Ôm hận vì lấy phải chồng nghiện ngập
Sau đám cưới, chị Mai Thị Hồng (SN 1984, ngụ ấp An Ninh, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) mới tá hỏa phát hiện ra chồng mình bị nghiện ma túy.
Biết phận “thuyền theo lái, gái theo chồng”, lại ở trong tình cảnh “gạo đã nấu thành cơm”, chẳng còn cách nào khác, chị Hồng đành nuốt nước mắt vào trong, dùng lời ngon ngọt khuyên nhủ chồng đi cai nghiện. Tuy nhiên, người chồng hứa sẽ “bỏ” chứ không chịu đến trung tâm cai nghiện như lời vợ khuyên.
Sau 3 năm chung sống, có với nhau 2 mặt con, sau hàng trăm lần “hứa” rồi lại “quên”, người chồng vẫn chứng nào tật nấy, vẫn sa chân vào những cuộc vui thâu đêm cùng “cái chết trắng”.
Gia đình chồng chị có một tiệm cơ khí, chuyên gia công cửa sắt, làm ăn khá phát đạt, đời sống vật chất tương đối ổn định. Tuy nhiên, anh không lo phụ cha mẹ mà suốt ngày tụ tập ăn chơi, hút chích. Cứ vài ba tháng là lại có một người “lạ huơ lạ hoắc” tìm tới đòi nợ.
Đến đầu năm 2014, nhiều lần phải chứng kiến cảnh chồng chích thuốc ngay trước mặt mình, nhiều lần phải nghe những lời mắng nhiếc vô duyên vô cớ từ người chồng đang trong cơn “phê thuốc”, mọi hi vọng về một cuộc sống bình yên trong chị Hồng đổ vỡ. Khi sức chịu đựng đã vượt quá giới hạn, chị quyết định viết đơn ly hôn, đưa cho chồng ký rồi bế con về nhà mẹ đẻ.
Chị nghẹn ngào: “Ban đầu thấy kinh tế gia đình chồng khá giả, ai cũng nghĩ tôi sẽ được hạnh phúc. Nào ngờ, cưới xong tôi mới “ăn quả đắng”. Tôi cứ tưởng nếu yêu vợ thật lòng, chồng tôi sẽ cai được. Vậy mà anh ấy chỉ hứa chứ không thực hiện. Đến tháng 12/2013, tôi sinh cháu thứ 2. Khi con chưa đầy một tháng tuổi, vợ chồng tôi xảy ra quá nhiều xích mích, chồng lại công khai chích thuốc trước mặt. Không chịu được cảnh ấy, tôi gói ghém áo quần, định đưa cả hai con về nhà mẹ ruột. Tuy nhiên, gia đình chồng chỉ cho tôi bế cháu thứ 2 đi, còn cháu đầu ở lại cùng cha”.
Lên công an xin trích lục làm chứng cứ
Sau khi chính quyền địa phương tổ chức hòa giải nhưng không thành, đến ngày 10/6/2014, hai người lục đục dắt nhau ra TAND thị xã Gò Công để chính thức chấm dứt quan hệ vợ chồng. Do kinh tế của hai phía gia đình đều thuộc diện khá giả nên giữa anh chị không xảy ra tranh chấp về tài sản. Tuy nhiên, không đành lòng để con sống chung với người cha nghiện ngập, bê tha nên chị Hồng yêu cầu được tòa chấp nhận cho nuôi cả hai con, không cần chồng phải cấp dưỡng.
Mẹ chị Hồng và cháu ngoại |
Không đồng ý với yêu cầu của vợ, anh yêu cầu tòa cho mỗi người nuôi một con. Theo đó, chị Hồng sẽ nuôi con trai út SN 2013, người chồng nuôi con gái đầu SN 2012. Đồng thời, anh hứa mỗi tháng sẽ chu cấp cho vợ và con trai út 1,5 triệu đồng cho đến khi con trai đủ 18 tuổi.
Sau khi nghiên cứu, phân tích về tình hình kinh tế của hai người, TAND thị xã Gò Công đưa ra nhận xét: “Về điều kiện hiện tại của chị Hồng, thu nhập thực tế chưa có, nguồn chi phí sinh hoạt có phần trợ giúp của người thân. Người chồng có thu nhập ổn định với công việc mua bán cửa sắt cùng gia đình”. Do đó, khi kết thúc phiên tòa, TAND thị xã Gò Công đưa ra quyết định: Giao con gái đầu cho anh nuôi, con trai út cho chị Hồng nuôi.
Thương con còn nhỏ, cha lại nghiện ngập, ông bà nội thì suốt ngày bận bịu công việc nên chị Hồng đã kháng cáo một phần bản án sơ thẩm số 109/2014/ HNGĐ-ST ngày 10/6/2014 của TAND thị xã Gò Công, xin được nuôi cả hai con. Để chứng minh việc chồng mình bị nghiện là có thật, ngày 20/8/2014, chị Hồng đã lặn lội lên tận Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Tiền Giang) để xin trích lục hồ sơ về việc chồng mình bị bắt quả tang về việc sử dụng ma túy.
Theo hồ sơ mà công an tỉnh Tiền Giang cung cấp, chồng chị bắt đầu sử dụng trái phép chất ma túy từ năm 2009, hình thức sử dụng: chích trực tiếp vào máu. Tháng 4/2012, anh bị lực lượng công an thị xã Gò Công phát hiện và lập hồ sơ quản lý, từ đó đến 20/8/2014 (thời điểm trích lục hồ sơ) chưa được cai nghiện.
Hai lần thua cuộc vẫn quyết tâm kiện
Đến ngày 25/8/2014, TAND tỉnh Tiền Giang tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án “ly hôn, tranh chấp nuôi con” của anh chị. Sau khi xem xét, nghiên cứu, thẩm tra các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ và căn cứ vào kết quả tranh luận tại tòa, TAND tỉnh đã không chấp nhận kháng cáo của chị Hồng và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngày TAND tỉnh đưa ra quyết định, cũng là ngày niềm hy vọng được nuôi cả hai con của người mẹ trẻ vụt tắt. Chị chia sẻ: “Lúc xử ly hôn, cả hai con của tôi đều dưới 36 tháng tuổi. Khi rời khỏi nhà chồng, tôi xin dẫn theo cả hai con nhưng gia đình chồng không đồng ý, họ kêu tôi phải để cháu gái lại. Bởi vậy, cả hai phiên tòa đều nhận xét rằng, anh là người trực tiếp nuôi dưỡng con gái trong điều kiện tốt từ khi vợ chồng tôi ly thân.
Tuy nhiên, tòa đã không xét tới việc chồng tôi nghiện ma túy. Kinh tế gia đình chồng tôi tương đối ổn, ông bà nội cũng thương cháu. Thế nhưng, ngày ngày, chồng tôi vẫn đắm chìm trong những cuộc vui với ma túy, không lo làm ăn. Thật sự, tôi không yên tâm chút nào khi để con gái ở bên người cha như vậy. Hiện nay, tôi đang làm đơn để gửi lên TAND tối cao, nhờ phân xử”.