Chuyến đi không định trước và cú rơi xuống vực thẳm
Chúng tôi kết nối với bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) - nạn nhân sống sót sau 7 ngày dưới vực sâu Yên Tử - khi bà đang trên đường từ Quảng Ninh trở về nhà ở Hà Nội. Trong một hoàn cảnh đặc biệt, bà Liên đã chia sẻ với chúng tôi những điều cả đời này không thể quên dưới vực sâu rừng thẳm.
Bà Liên kể, sáng 27/4, bà rời khỏi nhà, ban đầu chỉ định đi xuống TP Hạ Long, Quảng Ninh để lấy thuốc thấp khớp nhưng thấy Yên Tử cũng nằm trên cung đường mình đi nên quyết định đến nơi này.
Lúc tới Yên Tử là gần trưa, bà ghé quán ăn cơm rồi mua vé cáp treo lên chùa Đồng.
Vực sâu nơi bà Liên rơi xuống và để được sống, trở về, bà đã phải nhặt rác, ăn lá cây... (Ảnh: Ban quản lý Yên Tử).
Sau khi lễ Phật và chiêm bái cảnh quan, bà Liên xuống núi và định đi nhanh để theo kịp mấy tốp người, nhưng thấy mệt nên bà ngồi nghỉ ngay sát lan can của khu vực này. Khi đứng dậy, bà Liên thấy chóng mặt, hoa mắt và ngã nhào xuống phía dưới.
Cũng theo bà Liên, khi tỉnh dậy thấy bản thân nằm trong một cái khe, đầu gối lên rễ cây, người thì nằm phía dưới. Lúc này, nghe có tiếng người, bà Liên định đứng lên kêu cứu thì dẫm vào một túi rác và rơi tiếp xuống phía dưới.
Nhờ sự kiên trì cùng với kỹ năng sống, bà Liên đã được cứu sống sau 7 ngày dưới vực sâu (Ảnh: Ban quản lý Yên Tử).
Nhận thấy rằng nếu càng cố leo lên sẽ càng nguy hiểm hơn nên bà cố gắng không để bản thân bị tụt thêm xuống vực nữa. Tuy nhiên, những tính toán của bà Liên là bất khả kháng bởi với sức nặng của bản thân, bà tiếp tục bị rơi xuống sâu hơn.
Sau lần bị rơi thứ 3, may mắn đã mỉm cười khi bà Liên nhìn thấy một phiến đá khá rộng, có thể nằm được và ngay lập tức bám vào cây tre, cây trúc leo sang. Sau đó dọn sạch sẽ để ngồi sâu vào phía trong vì ngay ngoài phiến đá là vực sâu cả trăm mét.
Lấy túi rác làm ô che mưa gió, nhặt rác sống qua ngày
Theo bà Liên, thời điểm bà rơi xuống trời có mưa nên quần áo, giày ướt sũng, cả người lạnh cóng. Rất may, cạnh phiến đá có một bụi tre trúc nên bà tìm dây để kéo tán cây xuống trước mặt để tạo thành cái ô che phía trên. Sau đó, bà Liên tìm túi rác, nilon che chắn ở phía trước để gió mưa không tạt vào.
Bà Liên nhặt túi nilon che đầu, bọc vào người, hai bàn tay và chân để dùng nhiệt của cơ thể sưởi ấm, tránh để bị viêm phổi, đau bụng. Mỗi khi trời tối, lạnh quá không ngủ được, bà tìm cách cho chân xuống hốc đá để ấm hơn. Ban ngày lúc nào nắng ấm thì tranh thủ nằm trên phiến đá để tranh thủ ngủ một chút.
Khi được hỏi về việc ăn uống trong những ngày kinh hoàng này, bà Liên chia sẻ: "Thời điểm rơi xuống, tôi có 2 cái túi, một túi đựng quần áo, giấy tờ còn một túi đựng cơm cháy với chai nước. Túi đựng quần áo thì rơi mất còn túi đựng cơm cháy phải tụt xuống lần thứ 2 mới thấy mắc trên tán cây.
Bà Liên kể, bà đã từng tuyệt vọng nhưng hy vọng được trở về với gia đình khiến bà nỗ lực vượt qua (Ảnh: Ban quản lý Yên Tử).
Ngoài ít cơm cháy và chai nước mang theo, hàng ngày tôi đi bới rác, bới được cái gì thì nhặt nhạnh cái ấy, được cái thìa cũng cất đi. Rồi hái lá dương xỉ, củ lạc tiên… ăn. Đến hôm nay (ngày 3/5) cơm cháy còn một ít, nước cũng chỉ còn một chút đang chuẩn bị đi bới rác tiếp thì được cứu".
Từng tuyệt vọng, không ngừng kêu cứu
Theo lời kể của bà Liên, ngay từ lúc rơi xuống bà đã không ngừng kêu cứu nhưng tuyệt nhiên không thấy ai đáp lời do lúc này có mưa và gió.
Sau đó 2 ngày, rồi 3 ngày, ngày kêu cứu cũng không được, đêm kêu cứu cũng vô vọng nên bà cũng bắt đầu hoảng loạn. Nhưng rồi bà nghĩ, bản thân đứng trước ranh giới sống hay chết rồi thì cứ cố gắng bảo toàn tính mạng được ngày nào tốt ngày ấy. Nếu không cũng coi như số phận.
Cứ như thế ngày qua ngày, bà Liên vẫn tiếp tục tìm kiếm đồ ăn, nhặt nhạnh từ chai nước dư, quả chanh còn dở, che chắn, bảo vệ bản thân trước thiên nhiên, thời tiết và chờ đợi. Những vết thương bị khi rơi xuống bà cũng tìm lá tự đáp cho lành.
Bà Liên cảm ơn lực lượng cứu nạn đã cứu sống, tặng quà và đưa bà trở về với gia đình (Ảnh: Ban Quản lý Yên Tử).
"Cho đến hôm qua, trong lúc bới rác tôi kiếm được cái lon bằng inox mà người ta hay mang chè đi uống thế là tôi bắt đầu dùng nó dùng để gõ cùng với kêu cứu. Sáng sớm nay (3/5), tôi thức dậy lại tiếp tục gõ, gọi và ơn trời đã có một cán bộ của Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử tên Mạnh nghe thấy. Lúc anh ấy hú lên đáp trả, nghe tiếng hú mà tôi mừng quá, biết là mình đã sống rồi nên càng cố hết sức để kêu cứu", bà Liên kể.
Ngay trong buổi sáng, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã phối hợp với nhà chùa và các đơn vị, cá nhân tổ chức tìm kiếm và cứu được bà Liên tại khu vực chùa Đồng, Yên Tử. Bà Liên sau đó đã được kiểm tra sức khỏe cẩn thận.
Chiều cùng ngày, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã điều xe ô tô cùng 2 cán bộ đưa bà Liên trở về với gia đình tại Hà Nội. Bà Liên vô cùng xúc động, bày tỏ sự cảm ơn đến lực lượng cứu nạn đã cứu giúp, tặng quà và tổ chức đưa bà về tận nhà.