Lời hứa hẹn giang dở
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”, những lời hát trong ca khúc “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân như sinh ra để dành cho những người mẹ như bà Cấn Thị Ngần, 58 tuổi ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Người mẹ đã dũng cảm hiến tạng của đứa con trai yêu quý để cứu nhiều người khác.
Nhìn lên di ảnh người con trai, bà Ngần vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi Trịnh Đình Vàng (SN 1986) còn sống. Người chồng không may mất sớm do bị điện giật, bà Ngần trở thành góa phụ khi mới ở tuổi 30. Làm nông nghiệp, một mình bà gồng gánh nuôi 3 đứa con, 2 trai, 1 gái. Lúc bố mất, Vàng là con trai út khi đó mới 5 tuổi.
Thiếu vắng người chồng người cha, đã có lúc cả 4 mẹ con phải sống trong căn lều dựng tạm giữa đồng, đùm bọc nhau qua ngày. Dù kinh tế không dư giả nhưng Vàng cũng theo học được hết phổ thông. Sau đó, không theo nghiệp đèn sách, anh vào Nam học cơ khí rồi về quê làm cho một công ty cửa sắt.
Anh chị có gia đình riêng, 2 mẹ con bà Ngần sống nương tựa vào nhau từ năm 2010. Trong kí ức của người mẹ hiền hậu, cậu con trai út là người ngoan ngoãn, biết vun vén và hiếu thảo: “Thằng Vàng đi làm được bao nhiêu tiền cũng đều gom góp, đưa cho mẹ. Nó nói thương mẹ cả đời vất vả, chưa được một ngày thanh thản nên nó cố gắng đi làm, dành dụm tiền để sửa sang ngôi nhà khang trang, tươm tất”, bà Ngần bộc bạch.
Nhiều lần, con trai tỉ tê với mẹ, nhà mình nghèo, nợ còn nhiều, nhà cửa tuềnh toàng, công trình phụ chưa có nên anh cố gắng, chăm chỉ làm việc, có tiền sửa nhà để cuối năm 2016 lấy vợ cho mẹ có con dâu. Nhưng cuộc đời trớ trêu, nhà đã sửa xong thì Vàng lại ra đi mãi mai do bị một tai nạn bất ngờ.
Vào một ngày cuối tháng 7 năm 2016 khi bà Ngần đang đi làm việc nhà cho một gia đình ở Hà Nội thì anh Vàng trong lúc ngủ không may rơi từ lan can xuống đất. Khi được mọi người phát hiện thì đã ở trong tình trạng bất tỉnh, tay trái gãy, đầu vỡ, máu chảy từ tai.
Bà Ngần vẫn còn nhớ như in lúc bà nhận được cuộc điện thoại vào lúc 5h sáng 27/7/2016, bảo bà về nhà gấp. Đến khi nhìn thấy con trai nằm bất động trên giường bệnh dù dùng máy trợ thở nhưng thực tế đã rơi vào trạng thái chết não bà Ngần ngã quỵ. Lúc này, bà vẫn chưa hiểu được điều gì đã xảy ra.
Lúc ấy, bà được các bác sỹ gọi vào phòng riêng để nói chuyện về việc hiến tạng. Bà một mực phản đối. “Lúc đó tôi như đứt từng khúc ruột, tim tôi có ai bóp khiến tôi nghẹt thở. Rứt ruột đẻ con ra, nuôi con lớn, giờ chứng kiến con trong tình cảnh ấy hỏi làm sao tôi chấp nhận được. Đã vậy, nếu hiến tạng thì thi thể con trai tôi sẽ không toàn vẹn”, bà Ngần nhớ lại.
Thế nhưng sau khi suy nghĩ kỹ bà Ngần lại đồng ý, bởi câu nói của vị bác sỹ cứ luẩn quẩn trong đầu bà suốt hôm đó: “Nếu phần tạng của anh Vàng hiến tặng thì một phần cơ thể của anh ấy sẽ vẫn sống trong những người khác, anh ấy không vĩnh viễn mất đi, không tan vào tro bụi”. Suy nghĩ từ 8h sáng đến cuối giờ chiều cùng ngày, bà Ngần và gia đình mới đồng ý ký vào giấy hiến tạng.
Khi đi qua một phòng bệnh, thấp thoáng nghe được những lời bàn tán đầy hi vọng của những gia đình bệnh nhân vừa hay tin được nhận tạng, tâm trạng người mẹ nghèo đang đau đớn tột bậc nhưng đồng thời lại có phần an ủi vì biết rằng việc làm của mình là phúc đức cứu người.
Ngay trong đêm, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã lấy tim, gan, hai quả thận của anh Vàng để cứu sống bốn người đang cận kề cái chết. Sau khi kết thúc ca mổ, quả tim của anh Vàng đã đập lại bên trong lồng ngực mới, bệnh nhân được ghép thận cũng đã xuất hiện nước tiểu ngay sau khi được ghép trên bàn mổ, còn ở bệnh nhân được ghép gan cũng cho kết quả tốt.
Bao la lòng mẹ
Đã 3 năm kể từ ngày anh Vàng ra đi, nhưng hàng ngày, mỗi khi đi ra ngõ, thấy hàng rào sắt mà con trai làm trước cửa nhà, bà Ngần lại không cầm nổi nước mắt. Hình ảnh anh Vàng đang nắn nót chỉnh sửa từng khung sắt trong niềm vui hoàn thành việc sửa nhà, cưới vợ để báo hiếu mẹ vẫn như mới ngày hôm qua.
Sau quyết định hiến tạng con, bà Ngần bày tỏ nguyện vọng muốn biết thông tin của người được hiến tạng để sau này thỉnh thoảng tới thăm cho đỡ nhớ con chứ không có ý quấy quả, đòi hỏi điều gì. Nhưng vì yếu tố bảo mật nên phía bệnh viện không chấp thuận.
Nhưng một tháng sau đó, gia đình bà Ngần vô cùng bất ngờ khi có hai gia đình có người thân được ghép giác mạc của anh Vàng tới thăm. Một trong hai người được ghép giác mạc là anh Nguyễn Xuân Hưng, 27 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội.
Bà Ngần nói chuyện với một trong những người con được nhận hiến tạng từ anh Trịnh Đình Vàng |
Hai năm trước ca phẫu thuật, anh Hưng bị sưng mắt, đau, ngứa mắt, kèm theo đó thị lực suy giảm nhanh chóng, mắt lúc nào cũng như có màn sương che phủ. Đi khám, anh Hưng được xác định bị giác mạc chóp bẩm sinh, thị lực suy giảm theo thời gian, nếu không can thiệp sẽ dẫn đến mù lòa, cách điều trị duy nhất là ghép giác mạc.
Khoảng một năm rưỡi từ ngày viết đơn xin ghép giác mạc, giữa tháng 8/2016, anh Hưng bất ngờ khi được thông báo đã có người cho giác mạc. Gia đình anh luôn tâm niệm phải tìm bằng được gia đình người cho giác mạc để tri ân nhưng việc tìm kiếm ban đầu rất khó vì phía bệnh viện không cung cấp thông tin.
Sau đó thông qua Internet, gia đình đã tìm được thông tin về quê quán của người cho tạng nhưng lúc đó chỉ biết xã chứ không biết cụ thể tên, tuổi, địa chỉ. Chỉ dựa vào chút thông tin ít ỏi đó, gia đình và một người được cho giác mạc khác ở Xuân Mai, Hà Nội đã dò tìm về đúng địa chỉ nhà bà Ngần tại Quốc Oai.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ đã khiến bà Ngần xúc động mạnh và còn bất ngờ hơn nữa khi nhận thấy giữa mình và bà Lợi (mẹ anh Hưng) có quá nhiều điểm trùng hợp.
Cả hai người phụ nữ đều trong cảnh chồng mất sớm phải tự mình nuôi một đàn con. Trong khi chồng bà Ngần chết vì tai nạn điện giật thì chồng bà Lợi bị sét đánh, đến giờ số phận lại run rủi cho con trai bà Lợi được nhận giác mạc của con trai bà Ngần. Đến khi gặp Hưng, bà Ngần xúc động ôm lấy cậu thanh niên xa lạ mà cứ ngỡ người ruột thịt. Khi nhìn vào mắt Hưng, bà Ngần có cảm giác như được gặp lại ánh nhìn của con trai mình.
Rồi lần lượt, bà Ngần tiếp tục được gặp những người còn lại đã nhận tạng của con mình. Họ đều gọi bà Ngần là “mẹ”. Họ có chung một đặc điểm, đó là đều nghèo khó, vừa bươn chải mưu sinh vừa duy trì chữa bệnh.
Họ cũng như bà, đứng trước bàn thờ của Vàng và thấm thía cảm giác mừng mừng tủi tủi. Trước ngày giỗ đầu con trai, bà Ngần đã được những người “con” mới thông tin cả 5 người sẽ cùng về lo làm giỗ cho em và họ cùng nhận là anh em trong một nhà.
Anh Nguyễn Nam Tiến (38 tuổi, Tuyên Hóa, Quảng Bình) hiện là thiếu úy pháo binh của tàu CSB 2012, thuộc hải đội 201, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2, đóng quân ở Núi Thành, Quảng Nam. Anh Tiến phát hiện bị bệnh tim năm 2014. Có nhiều lúc anh không thể thở được, mặt mày tím tái và thường xuyên phải cấp cứu.
Các bác sĩ đã đặt 1 chiếc máy tạo nhịp tim trong lồng ngực của anh. Bác sĩ tiên lượng, thời gian sống của anh chỉ còn rất ít, chỉ có thể tính bằng tháng. Cách duy nhất để anh sống được đó là ghép tim và phép màu đã đến với anh sau quyết định của “mẹ” Ngần.
Anh Tiến chia sẻ: “Với tôi, mẹ Ngần là người mẹ thứ 2 của tôi. Lần đầu ra đây gặp mẹ, tôi đã thấy được sự ấm áp. Giờ gặp các anh chị em khác cũng vậy, dường như đã là người một nhà từ lâu rồi. Tôi không thấy khoảng cách nào”.
Vào năm 2018, sau 2 năm anh Vàng ra đi, căn nhà mái bằng được chính 5 “người con” từ bốn phương về sơn và thay cửa, hoàn thiện những gì anh Vàng chưa làm được. Giờ đây ngày lễ Tết, họ vẫn thường xuyên về thăm bà Ngần, hàng ngày gọi điện về hỏi thăm sức khỏe “mẹ” Ngần.
Đứng dậy thắp cho người con trai nén hương, bà Ngần nói rằng mình được an ủi khi thấy nhiều người được hồi sinh từ quyết định hiến tạng con trai của bà. “Tôi nghĩ dưới suối vàng, con trai tôi sẽ được an ủi bởi trái tim con vẫn tiếp tục đập, đôi mắt con vẫn tiếp tục dõi theo bóng mẹ và anh chị”, bà Ngần nghẹn ngào.