằng thuốc.
“Cầm cự được ngày nào hay ngày đó”
Trên chiếc giường xếp cũ kỹ, con gái của chị Niê dù đã 5 tuổi nhưng gầy xác xơ, nhỏ thó nằm co ro, liên tục trở mình vì những cơn đau. Người mẹ đưa ánh mắt nhìn con vẻ xót xa: “Cháu không thể nói được, chỉ biết ê a vài tiếng, cũng không thể ý thức được xung quanh.
Hai chân bị tật co quắp nên cháu cũng không đứng được, suốt ngày chỉ nằm một chỗ. Bác sĩ nói cháu chỉ sống được một vài năm nữa, giờ “còn nước còn tát”, cầm cự được ngày nào hay ngày đó”
Kể về hoàn cảnh của mình, người mẹ đưa bàn tay khẳng khiu quệt nước mắt: “Đã nhiều lần vợ chồng tui đi vay tiền. Vay riết nhưng vẫn chưa trả được nên họ không cho mượn nửa. Nhà có 6 sào rẫy nhà nước cấp để làm kinh tế mới, vợ chồng tui cũng cắn răng bán đi để có tiền lo cho con.
Nhà cửa cũng đã cầm cố cho người ta hết. Gần đây đứa con thứ hai của tui cũng bị chẩn đoán bị bệnh gan như người cha đã mất... Nhưng tui không thể đưa con đến viện vì không có tiền, giờ phải tập trung lo cho em nó trước”.
Cuối giờ chiều, anh Hưng đi xin cơm vẫn chưa trở về, một mình chị Niê trải chiếu ngồi trông con ở hành lang, bởi cứ ở trong phòng bệnh, là bé lại quấy khóc. Mưa ngày càng nặng hắt vào manh chiếu cũ, người mẹ ôm con vào lòng, giọng như nghẹn ứ ở cổ:
“Có hôm không xin được cơm từ thiện, anh ấy đi nhặt ve chai bán để mua nước lọc, mua cơm cho mẹ con tui. Mưa to vậy không biết có chỗ nào tránh nhờ được không...”.
Đôi mắt người phụ nữ ngập nước: “Hôm trước có người phụ nữ hỏi xin con tui về nuôi, tui giận quá đã đuổi người đó đi. Vợ chồng tui dù nghèo, nhưng còn sống được một ngày cũng sẽ cố gắng nuôi con đến ngày cuối cùng, không bao giờ bỏ mặc con”