Đó là PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và TS. BS Phạm Thị Ngọc Thảo – Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM.
Làm khoa học sẽ khó giàu vật chất nhưng rất giàu niềm vui
Cách đây 15 năm trước tại một buổi hội thảo quốc tế, một người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn đã đứng dậy phản bác lại quan điểm rằng không thể dùng vi sinh vật xử lý triệt để thuốc diệt cỏ/dioxin đang tồn tại trong môi trường ở Việt Nam. Người phụ nữ ấy rắn rỏi và kiên quyết nói: “Các bạn hãy chờ 10 năm nữa, các nhà khoa học Việt Nam sẽ làm được!”.
Người phụ nữ ấy là PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà.
Hơn 20 năm say mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp, công bố hơn 160 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước.
Đơn cử như công trình nghiên cứu về công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau bằng công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation) là một trong số những công trình lớn mà PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cùng với các học trò và đồng nghiệp đầu tư nhiều công sức.
Đặc biệt, công trình được tạo ra từ năm 1998 cho đến nay vẫn hoạt động tốt tại 5 kho dầu lớn nhất của khu vực miền Bắc thuộc Công ty Xăng dầu B12. Do công nghệ được thực hiện có hiệu quả nên sau 17 năm hoạt động liên tục, quy trình công nghệ và các chế phẩm vẫn được duy trì.
Chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại các điểm nóng Đà Nẵng và Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học đã được thực hiện trong 10 năm. Kết quả đã được đánh giá ở các cấp khác nhau trong nước và quốc tế.
Hiện nay, chưa có một công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường qui mô lớn như ở Việt Nam…
Là phụ nữ làm khoa học, hơn ai hết PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà hiểu những thử thách, cản trở mà nhà khoa học nữ phải đương đầu. Dù rằng trong nghiên cứu khoa học thì nam giới và phụ nữ bình đẳng như nhau nhưng nhà nữ khoa học vẫn luôn gánh trên vai trách nhiệm gia đình, con cái nên con đường khoa học không thể theo lối hành chính mà luôn phải tìm tòi nghiên cứu cái mới, cái khác biệt.
Sinh năm 1952, đã ở tuổi hưu nhưng PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà vẫn cần mẫn lao động cống hiến cho khoa học, sẵn sàng bỏ tiền túi ra để đầu tư nghiên cứu những công trình có lợi cho cộng đồng.
Từ năm 2012 -2015, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã được cấp 9 bằng sáng chế và 2 bằng giải pháp hữu ích thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học môi trường, nguồn gene di truyền từ thiên nhiên Việt Nam để tạo sản phẩm có khả năng thương mại, các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng.
Hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp, tư vấn của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà thường chia sẻ với các nhà khoa học nữ rằng, làm khoa học sẽ khó giàu vật chất nhưng rất giàu niềm vui khi mỗi công trình khoa học của mình được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, có ích cho cộng đồng.
Bất cứ khi nào bệnh nhân cần, chúng tôi có mặt
Quyết định phải trở thành bác sĩ cứu người đến với cô nữ sinh Phạm Thị Ngọc Thảo ở vùng quê nghèo Trà Vinh khi cô chứng kiến người bà của mình vật vã với những cơn đau của căn bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối.
Phạm Thị Ngọc Thảo mở đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình bằng tấm giấy báo đỗ vào Trường Đại học Y Dược TP HCM. Tốt nghiệp đại học năm 1992, một năm sau đó chị Phạm Thị Ngọc Thảo chuyển sang Khoa Chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy và gắn bó với nơi đây cho đến hôm nay.
Chợ Rẫy là bệnh viện đầu ngành, số lượng bệnh nhân đông, tận mắt chứng kiến những bệnh nhân của mình trước lằn ranh sinh - tử, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo luôn trăn trở với quá trình điều trị để từ đó chị bắt tay vào các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thiết thực, đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân, được áp dụng trong cả lâm sàng và đào tạo.
TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài tiêu chuẩn các cấp, tiêu biểu là các đề tài “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh tại các khoa Hồi sức cấp cứu”, “Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tạng chết não”, “Ứng dụng lọc máu hiện điều trị bệnh lý cấp cứu” và “Ghép thận trên người hiến tạng tim ngừng đập”.
Chị đã có hơn 40 bài báo nghiên cứu khoa học được đăng trên Tạp chí Y học TP HCM, Y học thực hành, Y học Việt Nam.
Trong quá trình công tác, TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo luôn ứng dụng khoa học vào thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh, tích cực tham gia đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tổng thể bệnh viện, nâng cao quản lý chất lượng hoạt động khám chữa bệnh, bước đầu xây dựng mạng hoàn chỉnh khối ngoại trú: bệnh án ngoại trú, đơn thuốc, xét nghiệm, dược và tài chính; áp dụng kỹ thuật mới trong hồi sức: thông khí nhân tạo, lọc máu,…
TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo hiện là Phó Giám đốc phụ trách hệ hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, vừa đảm trách công việc điều trị tại Khoa Chăm sóc đặc biệt, kiêm Trưởng Bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc Đại học Y Dược TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP HCM.
Lịch làm việc của chị luôn đặc kín mọi ngày trong tuần, vậy nhưng chị vẫn không quản ngại lao đến bệnh viện khi có những ca cấp cứu đột xuất ban đêm. “Không riêng tôi mà các bác sĩ khác trong khoa, khái niệm ngày – đêm bị xóa bỏ. Bất cứ khi nào bệnh nhân cần, chúng tôi sẽ có mặt”, TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo chia sẻ về nghề nghiệp của mình.
Với những cống hiến của mình, TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc Ưu tú; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Hai, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ Thi đua của Chính phủ./.