Người phụ nữ đầu tiên mà anh nhắc đến đó chính là mẹ, điểm tựa tinh thần lớn lao đối với anh. Suốt những năm tháng tuổi thơ đầy khó nhọc, anh đã phải chứng kiến mẹ đi làm từ tờ mờ sáng đến chiều muộn, bà vẫn cố tăng ca để kiếm thêm chút ít. Trong mắt Trọng Tấn mẹ là người phụ nữ chân chất, tần tảo, bà có thể làm tất cả mọi việc để nuôi các con ăn học thành người. Hồi anh còn nhỏ, bà đi làm công nhân đóng gạch xây lắp. Mỗi người có ít nhất một ngày nghỉ trong tuần, nhưng với mẹ anh thì không, bởi ngày chủ nhật bà tranh thủ ai mướn đâu thì làm đấy để kiếm thêm thu nhập.
Mỗi khi về nhà, người mẹ luôn dính đầy bụi bặm, đôi bàn tay không hôm nào là không trầy xước, bà phải quấn tạm bằng mảnh vải thô cắt từ hai ống tay trên bộ đồ bảo hộ công nhân cũ kĩ. Nhìn mẹ, anh xót xa nhưng dường như bà luôn biết cách giấu kín nỗi vất vả, lo toan để an ủi cậu con trai bé bỏng thoát khỏi cái nhìn quẩn quanh nghèo đói. Bà vẫn tươi cười lạc quan và hài hước khi nói về bộ bảo hộ bị cắt ống tay: “Thế là từ giờ không phải xắn tay áo nữa, mùa hè này mát lắm đây!”
Cuộc sống mẹ con tuy không phải lúc nào cũng quấn quýt có nhau bởi mẹ đi làm còn Trọng Tấn ở nhà phụ chăm em, nấu cơm, đi học. Hiểu và thương mẹ, từ nhỏ anh đã sống rất tự giác, anh nói ít làm nhiều vì thế mà so với chúng bạn ngày ấy trông anh già dặn hơn hẳn. Bữa cơm tối là khoảng thời gian trong ngày mẹ con anh gần gũi nhau nhất. Dù bụng đói meo, nhưng anh vẫn cố nán lại chờ mẹ cùng ăn cho vui. Còn cậu em lém lỉnh thì chỉ trực lúc nào anh không để ý, vội vàng nhón vụng một miếng để chống đói. Anh xúc động nhớ lại: “Thời gian nghèo khó tuy đã qua, nhưng không có những tháng ngày ấy, tôi khó có quyết tâm và nghị lực như hôm nay”.
Hồi ấy bát cơm của mẹ bao giờ cũng vơi nhất. Anh tâm sự: “Mẹ ăn một bát từ đầu bữa đến cuối bữa, còn anh em anh ăn hai bát vẫn cảm giác thòm thèm chưa no”. Mà bữa cơm ngày đó có mớ rau luộc chấm mắm, cà muối dưa chua là “sang” nhất rồi. Hôm nào nhà có mấy lạng thịt vừa nạc vừa mỡ kho mặn, chia làm mấy bữa thì anh em anh thích lắm!
Có lần anh gắp thịt vào bát mẹ, bà lại gắp cho vào bát anh rồi bảo: “Mẹ không thích ăn thịt, các con ăn đi rồi còn học”. Rồi bà vừa ăn vừa nghe các con chuyện trò đến trường vui lắm. Kể lại những câu chuyện ngày xưa về mẹ, đôi mắt anh ngân ngấn nước. Giọng nghẹn ngào anh chia sẻ: “Bà chưa bao giờ ốm đau hay than phiền mệt mỏi. Ngay cả khi phải nghỉ hưu sớm vì mất sức, mẹ tôi cũng không chịu ở nhà mà xoay sở trồng thêm rau, đong thóc, xát gạo đem ra chợ bán”.
Tưởng mẹ ngồi bán hàng sẽ nhàn hơn nhưng không phải như vậy. Bởi người kì kèo bớt một thêm hai, kẻ xua đuổi không cho yên ổn ngồi bán. Chiều đến anh lại tranh thủ ra chợ giúp mẹ dọn hàng. “Hôm nào nhẹ gánh rau thì mẹ cười con cười, nhưng hôm nào quang gánh mang về vẫn nặng trĩu nhìn mẹ buồn buồn nhưng vẫn gặng hỏi chuyện anh rôm rả suốt cả dọc đường”, anh hiểu mẹ đang lo nghĩ điều gì.
Bây giờ cuộc sống đã khá hơn, đã có thể tự mua nhà đẹp, mua xe đẹp, một mình lo cho gia đình no ấm nhưng anh vẫn nhớ như in hình ảnh trước khi đi ngủ ngồi bên mẹ vuốt từng tờ tiền lẻ cho phẳng phiu rồi xếp loại, cột chúng với nhau để khỏi nhầm lẫn. Cách đây gần chục năm anh đã đón mẹ về sống cùng vợ chồng anh, mong muốn từ nay mẹ có thể hưởng thụ cuộc sống sung túc, vui vầy bên con cháu. Nhưng dù vậy bà vẫn luôn chân luôn tay suốt ngày. Anh cười tặc lưỡi: “Tính bà thế, cứ phải làm gì giúp con giúp cháu bà mới vui”.
Tuy tuổi đã cao nhưng nói về sức chăm cháu thì không yếu chút nào. Trước đây, hai đứa nhóc nhà anh còn bé, bà dành thời gian chăm chút giúp vợ chồng anh rất nhiều. Giờ chúng cũng lớn rồi thì đến lượt em trai Trọng Tấn lập gia đình và có con nhỏ. Bà lại xoay vòng hết ở nhà đứa anh rồi ở nhà đứa em như vậy. Chẳng bao giờ thấy mẹ anh ngơi nghỉ, nhưng bà lại cho đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc tuổi già. Chẳng thế mà các cháu quấn quýt, yêu thương bà đáo để. Mỗi lần nghe tin bà đến, “cô cả” và “cậu út” nhà anh Tấn lại đứng ngóng bà từ xa rồi ôm hôn bà rối rít khi gặp mặt.
Hiện giờ ngôi nhà ở Thanh Hóa anh đã cho xây dựng và thiết kế sân vườn khang trang, tạo không gian thiên nhiên thoáng đãng để mỗi tháng anh lại đưa mẹ, vợ và các con trở về thư giãn nghỉ ngơi. Những lúc như vậy anh lại dạy các con chơi những trò “thịnh hành” hồi đó, chúng có vẻ rất hào hứng. Nhiều lúc ngồi bên các con, anh thường ôn lại những câu chuyện xưa cũ rằng bà nội của chúng đã vất vả ra sao, tuổi thơ của anh đã trải qua như thế nào...
Anh bảo: “Tôi kể cho các con nghe mà tôi có cảm giác chúng đang nghe tôi kể chuyện cổ tích. Các con không thể tưởng tượng nổi bà và bố của chúng đã từng sống một cuộc sống như vậy”. Nhưng anh cũng không hi vọng con mình sẽ hiểu ngay mà anh muốn chúng “ngấm” một cách từ từ, dần dần các con sẽ có thể quý trọng, yêu thương và biết ơn từ trong chính nếp nhà của mình.
Vì thương mẹ mà anh quyết tâm học thật giỏi để thoát khỏi cái nghèo. Nhưng cũng chỉ vì nghèo mà anh từ bỏ những ước mơ trở thành kiến trúc sư hay một nhà kinh tế. Anh đăng kí thi trung cấp thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội chỉ để không phải lo tiền học, cuối cùng đó lại là một quyết định sáng suốt nhất. Tuy mẹ anh không hiểu gì về nghệ thuật nhưng bà luôn động viên tinh thần và giúp đỡ anh để anh yên tâm mỗi lần đi diễn.
Đọc nhiều trang báo viết về cuộc sống, sự nghiệp của anh, giờ lại được gặp anh, cảm nhận của tôi về anh là một người nghệ sĩ giàu tình cảm, giàu nghị lực cùng lối sống giản dị chân thành, tôi không mấy ngạc nhiên khi người phụ nữ đầu tiên anh nhắc đến lại là mẹ. Nhưng tôi ngạc nhiên với những kí ức gian khổ vẫn còn vẹn nguyên sau bao nhiêu năm tháng.
Không như nhiều ca sĩ diễn viên khác, họ che đậy quá khứ, mang tâm lý sợ sệt báo chí bới móc. Nhưng với anh, dù đã từng là Trọng Tấn không một xu dính túi, đã từng ngồi mép chợ bán hàng cùng mẹ, đã từng chạy chợ chiều mỗi lần bị xua đuổi. Hay thậm chí người sinh ra anh bằng cấp chỉ tới độ xóa mù chữ... anh vẫn thẳng thắn chia sẻ. Với Trọng Tấn, sống không chỉ biết hướng về ngày mai mà đôi khi còn phải biết quay người nhìn lại để nhắc mình trân trọng hơn những gì đang có.