“ATM gạo” xuất hiện, người nghèo phấn khởi
Tọa lạc tại địa chỉ số 335, đường Nguyễn Văn Linh, phường An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cây “ATM gạo” đầu tiên tại Cần Thơ hoạt động từ ngày 16/4, phục vụ bà con vào 8 giờ sáng mỗi ngày, hễ cần thì cứ đến nhận.
Người nhận đến từ nhiều thành phần khác nhau từ người già, trẻ em, người khuyết tật, công nhân, người lao động nghèo… nhưng ở họ có điểm chung điểm là hoàn cảnh khó khăn, lam lũ, phải bươm trải, rong ruổi khắp nơi cũng chỉ vì chén cơm, manh áo.
Ông Nguyễn Tôn Đỉnh không giấu được xúc động khi được mang gạo, cùng nhu yếu phẩm đến tận xe. |
Mang trên người đôi chân tật nguyền, nên ông Nguyễn Tôn Đỉnh (65 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, hành nghề bán vé số dạo) dừng xe máy bên cây “ATM gạo” ngay lập tức được người hỗ trợ mang tận gạo ra xe.
Ông Đỉnh tâm sự, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mấy tháng qua nguồn thu từ nghề bán vé số giảm mạnh. Đặc biệt, từ đầu tháng tư, thực hiện việc cách ly xã hội, công ty xổ số ngừng phát hành, người bán vé số như ông cũng mất việc.
“Bệnh dịch đâu ai muốn, nhà nước ra lệnh cách ly thì mình phải chấp hành. Những ngày qua những người nghèo như tụi tôi phải sống nhờ vào sự chia sẻ của cộng đồng, sống qua ngày, được nhận gạo miễn phí như gì tôi mang ơn dữ lắm”, ông Đỉnh xúc động nói.
Mỗi lần ấn, gạo sẽ nhả đúng số lượng đã được lập trình sẵn từ 1kg – 2kg tùy vào hoàn cảnh của từng người. |
Cầm trên tay 2kg gạo cùng nhu yếu phẩm vừa nhận, ông Trà Minh Thắng (61 tuổi, ngụ quận Bình Thủy) cho biết, từ lúc không được bán vé số tôi có xin việc làm ở công ty nhưng không được nhận. “Có chiếc máy này dân nghèo tụi tui đỡ lắm, tuy không có bao nhiêu nhưng mình khổ nhận được như vầy là rất quý. Cảm ơn nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã hỗ trợ gia đình tôi”, ông Thắng phấn khởi nói.
“Chiếc máy tình thương” này được cấu tạo gồm thùng chứa đặt ở trên cao, đường ống để gạo chạy xuống, giữa có một bộ điều khiển bằng van tự động được lập trình sẵn được kết nối nút giậm ở chân (để tránh tiếp xúc bằng tay). Mỗi lần ấn, gạo sẽ nhả đúng số lượng đã được lập trình sẵn từ 1kg – 2kg tùy vào hoàn cảnh của từng người.
Tuy cấu tạo khá đơn giản nhưng“chiếc máy tình thương” này là điểm tựa cho bao mảnh đời cơ cực. |
Vì dịch bệnh, nhiều người không có việc làm, không có thu nhập nên ý tưởng về cây “ATM gạo” vì vậy ra đời. “Cha đẻ” của cây “ATM gạo” tại TP Cần Thơ là anh Văn Thanh Bình (35 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) phối hợp cùng nhóm thanh niên trẻ thực hiện.
Anh Bình cho biết, thấy mô hình “ATM gạo” ở TP Hà Nội, TP HCM rất có ý nghĩa trong lệnh giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn cuộc sống những người nghèo, nhất là những người bán vé số. Thấy trong khả năng nên anh quyết định làm, mong san sẻ gánh nặng cho bà con cần được giúp đỡ.
Cùng tiếp sức để duy trì
Trong ngày đầu tiên cây "ATM gạo" đầu tiên của TP Cần Thơ đã phục vụ cho khoảng 500 lượt người đến nhận với khoảng 1 tấn gạo. Sau hơn 24 giờ hoạt động, cây "ATM gạo" này đã nhận được sự hỗ trợ, quyên góp của nhà hảo tâm, mạnh thường quân lên đến hơn 13 tấn gạo. Chưa kể, nhiều nhu yếu phẩm khác như: hạt niêm, mì gói, trứng, rau củ… cũng được các nhà hảo tâm chở đến tận nơi.
“Ban đầu tôi bỏ tiền túi mua hơn 100kg gạo để phát cho bà con, nhưng không ngờ nó có sức lan tỏa, người đến quyên góp ngoài sức tưởng tượng. Thấy bà con đến đông và người hỗ trợ cũng nhiều, tôi rất mừng vì biết việc mình làm là đúng”, anh Bình chia sẻ.
“Của ít lòng nhiều”, không ít nhà hảo tâm, mạnh thường quân mang tận nơi để tiếp sức cây "ATM gạo" duy trì hoạt động. |
Với phương châm “Ai có thì cho, ai khó khăn thì đến lấy” nhiều nhà hảo tâm đã tự nguyện mang gạo đến quyên góp để máy ATM này được duy trì. Không chỉ người đến nhận gạo đông mà người mang gạo đến cho cũng không kém phần nhộn nhịp.
Anh Nguyễn Thế Vinh (Chủ một doanh nghiệp tại quận Bình Thủy) cho biết, thông qua kênh truyền thông thấy mô hình hay, có ý nghĩa thiết thực đối với người thật sự cần giúp đỡ. Chẳng ngần ngại, anh cùng vài người bạn góp 200kg gạo với hy vọng san sẻ một phần cơ cực của bà con. “Của ít lòng nhiều, mong những người lao động nghèo sớm vượt qua khó khăn, bước qua mùa dịch”, anh Vinh chia sẻ.
Tương tự, một mạnh thường quân (xin giấu tên) tại quận Ninh Kiều cho biết, khi dự định mang gạo đến tặng cho cây “ATM gạo”, các con của cô ủng hộ hết mình. “Gia đình cũng chẳng dư dả nhiều nhưng đây là tấm lòng của cô, mong hoạt động này được duy trì lâu dài để giúp đỡ nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn”.
Người đến nhận gạo từ người già đến trẻ em đều được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m nhằm phòng ngừa Covid-19. |
Để giữ trật tự khu vực phát gạo miễn phí, chính quyền phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều) đã cử lực lượng Bảo vệ dân phố, dân phòng hướng dẫn người dân rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Những người đến quyên góp gạo được lưu lại tên tuổi, địa chỉ, nhằm thay mặt những người được giúp đỡ gửi lời tri ân về nghĩa cử cao đẹp.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những hạt gạo tuy không mang giá trị quá lớn lao về mặt vật chất nhưng cũng đủ làm ấm lòng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, yêu thương con người cùng nhau hỗ trợ bà con phần nào vơi đi nỗi lo toan trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ nhìn nhận, trong thời điểm thực hiện việc cách giãn xã hội thì mọi hoạt động, cuộc sống của người dân nhất là người lao động nghèo sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Tâm, song song với sự hỗ trợ của địa phương thì rất cần sự chung tay của xã hội nhằm giúp đỡ bao mảnh đời khó khăn. Cây “ATM gạo” là một cách làm hay, đang phát huy hiệu quả đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của bà con thật sự cần được hỗ trợ. “Hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng vàng đồng hành để hoạt động được lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng”, ông Nguyễn Ngọc Tâm chia sẻ.
“ATM gạo” xuất hiện nhiều tỉnh miền Tây
Ngày 13/4, cây “ATM gạo” đầu tiên tại tỉnh Cà Mau được lắp đặt trong khuôn viên UBND Phường 8, TP Cà Mau, hoạt động với phương châm: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn thì nhường cho người khác”.
Tại Long An, ngày 16/4,"ATM gạo" cũng lần đầu tiên được lắp đặt, tọa lạc tại công viên Võ Văn Tần, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa. Máy do mạnh thường quân đầu tư, lắp ráp. Hiện, chính quyền địa phương đã vận động được 20 tấn gạo phục vụ bà con.
Tại Bạc Liêu, máy "ATM gạo" được đặt tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ TP Bạc Liêu, được đưa vào vận hành vào ngày 17/4.
Cũng hướng đến chung tay giúp đỡ người khó khăn trong mùa dịch, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang hỗ trợ 4 máy “ATM gạo”. Theo đó, các máy được đặt ở TP Vị Thanh, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A. Thời gian cấp gạo vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần, chia làm hai buổi sáng, chiều. Dự kiến, ngày 20/4 tới đây, 4 máy “ATM gạo” sẽ được vận hành.